Trong công ty cổ phần có 30% vốn nhà nước, ông A là người đã nghỉ hưu (có cổ phần nhưng không đại diện phần vốn nhà nước). Vậy ông A có được bầu vào Hội đồng quản trị của công ty không?
Tóm tắt câu hỏi:
Trong công ty cổ phần có 30% vốn nhà nước, ông A là người đã nghỉ hưu (có cổ phần nhưng không đại diện phần vốn nhà nước). Vậy: a) ông A có được bầu vào Hội đồng quản trị của công ty không? b) ông A có đủ điều kiện để được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty không? c) Công ty có được thuê làm Tổng giám đốc của công ty không? Thời gian thuê là bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
a) Công ty bạn là công ty cổ phần có 30% vốn Nhà nước nên công ty bạn không thuộc trường hợp là công ty con mà Nhà nước có cổ phần trên 50% vốn điều lệ. Do vậy, điều kiện để ông A được bầu vào hội đồng quản trị công ty chỉ cần đáp ứng đầy đủ quy định theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 102/2010/NĐ–CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Doanh nghiệp 2005 như sau: Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
e) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;
g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thứ hai, là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm này thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong câu hỏi bạn mới chỉ đề cập đến việc ông A đã nghỉ hưu và có cổ phần tại công ty, các yếu tố khác thì bạn chưa nói rõ. Do đó, để xác định được ông A có đủ điều kiện để được bầu vào Hội đồng quản trị của công ty hay không thì cần phải đối chiếu các thông tin cụ thể về ông A với các tiêu chuẩn và điều kiện chỉ ra ở trên.
b) Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị thì Chủ tịch được bầu trong số thành viên Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Trước hết ông A cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để được ứng cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị căn cứ vào Điều lệ của công ty. Còn việc ông A có được bầu làm Chủ tịch hội đồng quản trị hay không thì sẽ căn cứ vào các điều kiện về nguyên tắc trúng cử được quy định trong Điều lệ công ty.
c) Căn cứ Khoản 1 Điều 57 Luật Doanh nghiệp 2005 thì tiêu chuẩn, điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định như sau:
– Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
– Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
Ngoài ra, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty khác.
Như vậy, Công ty có thể thuê người không phải là thành viên công ty làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc nếu người đó thỏa mãn các điều kiện trên.
Theo khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Nhiệm kỳ của Giám đốc, Tổng giám đốc không quá 5 năm, có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Do đó trong hợp đồng giữa công ty và người được thuê để làm Giám đốc, Tổng giám đốc phải ghi rõ nhiệm kỳ không quá 5 năm và sau khi hết thời hạn đã ký, nếu công ty muốn tiếp tục thuê người đó thì phải ký kết lại hợp đồng thuê
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Bùi Thị Ngọc