Nghi thức kết hôn với người nước ngoài? Con của cán bộ có được kết hôn với người nước ngoài? Quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài Luật sư tư vấn? Kết hôn với người nước ngoài thì con sinh ra có được mang hai quốc tịch không?
Kết hôn là quá trình nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một số người nước ngoài vẫn chưa hiểu hết về các quy định về việc tiến hành kết hôn với công dân Việt Nam như thế nào đặc biệt là về điều kiện kết hôn.
Dưới đây là bài phân tích của Luật Dương Gia về những điều kiện tiên quyết để kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến điều kiện đăng ký kết hôn hoặc các vấn đề pháp luật khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Luật sư
Thứ nhất: Điều kiện kết hôn của hai bên đăng ký kết hôn
– Hai bên khi tiến hành đăng ký kết hôn tại Việt Nam cũng cần phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài, hai bên cần phải lưu ý những điều kiện sau:
+ Độ tuổi kết hôn: đối với nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
+ Việc kết hôn phải dựa trên tinh thần tự nguyện của hai bên, do nam và nữ tự nguyện quyết định.
+ Hai bên đăng ký kết hôn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có năng lực để tự quyết định hành vi của mình.
Giả sử, A (công dân Việt Nam) muốn đăng ký kết hôn với B (công dân Hàn Quốc). Tuy nhiên, công dân A đang bị Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này,
Ngoài ra không thuộc những trường hợp cấm kết hôn theo pháp luật Việt Nam như sau:
– Cấm kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo nhằm mục đích lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài, hoặc để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác chứ không phải nhằm mục đích xây dựng gia đình.
– Chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người đang có vợ, có chồng hoặc chưa có vợ, có chồng.
– Giữa những người có dòng máu trực hệ, giữa cha nuôi, mẹ nuôi; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha chồng với con dâu; giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. Những hành vi cưỡng ép giống như là đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, hoặc dùng những hành vi khác gây áp lực để ngăn cấm, hoặc cưỡng ép một cuộc hôn nhân đều không được pháp luật chấp nhận.
Thứ hai, về điều kiện của người nước ngoài khi kết hôn với công dân Việt Nam
Ngoài các quy định chung tại Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì người nước ngoài cần phải đáp ứng những quy định sau:
Theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì khi kết hôn với công dân Việt Nam, người nước ngoài phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn theo quốc gia mà người đó là công dân. Trường hợp việc kết hôn được tiến hành tại Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ: A là nữ (18 tuổi, công dân Việt Nam) muốn kết hôn với B (20 tuổi, công dân Trung Quốc). Theo quy định về việc kết hôn của pháp luật Việt Nam thì nữ phải đủ 18 tuổi trở lên, nam phải đủ 20 tuổi trở lên. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì nữ phải đủ 20 tuổi trở lên và nam phải đủ 22 tuổi trở lên mới đủ tuổi đăng ký kết hôn. Nếu hai bên đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thì đã đủ điều kiện kết hôn. Nếu hai bên đăng ký kết hôn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc thì sẽ không đủ điều kiện. Trong trường hợp này, nếu hai bên lựa chọn việc đăng ký kết hôn tại Trung Quốc thì phải chờ thời gian để đủ tuổi kết hôn theo pháp luật Trung Quốc.
Theo đó, người nước ngoài khi kết hôn với công dân Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các điều kiện của 02 hệ thống pháp luật đó là pháp luật Việt Nam và pháp luật mà người đó là công dân.
Hiện nay, khi một công dân Việt Nam kết hôn với một công dân nước ngoài không những hai bên cần tuân thủ các quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 mà còn cần phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội của dân tộc Việt Nam. Đó là những hành vi như kết hôn với những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời, hay kết hôn giữa cha mẹ với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể…
Mục lục bài viết
1. Nghi thức kết hôn với người nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Anh/chị cho em hỏi là sắp tới em dự định đăng ký kêt hôn, vợ em là người nước ngoài nhưng em không biết quy định của pháp luật về nghi thức kết hôn là như thế nào?
