Hiện nay, thoả ước lao động tập thể là văn bản quan trọng đối với NSDLĐ và NLĐ. Vậy, nội dung thoả ước lao động tập thể có nội dung, hình thức như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thoả ước lao động tập thể được hiểu như thế nào?
Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận đã đạt được thông qua hình thức thương lượng giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về các điều kiện lao động quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Mục đích xây dựng thỏa ước lao đông tập thể tạo mối quan hệ lao động trở lên hài hòa, là căn cứ để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định
2. Mẫu thỏa ước lao động tập thể:
CÔNG TY ……… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Địa chỉ:……… | Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——————- |
………, ngày … tháng … năm … |
THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
Căn cứ Bộ luật Lao động nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 20/11/2019;
Căn cứ Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Căn cứ Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của
Căn cứ thoả thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động sau khi lấy ý kiến của tập thể người lao động trong doanh nghiệp.
Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ lao động, chúng tôi gồm có:
1. Đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ):
Ông/Bà: ……… Chức danh: …………
Địa chỉ: ………
CMND/CCCD: …
Ngày cấp: ……… Nơi cấp: ………
Điện thoại di động: …………
2. Đại diện tập thể lao động:
Họ tên: ………. Chức danh: …………
Địa chỉ: ….
CMND/CCCD: …………
Ngày cấp: ………… Nơi cấp: ……
Hai bên cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật và cùng nhau thoả thuận ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp với các điều khoản cụ thể như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thoả ước lao động tập thể này quy định mối quan hệ lao động giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước có hiệu lực.
Mọi trường hợp khác trong mối quan hệ lao động không quy định trong bản Thỏa ước lao động tập thể này, sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng thi hành
1. Người sử dụng lao động.
2. Người lao động (NLĐ) đang làm việc tại doanh nghiệp, kể cả NLĐ trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc, NLĐ vào làm việc sau ngày Thỏa ước có hiệu lực.
3. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở/Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi không có công đoàn cơ sở).
Điều 3. Thời hạn của thỏa ước
1. Thỏa ước này có hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký.
2. Sau … tháng kể từ ngày Thỏa ước có hiệu lực, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thỏa ước. Việc sửa đổi, bổ sung phải được tiến hành theo trình tự như khi ký kết.
3. Khi thời hạn của Thỏa ước hết hiệu lực hai bên thực hiện theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Lao động.
Điều 4. Cam kết của NSDLĐ bảo đảm quyền hoạt động của công đoàn
NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quyền công đoàn, trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động.
Điều 5. Cam kết của NLĐ về việc chấp hành Nội quy lao động của doanh nghiệp
1. NLĐ có trách nhiệm chấp hành đúng các nội dung quy định trong hợp đồng lao động, Nội quy lao động và Thoả ước lao động tập thể.
2. Thực hiện đúng quy trình sản xuất, đặc biệt là các quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.
3. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức kỷ luật lao động, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm hư hỏng máy móc, hàng hoá, sản phẩm của doanh nghiệp.
4. Phối hợp cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo tiến độ công việc.
5. Không tham gia đình công, tranh chấp lao động tập thể trái quy định của pháp luật.
Chương II.
NỘI DUNG THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
Điều 6. Việc làm và bảo đảm việc làm
1. NSDLĐ phải đảm bảo việc làm cho NLĐ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng.
2. Thời gian nghỉ chờ việc do thiếu đơn hàng hay do lý do khách quan khác như điện nước thì NLĐ được trả 100% tiền lương theo hợp đồng lao động, nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do nhà nước qui định.
3. NSDLĐ sẽ hỗ trợ 100% học phí khi NLĐ tham gia các khoá học nghề do DN yêu cầu và cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi học nghề từ 02 năm trở lên.
4. NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật lao động sẽ được tái ký hợp đồng lao động khi hết hạn hợp đồng.
5. NLĐ tham gia đình công trái pháp luật sẽ không được tái ký khi hết hạn hợp đồng.
Điều 7. Công tác đào tạo
1. Doanh nghiệp coi trọng công tác đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, tin học cho NLĐ nhằm phục vụ thiết thực có hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
2. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, từng giai đoạn, vào thời điểm thích hợp, doanh nghiệp sẽ đào tạo hoặc cử NLĐ đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ tay nghề cho phù hợp với yêu cầu công việc thực tế.
