Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là lĩnh vực yêu cầu phải có nhiều chuyên gia giỏi về chuyên môn và tinh thông về nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Vậy điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng đượcquy định như nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng:
1.1. Khái quát chung về hoạt động kiểm định chất lượng xây dựng công trình:
Từ điển Tiếng Việt của Viện nghiên cứu phát triển Giáo dục nghiên cứu nhiều về ngôn ngữ học cho rằng, chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc. Từ thuật ngữ “chất lượng” kéo theo hai thuật ngữ “phẩm chất” và “giá trị” rất khó để định lượng hay đo lường được. Tuy người đọc đều hiểu đó là nội dung cốt lõi của chức năng, sự vật hay sự việc, nhưng thước đo về “phẩm chất” và “giá trị” cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, chất lượng là cả một vấn đề nan giải và dễ dẫn đến có nhiều quan đểm khác nhau trong đánh giá. Theo các văn bản pháp quy hiện hành, chất lượng công trình xây dựng được hiểu là những yêu cầu về an toàn, bền vững, kỹ thuật và mỹ thuật của công trình nhưng phải phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng kinh tế. Các yếu tố cơ bản để tạo nên chất lượng công trình xây dựng như sau:
Chất lượng công trình xây dựng | = | Đảm bảo: – An toàn; – Bền vững; – Kỹ thuật; – Mĩ thuật. | + | Phù hợp: – Quy chuẩn; – Tiêu chuẩn; – Quy phạm pháp luật; – Hợp đồng. |
Xuất phát từ sơ đồ này, việc phân công quản lý cũng được các quốc gia luật hóa với nguyên tắc: Những nội dung “phù hợp” (tức là vì lợi ích của xã hội, lợi ích cộng đồng) do nhà nước kiểm soát và các nội dung “đảm bảo” do các chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng (chủ đầu tư và các nhà thầu) phải có nghĩa vụ kiểm soát. Bên cạnh đó, trong hoạt động xây dựng, việc kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá chất lượng xây dựng công tình xây dựng là công việc không thể thiếu, không thể bỏ qua bởi nó cho các bên liên quan biết rõ chất lượng thực sự của sản phẩm xây dựng có đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế hay của tiêu chuẩn, quy chuẩn hay không. Công việc này chính kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Vì thế: Kiểm định công trình xây dựng là hoạt động khảo sát, kiểm tra, thử nghiệm nhằm định lượng một hay nhiều tính chất liên quan đến chất lượng của sản phẩm hoặc công trình xây dựng, là cơ sở cho việc phân tích, tính toán, so sánh với quy định của thiết kế và tiêu chuẩn áp dụng, tiến hành đánh giá, kết luận và kiến nghị liên quan đến chất lượng công trình.
Một số trường hợp cần phải thực hiện hoạt động kiểm định công trình xây dựng như sau:
– Khi công trình xảy ra sự cố hoặc có khiếm khuyết về chất lượng;
– Khi có tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng;
– Kiểm định định kỳ công trình xây dựng trong quá trình sử dụng;
– Cải tạo, nâng cấp hoặc kéo dài tuổi thọ công trình xây dựng;
– Phúc tra chất lượng công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
1.2. Quy định về điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng:
Căn cứ theo Điều 97 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng như sau:
Thứ nhất, là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng hoạt động trong lĩnh vực kiểm định.
Thứ hai, về hệ thống quản lý chất lượng:
– Có các đầu mối theo dõi, kiểm tra các hoạt động kiểm định theo hợp đồng;
– Có kế hoạch và phương thức kiểm soát chất lượng đảm bảo công tác kiểm định trên thực tế.
– Quy trình lập và quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình kiểm định, phát hành các văn bản trong quá trình kiểm định; văn bản thông báo kết quả kiểm định; văn bản trả lời khiếu nại với các bên có liên quan vè két quả kiểm định.
Thứ ba, về điều kiện năng lực:
Đối với công trình hạng I | – Cá nhân đảm nhận chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng hạng I phù hợp; – Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng; – Đã thực hiện kiểm định xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II cùng loại trở lên |
Đối với công trình hạng II | – Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng từ hạng II trở lên phù hợp; – Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng; – Đã thực hiện kiểm định xây dựng của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III cùng loại trở lên. |
Đối với công trình hạng III | – Cá nhân chủ trì thực hiện kiểm định xây dựng phải đáp ứng điều kiện hành nghề kiểm định xây dựng hạng III phù hợp; – Cá nhân tham gia thực hiện kiểm định xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác kiểm định xây dựng |
2. Quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng:
Căn cứ theo Điều 97 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng, cụ thể như sau:
– Đối với công trình hạng I, thì theo quy định của pháp luật hiện nay phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng là sẽ được thực hiện hoạt động kiểm định xây dựng cho tất cả các cấp công trình cùng loại;
– Đối với công trình hạng II, thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng sẽ được thực hiện đối với tất cả các công trình cấp II trở xuống cùng loại;
– Đối với công trình hạng III, thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng là được phép tiến hành hoạt động kiểm định xây dựng đối với tất cả các công trình cấp III trở xuống cùng loại.
Ngoài ra pháp luật hiện nay còn quy định thêm, tổ chức tham gia hoạt động kiểm định xây dựng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và kết cấu xây dựng, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất xây dựng phải đắp ứng thêm được những điều kiện cơ bản sau đây:
– Phải sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng với các phép thử được cơ quan có thẩm quyền công nhận phù hợp với nội dung thực hiện kiểm định;
– Cá nhân thực hiện kiểm định có chuyên môn phù hợp với công tác kiểm định xây dựng.
3. Một số mục tiêu của hoạt động tổ chức kiểm định công trình xây dựng:
Thứ nhất, kiểm định để chuẩn đoán kỹ thuật về thực trạng chất lượng công trình. Kết quả công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra hàng năm và kiểm tra chi tiết đối với công trình là những thông tin hết sức quan trọng cho chuẩn đoán kỹ thuật đối với một công trình. Kết quả kiểm nghiệm về cơ học đối với vật liệu và kết cấu, các thử nghiệm không phá hoại là căn cứ để chuẩn đoán kỹ thuật về thực trạng chất lượng công trình. Đối với các công trình có nguồn vốn ngân sách nhà nước, kiểm định góp phần hạn chế thất thoát, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực (tham nhũng, bòn rút công trình …), đảm bảo an toàn trong xây dựng.
Thứ hai, kiểm định góp phần đảm bảo cho dự án, công trình xây dựng thực hiện đúng chất lượng, mục tiêu, tuân thủ các yêu cầu theo quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng giao nhận thầu xây dựng. Công tác kiểm định nhằm mục đích chủ động phòng ngừa sự xuống cấp hay hư hỏng công trình hoặc phục vụ trực tiếp công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp và cải tạo và thay thế khi cần thiết. Trong trường hợp xảy ra sự cố khi đang khai thác sử dụng, công tác kiểm định là nhân tố quan trọng nhất phục vụ việc xác định nguyên nhân để có các biện pháp khắc phục sự cố.
Thứ ba, kiểm định giúp đánh giá chất lượng công trình sau sự cố. Đối với một số công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm hoạ, bắt buộc phải kiểm định, đánh giá chất lượng dựa trên hàng loạt các tiêu chí như độ bền vững, an toàn sử dụng, an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn công nghệ mới cho phép đưa vào khai thác sử dụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.