Chế độ thai sản vốn là một chế độ dành riêng cho lao động nữ sinh con. Trong khoảng thời gian nghỉ sinh con, người lao động nữ được coi là thời gian lao động và được hưởng chế độ thai sản đầy đủ nếu đủ điều kiện được hưởng. Bảo hiểm thai sản là gì? Điều kiện và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thai sản?
Mục lục bài viết
- 1 1. Bảo hiểm thai sản là gì?
- 2 2. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản:
- 3 3. Đóng bảo hiểm được 3 tháng có được hưởng bảo hiểm thai sản:
- 4 4. Chưa gộp sổ khi có nhiều sổ bảo hiểm có được giải quyết bảo hiểm thai sản không?
- 5 5. Hưởng bảo hiểm thai sản khi chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội:
- 6 6. Có được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi đóng BHXH ở hai nơi?
- 7 7. Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản khi nghỉ việc trước khi sinh:
1. Bảo hiểm thai sản là gì?
Bảo hiểm thai sản là cách gọi chung cho chế độ dành riêng cho phụ nữ sinh con. Bảo hiểm thai sản có thể được hiểu là một chế độ của lao động nữ trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cũng có thể được hiểu là một gói, loại bảo hiểm nhân thọ không bắt buộc của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
2. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản:
Thỏa các điều kiện tại Khoản 2, 3, 4 Điều 31 Luật BHXH 2014.
* Đối với nữ:
– LĐ nữ mang thai.
– LĐ nữ sinh con.
– LĐ nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
– NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
– LĐ nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản.
– LĐ nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
* Đối với nam: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
=> Chi tiết về điều kiện hưởng chế độ thai sản, Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
* Đối với nữ:
– Trường hợp, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội là lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Ngoài ra khi người lao động là các đối tượng nêu trên khi chấm dứt hợp đồng lao động, đáp ứng điều kiện này vẫn được hưởng chế độ thai sản Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của
+ Thời gian hưởng chế độ khi sinh con, trợ cấp một lần khi sinh con, múc hưởng chế độ thai sản đổi với người lao động nữ sinh con.
+ Thời gian hưởng chế độ nhận nuôi con nuôi, trợ cấp một lần khi nhận nuôi con nuôi đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
– Trường hợp, người lao động nữ sinh con đã có từ đủ 12 tháng trở lên đóng bảo hiểm xã hội phải đóng từ đủ 3 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản được quy định Mục 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Ngoài ra, khi người lao động nữ sinh con đáp ứng điều kiện này mà chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được hưởng các chế độ thai sản quy định tại Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Thời gian hưởng chế độ khi sinh con, trợ cấp một lần khi sinh con, múc hưởng chế độ thai sản.
– Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi để xét hưởng chế độ thai sản được xác định như sau:
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
* Đối với nam:
Đối tượng người lao động là nam được hưởng chế độ thai sản theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 khi đáp ứng điều kiện:
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
– Ngoài quy định về thời gian lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con, Luật bảo hiểm xã hộ 2014 còn quy định trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
– Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
+ Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
+ Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
3. Đóng bảo hiểm được 3 tháng có được hưởng bảo hiểm thai sản:
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi làm việc tại một công ty từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2022 có tham gia đầy đủ chế độ bảo hiểm y tế, xã hội và thất nghiệp. Đến tháng 4/2023 dự kiến sinh bé nhưng hiện nay bác sĩ bảo tôi bị thiếu máu nên nguy cơ bị sảy thai cao, hơn nữa tôi lại bị hẹp tử cung nên rất khó có thể mang thai. Có xác nhận của bệnh viện Từ Dũ và tôi đã làm đơn để xin nghĩ chữa bệnh cũng như dưỡng thai. Vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không?
Luật sư tư vấn:
Theo bạn trình bày thì tháng 4/2023 dự kiến bạn sinh bé và bạn phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Tại thời điểm của bạn sinh bé thì bạn sẽ áp dụng theo quy định của luật bảo hiểm mới là Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Theo khoản 3 của điều này, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Chiếu theo quy định của bạn, bạn tham gia bảo hiểm từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2023 là trên 12 tháng, hơn nữa đến tháng 4/2023 lùi lại thời điểm bạn mang thai thì bạn đã đóng bảo hiểm được từ 3 tháng trở lên thì bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản.
4. Chưa gộp sổ khi có nhiều sổ bảo hiểm có được giải quyết bảo hiểm thai sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em xin chào các anh các chị. Anh (chị) tư vấn giúp em. Hiện tại em đang có 2 số sổ bảo hiểm. Sổ trước của em đóng được 3 tháng và sổ mới hiện tại mà em đang tham gia bảo hiểm thì trên hệ thống chưa được in sổ. Em tham gia đóng từ 1/2014 tới bây giờ. Hiện tại em đang có bầu dự kiến ngày sinh của em là 23/9/2016. Em muốn hỏi là liệu em có được hưởng chế độ thai sản không ạ. Mong anh (chị) tư vấn giúp em ạ?