Tổ chức cho NLĐ làm công tác quản lý, chuyên môn nghiệp và công nhân kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
3. Doanh nghiệp khuyến khích và tạo điều kiện cho NLĐ tự học hỏi nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn để phục vụ công việc tốt hơn.
Điều 8. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Nội quy lao động đăng ký theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài những ngày nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật, người lao động còn được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:
a) Anh chị em ruột mất: nghỉ 1 ngày;
b) Vợ sinh con lần thứ nhất và thứ hai: Chồng được nghỉ 05 ngày
(NLĐ phải nộp cho doanh nghiệp các giấy tờ hợp lệ: Giấy chứng sinh)
3. Ngoài các ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, NLĐ còn được nghỉ hưởng nguyên lương trong trường hợp sau:
Ngày thành lập doanh nghiệp: Doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống trong một buổi và mọi NLĐ phải tham gia; một buổi còn lại NLĐ được nghỉ ngơi và hưởng lương.
Điều 9. Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương, chế độ nâng lương
1. Tiền lương:
– NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng định mức lao động, gửi thang lương, bảng lương cho Cơ quan quản lý lao động theo quy định.
– Căn cứ để tính lương: thực hiện theo
Quy chế trả lương, trả thưởng được tập thể lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở góp ý và công khai cho NLĐ tại doanh nghiệp biết.
– Hình thức trả lương: Tiền mặt/Chuyển khoản.
– Thời hạn trả lương: Ngày cuối cùng của tháng. Trường hợp ngày cuối cùng của tháng rơi vào ngày nghỉ, lễ tết thì được trả vào ngày làm việc trước đó.
2. Tiền thưởng:
Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy chế thưởng quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xét thưởng cho NLĐ. Tiền thưởng gồm có: Thưởng đột xuất, sáng kiến, thưởng tháng lương thứ 13, thưởng tết, thưởng chuyên cần…
3. Phụ cấp lương:
Ngoài mức lương chính, tùy vào từng vị trí công việc mà NLĐ còn có thể được nhận các khoản phụ cấp khác như sau:
Khoản phụ cấp | Đối tượng áp dụng | Mức phụ cấp |
Phụ cấp trách nhiệm | Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng | |
Phụ cấp thâm niên | NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp từ 03 năm trở lên | |
Hỗ trợ xăng xe | Tất cả NLĐ | |
Hỗ trợ điện thoại | Tất cả NLĐ | |
Tiền ăn ca, ăn trưa | Tất cả NLĐ | |
Hỗ trợ nhà ở | Lao động có hợp đồng thuê nhà | |
Hỗ trợ nuôi con nhỏ | Lao động/lao động nữ có con nhỏ gửi nhà trẻ, mẫu giáo |
NSDLĐ có trách nhiệm thỏa thuận mức hưởng cụ thể với từng lao động về những khoản phụ cấp mà NLĐ được nhận về mức hưởng và điều kiện hưởng trong hợp đồng lao động.
4. Chế độ nâng lương:
Ngoài quy định nâng lương định kỳ hàng năm, doanh nghiệp sẽ xét nâng lương trước thời hạn cho NLĐ trong trường hợp sau:
a) Bổ sung chứng chỉ các lớp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp trường trung cấp, cao đẳng, đại học phù hợp công việc đang phụ trách;
b) Có sáng kiến, tiết kiệm nguyên vật liệu.
Điều 10. Các khoản bổ sung, chế độ phúc lợi
Stt | Nội dung | Mức tiền |
1 | Quà sinh nhật | |
2 | Tham quan nghỉ mát | |
3 | Tết Dương lịch | |
4 | Lễ Giỗ tổ Hùng Vương | |
5 | Lễ 30/4 và 1/5 | |
6 | Lễ Quốc khánh 2/9 | |
7 | Quà Trung thu | |
8 | Quà Thiếu nhi 01/6 | |
9 | Quà mừng sinh con thứ 1 và thứ 2 | |
10 | Quà mừng kết hôn | |
11 | Phúng viếng tang lễ NLĐ | |
12 | Trợ cấp tang chế tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con NLĐ | |
13 | Trợ cấp triệt sản | |
14 | Thăm bệnh | |
15 | Trợ cấp khó khăn đột xuất | |
16 | Hỗ trợ NLĐ bị phẩu thuật nội và ngoại khoa (ngoại trừ phẩu thuật thẩm mỹ) |
Điều 11. Những quy định đối với lao động nữ
Thực hiện theo pháp luật lao động và Nội quy lao động của doanh nghiệp.