Luật sư tư vấn:
a) Thẩm quyền đăng ký kết hôn
* Thẩm quyền chung:
Về nguyên tắc chung, đối với quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, có hai cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn là: UBND cấp huyện nơi công dân Việt Nam thường trú và Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nơi công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú
* Thẩm quyền đăng ký tại khu vực biên giới:
Theo quy định của pháp luật hiên hành thì thẩm quyền đăng ký tại khu vực biên giới thuộc về UBND cấp xã nơi công dân Việt Nam thường trú. Bởi lẽ, người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại khu vực biên giới thường có mối quan hệ gần gũi nhau về điều kiện sống không khác là bao so với quan hệ giữa công dân Việt Nam với nhau. Mặt khác, điều kiện địa lý ở khu vực này lại thường ở vị trí xa trung tâm nên sẽ gây khó khăn không nhỏ cho người dân, về chi phí và thời gia đi lại nếu đẩy thẩm quyền lên cấp cao hơn. Đồng thời, quy định như vậy làm cho pháp luật có tính khả thi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết hôn của công dân Việt Nam thuận lọi hơn.
b) Trình tự thủ tục đăng ký kết hôn
* Hồ sơ đăng ký kết hôn:
Phải có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 38 Luật hộ tịch 2014 gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn (hai bên nam, nữ có thể khai chung một tờ)
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó;
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi;
– CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn + Hộ khẩu của công dân Việt Nam;
– Hộ chiếu còn hạn hoặc Thẻ cư trú hoặc Giấy tờ đi lại quốc tế của công dân nước ngoài.
Lưu ý: Các Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi sử dụng tại Việt Nam.
* Thời hạn giải quyết
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật hộ tịch 2014 thì thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.
* Lệ phí đăng ký kết hôn
– Do từng địa phương quy định.
* Từ chối đăng ký kết hôn.
Việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài có thể bị từ chối nếu không đủ điều kiện kết hôn.
Như vậy, bạn có thể căn cứ tào những quy định nêu trên để áp dụng vào trường hợp của mình cho phù hợp.
2. Con của cán bộ có được kết hôn với người nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho tôi hỏi, ở Việt Nam có luật gì không cho phép con cái của cán bộ ngoại giao Việt Nam thay đổi quốc tịch hoặc kết hôn với người nước ngoài không? Tôi là con cán bộ ngọai giao, tôi đã học và đang sinh sống ở nước ngoài nhiều năm và tôi có ý định kết hôn với người nước ngoài và nhận quốc tịch nước ngoài. Việc này có ảnh hưởng gì đến công việc của cha mẹ tôi tại bộ ngoại giao không?
Luật sư tư vấn:
Hiện nay chưa có quy định rõ ràng nào cấm con của cán bộ ngoại giao được kết hôn với người nước ngoài và nhận quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp bố mẹ bạn là đảng viên thì sẽ cần phải tuân theo điều lệ Đảng và nếu vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
Trước kia, theo Quy định 94/2007/QĐ-TW thì:
Điều 8. Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài
1- Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực bằng văn bản với chi bộ, thường trực cấp uỷ quản lý mình về lai lịch, thái độ chính trị của người con dâu (hoặc con rể) và cha, mẹ ruột của họ.
b) Có con kết hôn với người nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản l Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Có con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không báo cáo với tổ chức.
c) Có hành vi ép con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm mục đích vụ lợi.
d) Kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không báo cáo cấp uỷ trực tiếp quản lý và cấp uỷ nơi mình sinh hoạt.
3- Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, đã bị xử lý mà còn tái phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà người đó không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
b) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà người đó có hoạt động phạm tội nghiêm trọng, có thái độ hoặc hoạt động chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
c) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo với chi bộ về các nội dung có liên quan đến lai lịch của người mà đảng viên kết hôn bằng văn bản hoặc đã báo cáo nhưng cấp uỷ có thẩm quyền không đồng ý.
d) Bản thân đã cố tình che giấu tổ chức đảng; đồng tình, khuyến khích con quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy định này cũng công nhận việc xử lý đối việc có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực bằng văn bản với chi bộ, thường trực cấp uỷ quản lý mình về lai lịch, thái độ chính trị của người con dâu (hoặc con rể) và cha, mẹ ruột của họ; có con kết hôn với người nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Hiện nay theo quy định tại Quy định 181/2013/QĐ-TW thì:
Điều 24. Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực bằng văn bản với chi bộ, thường trực cấp ủy quản lý mình về lai lịch, thái độ chính trị của con dâu (hoặc con rể) và cha, mẹ ruột của họ.
b) Có con kết hôn với người nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Mặt khác, theo Hướng dẫn 09/2013/HD-UBKTTW hướng dẫn Điều 24 của Quy định 181/2013/QĐ-TW thì chỉ đưa ra mức phạt khi mà có hành vi ép buộc con cái mà thôi.