Luật sư tư vấn:
– Căn cứ Công văn số 3663/BHXH-THU hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến gộp sổ BHXH của người lao động có nhiều sổ về nguyên tắc xử lý liên quan đến gộp sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trong trường hợp bạn có hai sổ bảo hiểm xã hội thì phải làm thủ tục gộp sổ theo quy định tại Công văn số 3663/BHXH-THU hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến gộp sổ BHXH của người lao động có nhiều sổ nêu trên.
Như vậy, bạn làm hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng, thay đổi số sổ, gộp sổ bảo hiểm xã hội nêu trên để làm thủ tục gộp sổ. Thành phần hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
+ Sổ BHXH đã cấp.
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
– Căn cứ Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ thai sản là thời gian đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con. Theo thông tin bạn cung cấp, thời gian đóng bảo hiểm của bạn từ tháng 01/2014 và thời gian dự sinh là tháng 9/2016 thì bạn có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ thai sản.
5. Hưởng bảo hiểm thai sản khi chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào bạn! Mình muốn hỏi 1 chút về chế độ thai sản đối với trường hợp đóng bảo hiểm của mình – Năm 2015 mình tham gia đóng bảo hiểm ở công ty cũ, đến tháng 9 năm 2016 thì cắt bảo hiểm. Trong khoảng thời gian này công ty nợ bảo hiểm. – Tháng 10 năm 2016 mình tham gia đóng bảo hiểm ở công ty mới. Đến tháng 7 năm 2017 mình nghỉ sinh. – Mình muốn hỏi là quãng thời gian công ty cũ không đóng bảo hiểm có ảnh hưởng đến chế độ thai sản mình được hưởng sau này không. Hiện tại cty cũ vẫn chưa thanh toán bảo hiểm và mình chưa được cầm sổ về. Cảm ơn bạn!
Luật sư tư vấn:
Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản ghi nhận bạn là lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm thai sản khi mang thai; khi sinh con bạn sẽ được hưởng chế độ khi đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con nếu phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó đủ 12 tháng trở lên.
Như vậy, việc bạn tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 7 năm 2017 (dự kiến nghỉ sinh) đảm bảo thời gian tham gia bảo hiểm từ đủ 6 tháng trong hạn 12 tháng trước khi bạn sinh con do đó không ảnh hưởng tới quyền lợi về hưởng chế độ thai sản của bạn.
Ngoài ra Khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
– Trường hợp mẹ hoặc con chết khi sinh hoặc sau sinh thì phải kèm theo giấy chứng tử hoặc xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh cho từng trường hợp;
Hồ sơ nêu trên không bao gồm sổ bảo hiểm xã hội, nên việc chưa rút được sổ ở công ty cũ không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn về chế độ thai sản. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, bạn phải nộp hồ sơ cho công ty đang làm việc để công ty chuyển hồ sơ cho Cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét thực hiện việc chi trả. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Có được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi đóng BHXH ở hai nơi?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào luật sư ạ. Em có vài vấn đề thắc mắc về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thai sản mong luật sư giải đáp giúp em với ạ.. Hiện tại em đang làm việc tại công ty Samsung do em đang có bầu nên được nghỉ chế độ 50% lương đến lúc sinh em bé (dự sinh là 15/11.) trong thời gian nghỉ theo chế độ em vẫn nộp bảo hiểm hàng tháng tại công ty. Nhưng em cũng vừa nhận được quyết định đỗ công chức sang tháng 8 em đi dạy. Vào công chức họ cũng làm cho sổ bảo hiểm mới và nộp hàng tháng. Như vậy em có được vừa nộp bảo hiểm ở công ty vừa nộp bảo hiểm bên công chức không ạ? Đến lúc sinh em có được hưởng tiền thai sản ở công ty nữa không ạ. Và bảo hiểm công ty với bảo hiểm công chức có giống nhau không? Mong nhận được sự hồi đáp sớm nhất của luật sư. Em chân thành cảm ơn ạ!
Luật sư tư vấn:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc bạn có thể vừa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công ty Samsung vừa tham gia bảo hiểm ở cơ quan đơn vị nơi bạn trúng tuyển công chức hay không.
Trước hết, bạn làm việc tại công ty Samsung thì bạn được xác định là người lao động, là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Khi bạn đỗ (trúng tuyển) công chức thì căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, bạn cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Xem xét trường hợp của bạn thì dù bạn là người lao động hay là công chức thì đều thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Công ty Samsung và đơn vị nơi bạn làm việc khi là công chức đều có trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, công chức.