Điều 12. An toàn lao động, vệ sinh lao động
1. NSDLĐ có trách nhiệm tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện đầy đủ việc trang cấp phương tiện bảo hộ lao động và hàng năm khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ;
2. NLĐ phải chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; giữ gìn, bảo quản các phương tiện bảo hộ được trang cấp.
3. NLĐ làm việc ở bộ phận nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng chế độ tiền lương, chế độ bồi dưỡng theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Điều 13. Bảo hiểm xã hội và các bảo hiểm khác
NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế đối với NLĐ. NSDLĐ có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ BHXH cho NLĐ chậm nhất 30 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
Điều 14. Hoạt động công đoàn
1. Công đoàn cơ sở phải xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm gửi Giám đốc để phối hợp thực hiện. Trường hợp có kế hoạch đột xuất phải thông báo bằng văn bản cho NSDLĐ biết trước ít nhất 03 ngày.
2. Mỗi đầu tuần, NSDLĐ bố trí thời gian triển khai kế hoạch sản xuất, đồng thời triển khai các nội dung tuyên truyền, giáo dục cần thiết cho NLĐ.
3. Khi công đoàn cơ sở kiến nghị những yêu cầu của tập thể lao động tại doanh nghiệp, NSDLĐ có trách nhiệm phối hợp xem xét và trả lời kiến nghị trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận kiến nghị.
4. NSDLĐ tạo điều kiện thuận lợi cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật công đoàn.
5. Định kỳ hàng quý, năm, công đoàn cơ sở phối hợp cùng NSDLĐ tổ chức họp mặt đối thoại giữa NSDLĐ và NLĐ theo quy chế đối thoại và hội nghị NLĐ tại doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến của các bên nhằm xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp hài hòa, ổn định và tiến bộ.
6. NSDLĐ phối hợp cùng công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua; hỗ trợ 100% chi phí để công đoàn cơ sở tổ chức và khen thưởng các phong trào thi đua.
Điều 15. Tranh chấp lao động
Hai bên thực hiện theo quy định tại Chương XIV Bộ luật Lao động.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Trách nhiệm thi hành Thỏa ước
1. NSDLĐ, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và NLĐ tại doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong Thỏa ước.
2. Sau khi ký kết Thỏa ước, NSDLĐ có trách nhiệm bố trí thời gian để công đoàn cơ sở triển khai Thỏa ước đến tập thể lao động tại doanh nghiệp. Các bên có quyền sửa đổi bổ sung đúng thời hạn theo quy định tại Điều 82
Điều 17. Áp dụng Thỏa ước lao động tập thể
1. Những vấn đề không được đề cập trong bản thỏa ước lao động tập thể này được hiện thiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp quyền lợi của người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc các quy định trong nội quy, quy định của doanh nghiệp thấp hơn so với bản thỏa ước này thì phải thực hiện những điều khoản tương ứng tại thỏa ước lao động tập thể.
2. Trong thời hạn thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực mà pháp luật lao động có những sửa đổi, bổ sung quy định những quyền lợi cao hơn các thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể thì áp dụng các quy định của pháp luật và tiến hành sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể.
3. Trong trường hợp có những vấn đề phát sinh trong thực tế liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên mà không có trong nội dung của thỏa ước lao động tập thể, quy định của pháp luật thì ban chấp hành công đoàn cơ sở và NSDLĐ cùng nhau bàn bạc hoặc tổ chức đối thoại đột xuất để thống nhất thực hiện.
Điều 18. Hiệu lực của Thỏa ước
1. Thỏa ước này có hiệu lực 03 năm, kể từ ngày ký. Các quy định khác của doanh nghiệp trái với nội dung Thỏa ước này đều bị bãi bỏ.
2. Thỏa ước lao động tập thể này ký tại Công ty …. vào ngày … tháng … năm … và gửi Thỏa ước theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Lao động 2019.
TM. BCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN (Ký, ghi rõ họ tên) | NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GIÁM ĐỐC (Ký, ghi rõ họ tên) |
3. Điều kiện ký kết Thỏa ước lao động tập thể:
– Doanh nghiệp có sử dụng từ 10 người lao động trở lên và phải ký kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
– Doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của người lao động và công đoàn cơ sở.
– Nội quy trong thỏa ước lao động phải được thông báo đến người lao động và phải được niêm yết ở nơi làm việc hoặc trụ sở công ty hoặc nơi làm việc của người lao động. Nội dung thỏa ước lao động phải có lợi cho người lao động và không trái pháp luật.
