Điều kiện có hiệu lực của văn bản hủy di chúc? Điều kiện hủy bỏ di chúc đã lập.
Điều kiện có hiệu lực của văn bản hủy di chúc? Điều kiện hủy bỏ di chúc đã lập.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Cha mẹ tôi nhận quyền sử dụng đất trước năm 1975, cha tôi qua đời năm 1982, tài sản của ông để lại cho các con. Mẹ tôi lập di chúc năm 1998 chia tài sản cho các con, di chúc có người làm chứng và có chứng thực của phòng công chứng. Năm 2010 mẹ tôi hủy di chúc, thời điểm hủy di chúc mẹ tôi không còn minh mẫn, bà bệnh nằm liệt giường, bà cũng không biết chữ, lúc hủy không có con cái đầy đủ, văn bản hủy di chúc không có người làm chứng nhưng có chứng thực của UBND xã tại địa phương, trong văn bản hủy có nhiều chỗ tẩy xóa sửa bằng bút mực, con dấu giáp lai các trang không hoàn toàn trùng khớp nhau. Bà hủy di chúc phần đất của cha tôi để lại cho các con mà không lập di chúc lại. Như vậy việc hủy di chúc đó có trái với quy định không? Văn bản hủy di chúc đó có được công nhận không? Nếu việc hủy di chúc trái với pháp luật và văn bản hủy di chúc không được công nhận thì theo điều khoản nào của bộ luật nào quy định, tôi có khiếu nại về việc hủy di chúc đó được không, UBND xã nơi chứng thực văn bản hủy di chúc có thu hồi lại bản công chứng đó được không? Căn cứ điều khoản nào để kiện và để UBND xã thu hồi. Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Di chúc theo Điều 646 Bộ luật dân sự 2005 là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Người lập di chúc theo Điều 647 Bộ luật dân sự 2005 bao gồm:
– Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Người lập di chúc có quyền:
-Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản thừa kế;
-Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
-Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản;
– Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc;
Căn cứ Điều 662 Bộ luật dân sự 2005 thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc bất kỳ thời điểm nào.
Người lập di chúc thực hiện hủy bỏ di chúc hợp pháp khi thỏa mãn điều kiện theo Điều 122 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
– Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
– Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
– Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Nếu khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi bị hạn chế thì chứng minh được tại thời điểm hủy di chúc người lập di chúc vẫn thể hiện được ý chí của bản thân mình khi có mong muốn hủy di chúc.
Trong trường hợp này của bạn, bạn xác định mẹ bạn khi hủy di chúc đang trong tình trạng không minh mẫn, nằm liệt giường, bà cũng không biết chữ, lúc hủy không có con cái đầy đủ, văn bản hủy di chúc không có người làm chứng nhưng có chứng thực của UBND xã tại địa phương, trong văn bản hủy có nhiều chỗ tẩy xóa sửa bằng bút mực, con dấu giáp lai các trang không hoàn toàn trùng khớp nhau. Từ những tình tiết nêu trên, có thể xác định những sai phạm sau:
-Mẹ bạn không minh mẫn, nằm liệt giường, không biết chữ nên khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi còn hạn chế. Cho nên nếu bạn có căn cứ tại thời điểm mẹ bạn hủy di chúc không thể hiện được sự tự nguyện của mình thì văn bản hủy bỏ di chúc đó không có hiệu lực;
– Dấu giáp lai của các tờ trong văn bản hủy di chúc không trùng khợp với nhau. Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 01/2011/TT-BNV quy định đóng dấu giáp lai như sau:
Dấu của cơ quan, tổ chức được trình bày tại ô số 8; dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 trang văn bản.
Như vậy, nếu dấu giáp lai của các trang không trùng khớp thì không bảo đảm tính chân thực của văn bản hủy bỏ di chúc của mẹ bạn.
Mặt khác, với phần đất cha bạn để lại (không có di chúc) thì bạn là con (một trong những người thừa kế) cũng có quyền đối với phần di sản này. Bởi lẽ, phần đất này hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nếu mẹ bạn không chứng minh được tài sản riêng của mẹ bạn thì đây được xác định là tài sản chung của vợ, chồng theo Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Khi xác định là tài sản chung của hai vợ chồng thì mẹ bạn chỉ có quyền định đoạt đối với một nửa phần đất của bố mẹ bạn và một phần di sản thừa kế mà bố bạn để lại đối với nửa mảnh đất còn lại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Do vậy, mẹ bạn cũng không có quyền để lại di chúc với phần di sản bố bạn để lại
Từ những lập luận nêu trên, bạn có quyền yêu cầu ra Tòa án để yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản hủy di chúc mà mẹ bạn đã lập vô hiệu.