Như vậy, xét về bản chất việc con của cán bộ ngoại giao thì không có quy định cụ thể, nhưng đảng viên không có quy định cầm kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, việc kết hôn cần phải tuân thủ trình tự nghiêm ngặt và đồng thời báo cáo với chi bộ để tiến hành điều tra theo thủ tục.
3. Quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài
Luật sư tư vấn
1. Thế nào là quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài?
Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“25. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Như vậy một quan hệ hôn nhân gia đình được coi là có yếu tố nước ngoài khi có một trong những điều kiện sau:
+ Có ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài
2. Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Căn cứ vào quy định tại Điều 122 Luật hôn nhân gia đình 2014, các nguồn luật được áp dụng điều chỉnh quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài là:
– Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên: được áp dụng trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế khác với quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014
– Pháp luật nước ngoài: được áp dụng trong trường hợp các văn bản pháp luật của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài (nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật hôn nhân gia đình 2014) hoặc trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài
– Pháp luật Việt Nam: được áp dụng trong các trường hợp còn lại (kể cả trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam)
3. Thẩm quyền giải quyết các vấn đề về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 123 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
– Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
– Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của
Thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
4. Các nội dung của quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài
Các nội dung của quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 bao gồm:
“- Kết hôn có yếu tố nước ngoài; ly hôn có yếu tố nước ngoài;
– Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài;
– Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận;
– Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.”
4. Kết hôn với người nước ngoài thì con sinh ra có được mang hai quốc tịch không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em có câu hỏi hiện giờ em lấy chồng người Pháp. Em mới sinh, em đã làm giấy khai sinh cho con mang quốc tịch việt nam, hiện giờ em muốn nhập quốc tịch Pháp cho con vậy con em có thể mang 2 quốc tịch không?
Luật sư tư vấn:
Để biết cụ thể trường hợp của con bạn, bạn cần xem xét trên hai khía cạnh: Luật nước Pháp và điều kiện áp dụng của Luật Việt Nam.
Việc con bạn có quốc tịch Việt Nam và muốn nhập quốc tịch nước Pháp thì cần phải xem xét Luật nước Pháp có cho phép một người được mang hai quốc tịch hay không? Còn đối với Việt Nam, theo Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định như sau:
“Điều 19. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.”
Như vậy, người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp sau:
+ Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Trong trường hợp đặc biệt;
+ Được Chủ tịch nước cho phép;
Như vậy, nếu là con đẻ của công dân Việt Nam thì có thể vừa có quốc tịch nước ngoài và quốc tịch Việt Nam.
Điều 19 và Khoản 1, 2 Điều 21 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/09/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định:
“Điều 19. Cơ quan thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là Cơ quan đại diện Việt Nam thường trú hoặc kiêm nhiệm tại nước nơi người đăng ký giữ quốc tịch đang có quốc tịch hoặc đang thường trú.
2. Trường hợp Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao hoặc chưa có Cơ quan đại diện thường trú hoặc kiêm nhiệm tại nước mà người đăng ký giữ quốc tịch đang thường trú thì việc đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước thứ ba theo sự ủy quyền của Bộ Ngoại giao.”
“Điều 21. Thông báo có quốc tịch nước ngoài
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam.
2. Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, người quy định tại khoản 1 Điều này hoặc cha mẹ, người giám hộ của người đó, nếu ở ngoài nước phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này; nếu ở trong nước phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó cư trú việc họ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.”
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Trong trường hợp, cha mẹ muốn cho đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài thì sau khi đứa trẻ nhập quốc tịch nước ngoài, cha mẹ phải thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc nếu cha mẹ đang ở Việt Nam phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi cha mẹ và đứa trẻ cư trú về việc đứa trẻ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh điều này. Căn cứ vào quy định trên thì con bạn có thể được có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Pháp sau khi thực hiện những thủ tục cần thiết nêu trên.