Tuy nhiên, khi bạn cùng giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với nhiều người sử dụng lao động thì: Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế, được quy định tại khoản 2 Điều 13
Về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hợp đồng giao kết đầu tiên.
Từ những phân tích nêu trên, trong trường hợp của bạn, khi bạn đang làm việc tại công ty Samsung và đang được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bạn trúng tuyển công chức thì trường hợp này, cơ quan đơn vị nơi tuyển dụng công chức (là bạn) vào làm việc không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nữa do công ty Samsung – đơn vị sử dụng lao động trong hợp đồng lao động được giao kết đầu tiên sẽ có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, cơ quan đơn vị nơi tuyển dụng công chức sẽ có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của bạn một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì công ty Samsung và cơ quan đơn vị nơi tuyển dụng công chức đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết cho người lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, khi đi dạy tại cơ quan đơn vị tuyển dụng trúng tuyển công chức thì bạn cần khai báo về việc mình đã có sổ bảo hiểm tại công ty Samsung cho đơn vị mới.
Trường hợp sau khi bạn trúng tuyển công chức mà bạn nghỉ việc tại Công ty Samsung thì khi bạn nghỉ việc, công ty Samsung sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trong sổ bảo hiểm xã hội của bạn (chốt sổ) và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Sau đó khi bạn đi dạy (do trúng tuyển công chức) thì bạn sẽ đóng tiếp bảo hiểm xã hội trên số sổ bảo hiểm xã hội trước đó của bạn.
Thứ hai, về việc bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện để lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin bạn dự sinh vào ngày 15/11 (xác định theo thời điểm hiện tại là 15/11/2018). Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH thì có thể xảy ra hai trường hợp:
– Trường hợp tháng sinh con (tháng 11/2018), bạn có đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định là khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2018.
– Trường hợp tháng sinh con (tháng 11/2018), bạn không đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định là khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018.
Từ những căn cứ được trích dẫn nêu trên, thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định ở trên, nếu bạn đóng đủ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội thì bạn sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trong đó, 6 tháng này không bắt buộc phải liên tục nhưng nó phải nằm trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp bạn đã đóng đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên, nhưng trong thời gian mang thai buộc phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì bạn chỉ cần đóng đủ 03 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn như thế nào, nên để xác định về việc bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không thì bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để xác định cụ thể. Việc bạn tham gia nhiều đơn vị sử dụng lao động, hay nghỉ việc trước thời điểm sinh con sẽ không ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ thai sản của bạn nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Như vậy, khi bạn đang đồng thời làm việc cho nhiều người sử dụng lao động thì sẽ có một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn. Còn các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động khác không phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn tuy nhiên sẽ phải trả cùng lúc với kỳ trả lương của bạn một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Về việc hưởng chế độ thai sản, bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con khi đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc bạn làm việc qua nhiều công ty hay không, hay nghỉ việc trước khi sinh hay không.
7. Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản khi nghỉ việc trước khi sinh:
Tóm tóm câu hỏi:
Chào luật sư.! Tôi đóng bảo hiểm từ tháng 1/2018 đóng đến 7/2018. Do có thai và môi trường làm việc có ảnh hưởng đến thai nhi nên tôi muốn xin nghỉ. Tôi sinh vào tháng 1/2019. Vậy xin hỏi nếu tôi nghỉ vậy có được hưởng chế độ thai sản không ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Người đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản là lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
+ Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
+ Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Nghĩa là, nếu bạn sinh con vào trước ngày 15/01/2019 thì tháng 1/2019 không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Khi đó, 12 tháng trước khi sinh con của bạn tính từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018. Nếu bạn sinh con sau ngày 15/01/2019 thì tháng 1/2019 được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Lúc này 12 tháng trước khi sinh con của bạn được tính từ tháng 2/2018 đến tháng 1/2019.
Xét theo trường hợp của bạn, bạn đóng bảo hiểm từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2018 là 7 tháng. Do đó, kể cả ở trường hợp 1 hay trường hợp 2 thì bạn cũng đều đã đóng đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con và bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con.
Đối chiếu quy định trên, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Do đó, nếu do môi trường làm việc có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và bạn muốn nghỉ việc để dưỡng thai thì cần có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và thời gian nghỉ dưỡng thai sẽ theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nếu bạn không thuộc trường hợp phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng bạn vẫn mong muốn nghỉ trước khi sinh vượt quá thời gian 2 tháng theo quy định của pháp luật thì bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian dưỡng thai ngoài thời gian hưởng chế độ thai sản của bạn.
Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ việc không lương như sau:
“Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Kết luận:
– Bạn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con nên bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản: Bạn được nghỉ trước khi sinh con tối đa là 02 tháng. Nếu bạn muốn nghỉ nhiều hơn 02 tháng bạn cần có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc có thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.