Cơ sở lưu trú du lịch được hiểu là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Cụ thể, khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến. Vậy, Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở lưu trú du lịch phải đảm bảo trước khi đưa vào hoạt động là gì?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở lưu trú du lịch:
Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao nên kéo theo nhu cầu đi du lịch nghỉ dưỡng cũng tăng cao nhanh chóng. Điều này mở ra cho những cá nhân, doanh nghiệp hướng phát triển đầu tư kinh doanh khách sạn. Căn cứ Điều 21
+ Tiến hành việc đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng: những cơ sở lưu trú du lịch sẽ được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, địa điểm lựa chọn xây dựng là ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp thu hút được khách du lịch đến sử dụng dịch vụ;
+ Loại hình khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch này được đặt gần đường giao thông, được trang bị xây dựng cả bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
+ Ngoài ra còn kể đến cả khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch sẽ được xây dựng để tạo điều kiện neo đậu trên mặt nước và cá nhân hoàn toàn có thể di chuyển khi cần thiết;
+ Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị có tiềm năng phát triển, phục vụ khách du lịch.
Như vậy, cho dù tồn tại theo loại hình kinh doanh nào thì điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phải đảm bảo thực hiện theo Điều 22 Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP, cụ thể:
+ Tại địa điểm này sẽ phải có tối thiểu 10 buồng ngủđể phục vụ khách di lịch; có nơi để tiếp khách đến như xây dựng quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung;
+ Phải đảm bảo rằng có những khu vực được quy hoạch để làm nơi gửi xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;
+ Ngoài ra, những nơi phụ vụ ăn uống cũng cần đảm bảo như có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường;
+ Về nơi nghỉ ngơi tại cơ sở lưu trú sẽ trang bị giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;
+ Để có thể hỗ trợ được du khách bất kỳ lúc nào cần thiết thì phải có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
Như vậy, cơ sở lưu trú được đưa vào sử dụng thì cần đảm bảo về cơ sở vật chất nêu trên thì mới đúng quy định. Trong trường hợp mà cơ sở này có một yếu tố không trang bị theo luật định thì sẽ bị xử lý hành chính.
2. Quy định về việc kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch:
Liên quan đến trách nhiệm kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch thì đã được ghi nhận chi tiết tại Điều 29 Nghị định 168/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP với các nội dung:
– Trách nhiệm của cơ sở lưu trú trước khi đi vào hoạt động là phải tiến hành việc thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian thực hiện chậm nhất là trong vòng 15 ngày làm việc, các nội dung được thể hiện cụ thể:
+ Cần cung cấp được các thông tin về tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;
+ Cần thể hiện được rõ về địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;
+ Bổ sung thêm cả bản cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch và Nghị định này.
– Khi đã nhận được thông báo từ cơ sở lưu trú du lịch và căn cứ kế hoạch công tác được phê duyệt thì trách nhiệm của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch là tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Khi đã có kết quả của việc kiểm tra thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công tác kiểm tra, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đến cơ sở lưu trú du lịch;
Còn trong trường hợp cơ sở lưu trú du lịch sau quá trình kiểm tra mà cơ quan có thẩm quyền nhận thấy không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp;
Đối với cơ sở lưu trú đã thực hiện theo hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đã hoàn tất hồ sơ.
– Trong trường hợp cơ sở lưu trú nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng cùng thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch kết hợp kiểm tra điều kiện tối thiểu và thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
3. Cơ sở lưu trú du lịch không hoàn thiện cơ sở vật chất bị xử phạt như thế nào?
Những hành vi vi phạm đến điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch không đảm bảo đúng chất lượng đã quy định thì bị áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ Vi phạm.
– Đối với những hành vi dưới đây thì áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
+ Vi phạm trong việc thông báo bổ sung, hoàn thiện đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch theo quy định cụ thể là lhông thông báo về vấn đề này;
+ Về cơ sở vật chất: Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định;
+ Cơ sở đưa vào sử dụng mà lại không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định;
+ Không thực hiện đúng trách nhiệm của mình là việc thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới;
+ Phát hiện ra hành vi không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới thì cũng bị áp dụng mức phạt nêu trên.
– Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng sẽ được áp dụng đối với hành vi không có tủ thuốc cấp cứu ban đầu đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định;
– Trong một số hành vi vi phạm thì mức phạt lên tới 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, cụ thể:
+ Vi phạm trong việc không đảm bảo số buồng ngủ tối thiểu, đó là không có tối thiểu 10 buồng ngủ đối với khách sạn hoặc không có phòng ngủ đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch hoặc không có khu vực lưu trú cho khách đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê hoặc không có khu vực dựng lều, trại đối với bãi cắm trại du lịch;
+ Những nơi được xây dựng để hỗ trợ khách hàng như quầy lễ tân là không có, trong khi đối với khách sạn hoặc khu vực tiếp khách đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hoặc khu vực đón tiếp khách đối với tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, bãi cắm trại du lịch theo quy định thì phải có những khu vực này;
+ Ngoài ra, không có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng hoặc khách sạn bên đường theo quy định;
+ Không đảm bảo chất lượng liên quan đến nơi ăn uống, cụ thể là không có bếp hoặc phòng ăn hoặc dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường, tàu thủy lưu trú du lịch; không có bếp đối với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo quy định;
+ Không có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày đối với khách sạn, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch; không có nhân viên bảo vệ trực khi có khách đối với bãi cắm trại du lịch theo quy định.
– Mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định;
– Các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 11 cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch;
Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú khi vi phạm quy định tại điểm a và điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều này thì có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.;
– Nghị định số 142/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
THAM KHẢO THÊM: