Khái quát về quỹ tín dụng nhân dân? Điều kiện để trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân?
Quỹ tín dụng nhân dân là mô hình chủ yếu của tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng ở Việt Nam hiên nay. Sự ra đời và phát triển của quỹ tín dụng nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần trong việc bước đầu đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Hiện nay, các quy định về quỹ tín dụng nhân dân được đánh giá là tương đối đầy đủ, có nhiều ưu điểm và thành công, là cơ sở pháp lý để điều chỉnh các vấn đề về hoạt động của tổ chức này. Đánh dấu sự ra đời và vận động bền vững của quỹ tín dụng, vai trò của thành viên quỹ tính dung được đề cao hơn cả, vậy điều kiện nào để được trở thành thành viên của quỹ tín dung, Luật Dương Gia sẽ trả lời câu hỏi này ngay trong bài viết dưới đây.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất Luật các tổ chức tín dụng năm 2017.
Văn bản hợp nhất số 04/2017/VBHN-NHNN Thông tư quy định về quỹ tín dụng nhân dân.
1. Khái quát về quỹ tín dụng nhân dân?
Tổ chức tín dụng hợp tác xã là loại hình kinh tế hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử phong trào hợp tác xã. Sự xuất hiện của các tổ chức này mang tính tất yếu như là sự tự vệ của lực lượng sản xuất tư nhân, cá thể, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ trước sự cạnh tranh khốc liệt có tính hủy diệt của các tập đoàn tư bản và độc quyền.
Quỹ tín dụng nhân dân là mô hình tổ chức tín dụng hợp tác xuất hiện đầu tiên ở bang Quebec Canada do ông Alphonse Desjadins- một nhà báo, nghị sĩ Quốc hội Canada- lập ra năm 1900. Những quỹ tín dụng nhân dân ban đầu được thành lập để thực hiện ba mục tiêu: Cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống của các thành viên; đưa ra các dịch vụ tài chính tốt nhất; đề cao tính tương hỗ lẫn nhau. Mô hình này sau đó được phổ biến và phát triển mạnh ở Peru, Mỹ. Trong những năm gần đây, một số quốc gia Nam Mỹ, Đông Âu và Châu Á cũng học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình này.
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống (Khoản 6, Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng). Trong đó, hoạt động ngân hàng được hiểu là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Nghiệp vụ hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm huy động vốn, cho vay và các dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng là thành viên và không phải thành viên ở trong và ngoài địa bàn. Tuy nhiên nếu so với các ngân hàng thương mại, phạm vi và nội dung hoạt động ngân hàng của quỹ tín dụng còn hạn chế hơn nhiều. Tùy vào trình độ phát triển kinh tế- xã hội của từng quốc gia, các quỹ tính dụng nhân dân được phép thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng khác nhau.
Vai trò của quỹ tín dụng nhân dân được thể hiện ở những khía cạnh:
Thứ nhất, quỹ tín dụng nhân dân góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, quỹ tín dụng nhân dân góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi.
Thứ ba, quỹ tín dụng nhân dân triển khai chính sách tín dụng và đổi mới hoạt động ngân hàng trên địa bàn nhất định.
Như vậy, về bản chất, quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng. Quỹ tín dung nhân dân cơ sở được tổ chức và hoạt động dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, vì mục tiêu tương trợ giữa các thành viên.
2. Điều kiện để trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân?
Trước khi đi vào phân tích điều kiện để trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân, tác giả sẽ giải thích khái niệm “thành viên quỹ tín dụng nhân dân” và “các đối tượng có thể trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân”.
Thành viên quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện luật định và tán thành Điều lệ, tự nguyện tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân. Trên cơ sở khái niệm này, có thể thấy đối tượng có thể trở thành thành viên bao gồm: cá nhân; hộ gia đình (là tập hợp một gia đình có cùng quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân); pháp nhân (là một tổ chức khi đáp ứng các điều kiện: được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó, nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập)
Điều kiện để trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân được quy định tại Điều 31, Văn bản hợp nhất của Ngân hàng nhà nước. Tùy vào các đối tượng khác nhau sẽ có các điều kiện khác nhau:
Một là, đối với cá nhân:
Điều kiện cơ bản:
– Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
– Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức không được giữ các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị; Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc; Kế toán trưởng và các chức danh chuyên môn nghiệp vụ khác trừ trường hợp cần thiết khi quỹ tín dụng nhân dân thực hiện cơ cấu lại, xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động hoặc được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi xem xét, chỉ định nhân sự giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân.
Điều kiện tiên quyết: Không thuộc các đối tượng sau:
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành bản án, quyết định về hình sự của
– Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;
– Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
– Các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
Các đối tượng này đều là những đối tượng đặc biệt, việc chấp nhận họ trở thành thành viên có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động và phát triển của quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước.
Hai là, đối với hộ gia đình:
– Là hộ gia đình có các thành viên đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình. Điều kiện này nhằm tạo sự liên kết, thống nhất trong việc đáp ứng đủ nguồn tài chính để trở thành thành viên.
– Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện đối với cá nhân. Điều này xuất phát từ việc mọi hoạt động của hộ gia đình đều chỉ thực hiện được thông qua người đại diện mà không thể qua một nhóm người.
Ba là, đối với pháp nhân:
– Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
– Người ký đơn đề nghị tham gia góp vốn quỹ tín dụng nhân dân phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác của pháp nhân làm đại diện tham gia quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thực tế, điều kiện áp dụng đối với pháp nhân đơn giản hơn so với hai đối tượng trên bởi vì pháp nhân có sự chặt chẽ trong cơ cấu, quản lý, có nguồn lực tài chính dồi dào. Tuy nhiên, các thành viên ở các quỹ tín dụng Việt Nam hiện nay chủ yếu là cá nhân, vì dễ quản lý, xác định trách nhiệm và xử lý khi có hành vi vi phạm.
Điều kiện chung
Hộ gia đình, cá nhân, pháp nhân phải tự nguyện tham gia và góp đủ vốn góp (Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 300.000 đồng; Mức vốn góp thường niên tối thiểu là 100.000 đồng).
Lưu ý: Các đối tượng nêu trên chỉ được tham gia là thành viên của 01 (một) quỹ tín dụng nhân dân.Điều này nhằm đảm bảo dễ dàng kiểm soát, quản lý và tránh tình trạng “bành trướng” của một đối tượng.