Nhà đầu tư khi tiến hành hoạt động dự án đầu tư phải đảm bảo thực hiện đúng theo nội dung dự án đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án Tuy nhiên, những khó khăn hoặc tình huống bất khả kháng có thể diễn ra làm gián đoạn hoạt động dự án đầu tư. Vậy điều kiện tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư mới nhất được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư mới nhất:
Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Trong suốt thời gian thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư sẽ đối diện với nhiều thách thức, rủi ro khác nhau, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động của dự án. Theo pháp luật hiện hành thì việc tạm ngừng hoạt động này phải đảm bảo điều kiện thể hiện rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể được quy định tại Điều 47, Luật Đầu tư 2020 như sau:
– Thứ nhất, phải kể đến tạm ngừng vì lý do bất khả kháng: Trong trường hợp này thì nhà đầu tư sẽ nhận được một số ưu đãi nhất định như được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra. Để xác định lý do bất khả kháng trong việc tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư một cách thống nhất là do các sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù Nhà đầu tư đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Một số sự kiện bất khả kháng thường gặp có thể kể đến như thiên tai, địch họa, bệnh dịch…
– Thứ hai, hoạt động tạm ngừng vì mục đích là bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
– Thứ ba, Nếu có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường mà cần thiết tạm ngừng đầu tư để kịp thời khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
– Thứ tư, Dựa trên đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý lao động nên phải ngừng đầu tư để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động;
– Thứ năm, Thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;
– Thứ sáu, Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm;
– Thứ bảy, Trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với quy định nêu trên thì tình trạng tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư có thể thực hiện bởi nhà đầu tư tự quyết định ngừng dự án hoặc do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định ngừng toàn bộ hoặc một phần dự án.
Lưu ý: Tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư không quá 12 tháng. Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết có hiệu lực của trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thì thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư được xác định theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Trường hợp các văn bản này không xác định thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì tổng thời gian ngừng không quá thời gian quy định tại khoản khoản 2 Điều 56 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
2. Thủ tục thực hiện việc tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư:
2.1. Hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư:
Việc rạm ngừng hoạt động dự án đầu tư cần phải thực hiện theo đúng trình tự nên việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thông báo tạm ngừng phải đặc biệt lưu tâm. Hiện nay, những giấy tờ cần chuẩn bị cho hoạt động này bao gồm:
– Chuẩn bị 01 giấy thông báo tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư;
Nội dung chứa đựng trong giấy thông báo tạm ngừng cần có các nội dung chính sau: Thể hiện được thông tin nhà đầu tư; thông tin tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư; tình hình hoạt động của dự án (thực hiện các thủ tục hành chính, tiến độ triển khai); tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính; nội dung tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư; cam kết của nhà đầu tư;
– Trường hợp người nộp hồ sơ không phải người đại diện theo pháp luật thì người nộp thay cần có văn bản ủy quyền đã được người đại diện theo pháp luật chấp thuận cho thực hiện; Hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng dịch vụ đối với tổ chức thực hiện dịch vụ nộp hộ hồ sơ và
– Bên cạnh đó, cũng cần có quyết định, biên bản họp (nếu có) về việc tạm ngừng;
– Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh hoặc Quyết định chủ trương đầu tư.
2.2. Thủ tục tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư:
Căn cứ khoản 3 Điều 56 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo thủ tục sau:
– Trường hợp 1: Trường hợp tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật Đầu tư.
Trách nhiệm của nhà đầu tư là tiến hành gửi thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư, thời gian thực hiện hoạt động này là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định. Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và thông báo việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan;
– Trường hợp 2: Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư.
Căn cứ ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 47 của Luật Đầu tư để quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư và thông báo cho các cơ quan liên quan và nhà đầu tư;
Hoạt động lập biên bản trước khi quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư phải được diễn ra đầu tiên khi Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền về các lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 47 của Luật Đầu tư xác định cho ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư;
Đối với việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư căn cứ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết có hiệu lực pháp luật của trọng tài để quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần của dự án đầu tư;
– Trường hợp 3: Đối với dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đối với trường hợp này thì việc thông báo được thực hiện bởi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan này sẽ thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung thông báo gồm các nội dung sau: nhà đầu tư thực hiện dự án; mục tiêu, địa điểm, nội dung dự án, quá trình thực hiện dự án; đánh giá tác động hoặc nguy cơ ảnh hưởng của dự án đối với quốc phòng, an ninh quốc gia; kiến nghị về việc ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư;
Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Luật Đầu tư 2020;
– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: