Điều kiện đối với hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc. Để được kinh doanh vận tải liên quốc gia phải đáp ứng những điều kiện gì?
Điều kiện đối với hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc. Để được kinh doanh vận tải liên quốc gia phải đáp ứng những điều kiện gì?
Hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam- Trung Quốc đang ngày càng diễn ra một cách thường xuyên. Để thực hiện hoạt động này, các chủ thể cần đáp ứng những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về những điều kiện này. Điều kiện đối với hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc được quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc 1994, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 2011; Điều 64, 67 Luật Giao thông đường bộ 2008; Điều 8, 9, 14 Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT. Theo đó, hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Về chủ thể:
+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường bộ có giấy phép và các giấy tờ có liên quan do Bộ giao thông và các cơ quan quản lý có thẩm quyền của hai nước cấp phát;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hướng dẫn người lái xe nắm được các điều kiện giao thông, bến bãi, điểm dừng nghỉ, hệ thống biển báo trên hành trình ở Trung Quốc; cung cấp cho lái xe và nhân viên phục vụ danh sách hành khách của chuyến đi để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Mẫu Danh sách hành khách tuyến cố định và hợp đồng theo quy định tại Phụ lục IVb và IVc của Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT.
– Về phương tiện:
+ Phương tiện được cấp giấy phép vận tải thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ việc kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường bộ;
+ Có Giấy phép vận tải loại A, B, C, E, F, G, D theo quy định tại Điều 8, 9 Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT.
+ Phải gắn kí hiệu phân biệt quốc gia. Đối với phương tiện của Việt Nam phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia ở góc phía trên bên phải của kính trước (nhìn từ trong xe) và ở vị trí dễ thấy phía sau xe.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Về phạm vi hoạt động
+ Đối với vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định): Phương tiện khởi hành từ bến xe đầu tuyến; đi theo hành trình, dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ theo quy định và kết thúc tại bến xe cuối tuyến.
+ Đối với vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch): Không giới hạn địa điểm khởi hành tại Việt Nam. Phương tiện được hoạt động từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đi qua các cặp cửa khẩu đã được Chính phủ hai nước cho phép đến các điểm trong phạm vi quy định trên lãnh thổ của Trung Quốc. Phương tiện được dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, bến xe dọc hành trình do hai nước công bố.
– Đối với cơ quan quản lí:
+ Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt – Trung có cửa khẩu
+ Thực hiện việc đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 23/2012/TT-BGTVT: Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ của hai nước; Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt – Trung chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước..