Việt Nam ta là nước có đường bờ biển dài chạy dọc toàn lãnh thổ, vậy nên những dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta phát triển rất đa dạng và phong phú. Vậy pháp luật quy định như thế nào về các điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
- 1.1 1.1. Điều kiện cung cấp dịch vụ thiết lập và dịch vụ vận hành, cung cấp các dịch vụ duy trì và bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước và vùng nước, hoạt động phân luồng hàng hải công cộng và các tuyến đường hàng hải:
- 1.2 1.2. Điều kiện để cung cấp và kinh doanh dịch vụ khảo sát khu nước, khảo sát vùng nước, phân luôn hàng hải công cộng và các tuyến đường hàng hải với mục đích phục vụ cho công bố Thông báo hàng hải:
- 1.3 1.3. Điều kiện đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải:
- 1.4 1.4. Điều kiện cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hoa tiêu hàng hải:
- 2 2. Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
- 3 3. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, đã có những chế định cụ thể ghi nhận về vấn đề bảo đảm an toàn hàng hải, do đây là những ngành nghề đặc thù cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Bộ luật hàng hải năm 2018 hiện hành có ghi nhận và đảm bảo an toàn trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể như sau:
– Tiến hành những hoạt động tổ chức và quản lý bảo đảm an toàn hàng hải trên thực tế;
– Cung cấp những dịch vụ phù hợp nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải.
Nhìn chung, căn cứ theo quy định tại Nghị định 147/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải (sau được sửa đổi bởi nghị định 69/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải), có ghi nhận cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ đảm bảo an toàn hàng hải, trong một số trường hợp sau đây:
1.1. Điều kiện cung cấp dịch vụ thiết lập và dịch vụ vận hành, cung cấp các dịch vụ duy trì và bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước và vùng nước, hoạt động phân luồng hàng hải công cộng và các tuyến đường hàng hải:
Trong trường hợp này thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những điều kiện sau đây:
– Đó phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, đồng thời được chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải tiến hành hoạt động phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động;
– Người được giao phụ trách lĩnh vực cung cấp các dịch vụ nêu trên thì cần phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kĩ thuật, các chủ thể này phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải với thời gian tối thiểu là 05 năm;
– Có cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định của pháp luật, tức là có 01 cầu cảng, có xưởng sản xuất và bảo trì báo hiệu.
1.2. Điều kiện để cung cấp và kinh doanh dịch vụ khảo sát khu nước, khảo sát vùng nước, phân luôn hàng hải công cộng và các tuyến đường hàng hải với mục đích phục vụ cho công bố Thông báo hàng hải:
Trong trường hợp này thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể sau đây:
– Đó phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, và phải được chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải tiến hành hoạt động phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động;
– Người được giao nhiệm vụ phụ trách cung cấp dịch vụ hàng hải trong vấn đề khảo sát khu nước và khảo sát vùng nước, phân luôn hàng hải công cộng và các tuyến đường hàng hải cần phải đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn, phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kĩ thuật, phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khảo sát hàng hải tối thiểu thời gian là 05 năm;
– Phải có trang thiết bị khảo sát chuyên dùng tối thiểu ví dụ như, máy đo sâu hồi âm, các thiết bị xác định tọa độ và độ cao theo quy định, máy già quét các loại chướng ngại vật và thiết bị triều ký tự ghi, các loại máy bù
1.3. Điều kiện đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải:
Trong trường hợp này thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể sau đây:
– Đó phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, và phải được chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải tiến hành hoạt động phê duyệt điều lệ và tổ chức hoạt động;
– Người được giao phụ trách trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thông báo hàng hải cần phải đáp ứng yêu cầu về mặt học vấn, tức là phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế hoặc kĩ thuật, và có kinh nghiệm hoạt động trên thực tế trong lĩnh vực hàng hải tối thiểu là 05 năm.
1.4. Điều kiện cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hoa tiêu hàng hải:
Trong trường hợp này thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể sau đây:
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải phải là doanh nghiệp được thành lập theo đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp, và phải do chủ thể có thẩm quyền đó là nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ;
– Người được giao phụ trách trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải phải là hoa tiêu ngoại hạng theo đúng quy định của pháp luật hiện nay;
– Phải đáp ứng được yêu cầu về số lượng hoa tiêu tối thiểu đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận hoạt động phù hợp với tuyến dẫn tàu được giao. Việc xác định số lượng hoa tiêu tối thiểu và số lượng phương tiện tối thiểu để đưa đón hoa tiêu sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Số lượng hoa tiêu tối thiểu được tính căn cứ theo tuyến dẫn tàu và số lượng tàu, được tính theo trọng tải tàu hoạt động trên tuyến trong 03 năm trước đó, số ngày làm việc tối đa hằng năm của những người lao động theo quy định của pháp luật, số lượng hoa tiêu tối thiểu trên mỗi chuyến cần phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu và tối thiểu là 10% dự trữ trên tổng số hoa tiêu. Ngoài ra còn có thể thấy, số lượng phương tiện tối thiểu để đưa đón hoa tiêu sẽ được xác định dựa trên số lượng tàu được dẫn hằng năm của doanh nghiệp hoa tiêu và điều kiện hàng hải tại khu vực dẫn tàu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục hàng hải Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động công bố số lượng hoa tiêu tối thiểu và số lượng phương tiện tối thiểu để tiến hành hoạt động đưa đón hoa tiêu của mỗi chuyến dẫn tàu, giao vùng hoa tiêu bắt buộc và tuyến dẫn tàu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo một số nguyên tắc nhất định, và đặc biệt là một chuyến dẫn tàu chỉ do một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải đảm nhận.
2. Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì một bộ hồ sơ để xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đảm bảo an toàn hàng hải sẽ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau đây:
– Đơn hoặc văn bản đề nghị phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật;
– Bản sao quyết định đầu tư xây dựng công trình được cấp bởi chủ thể có thẩm quyền;
– Bản sao của bản đồ bố trí mặt bằng tổng thể của công trình theo quy định của pháp luật;
– Bản chính của các phương án bảo đảm an toàn hàng hải, trong đó phải thể hiện được những nội dung cơ bản như: Tên công trình, địa chỉ của chủ đầu tư, quy mô xây dựng, thời điểm thi công, biện pháp thi công được duyệt, biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải, và các phương án tổ chức phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật … cùng những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
3. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải:
Bước 1: Các chủ đầu tư sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu nêu trên để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này được xác định là Cảng vụ hàng hải cấp tỉnh. Có nhiều cách thức nộp hồ sơ khác nhau, có thể nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp thông qua đường bưu điện.
Bước 2: Cảng vụ hàng hải sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu như xét thấy hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Cảng vụ hàng hải sẽ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Nếu hồ sơ hợp lệ thì chậm nhất là 7 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ hàng hải có văn bản phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải và gửi trực tiếp cho chủ đầu tư hoặc gửi thông qua hệ thống bưu chính.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2018;
– Nghị định 147/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải;
– Nghị định 69/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.