– Chủ thể ký kết bao gồm: Tập thể lao động và người sử dụng lao động. Đại diện cho tập thể lao động là ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn lâm thời, tức là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy uỷ quyền của Ban chấp hành công đoàn. Đại diện người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền.
– Thỏa ước lao động tập thể phải được tiến hành theo nguyên tắc thiện chí, bình đẳng,hợp tác, công khai và minh bạch.
– Phải được thương lượng tập thể trước khi ký kết thỏa ước lao động.
– Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi đã đạt được thỏa thuận. Trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung khi ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Đạt mức thỏa thuận trên 50% số biểu quyết tán thành của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành khi ký thỏa ước lao động tập thể ngành.
– Hình thức của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp đuợc lập thành văn bản có chữ ký của người đại diện pháp luật công ty và Đại diện cho tập thể lao động.
4. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể:
Nội dung của thỏa ước lao động không được trái với quy định của pháp luật và có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung của thỏa ước lao động phải được thông dựa và sự thỏa thuận của tập thể lao động, người sử dụng lao động. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể gồm nội dung sau:
– Quy định về việc làm và bảo đảm việc làm: Trong suốt thời gian quan hệ lao động thì người sử dụng phải đảm bảo việc làm cho người lao động; các biện pháp bảo đảm công việc; các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; chế độ trợ cấp thôi việc; trợ cấp thôi việc , trợ cấp mất việc; công tác đào tạo, quy trình đào tao….
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; thời giờ nghỉ ngơi; ngày nghỉ hàng tuần, ngày hàng năm; nghỉ phép, ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương;ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương….
– Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương: Quy định thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật; tiền lương tối thiểu; lương tháng, lương ngày; xét năng lương trước thời hạn, xét nâng bậc lương; các loại phụ cấp lương; nguyên tắc trả lương, thời gian trả lương hàng tháng; thanh toán tiền nghỉ hàng năm, tiền đi lại ; tiền lương trả cho giờ làm thêm;các tiền thưởng và các nguyên tắc chi thưởng……
– An toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động: tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phương tiện cung cấp phòng hộ cho người lao động; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ; khám sức khỏe định kỳ….
– Bảo hiểm xã hội: các quy định mức đóng chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, có quy định về mua bảo hiểm tai nạn 24/24 cho người lao động…
Ngoài những nội dung nói trên, các bên có thể thoả thuận thêm những nội dung khác như: thể thức giải quyết tranh chấp lao động; ăn giữa ca; phúc lợi tập thể; hoạt động công đoàn, tranh chấp lao động, trách nhiệm thi hành thỏa ước; Hiệu lực của thỏa ước lao động; những quy định đối với lao động nữ, người cao tuổi và các phúc lợi khác
Hiện nay, chưa văn bản nào quy định về mẫu Thỏa ước lao động tập thể. Mẫu thỏa ước lao động tập thể dựa trên thỏa thuận giũa người lao động, người sử dụng lao động và bên Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở. Đồng thời nội dung thỏa ước lao động tập thể phải đáp ứng điều kiện đã được nên ở trên.
Lưu ý:
– Sau khi các bên ký xong Văn bản thỏa ước lao động tập thể thì Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo việc đăng ký cơ quan lao động cấp tỉnh trong thời giạn chậm nhất 15 ngày. Thoả ước tập thể có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan lao động cấp tỉnh đăng ký.
– Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước tập thể thì thời hạn thỏa ước lao động tập thể dưới một năm. Thỏa ước tập thể có thời hạn từ một năm đến ba năm.
5. Điều kiện có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể:
Bộ luật Lao động 2019 hiện nay không có quy định nào về các điều kiện để TƯLĐTT có hiệu lực, tuy nhiên pháp luật lại quy định gián tiếp qua các trường hợp TƯLĐTT vô hiệu toàn bộ.
Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu như sau:
1. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.
2. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;
– Người ký kết không đúng thẩm quyền;
– Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Từ quy định trên có thể hiểu để TƯLĐTT có hiệu lực cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Nội dung của TƯLĐTT không được trái với quy định của pháp luật.
Nội dung của TƯLĐTT là các điều khoản ghi nhận quyền và nghĩa vụ của hai bên. Với BLLĐ 1994 thì đã có văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về TƯLĐTT và cụ thể đã quy định các nội dung chủ yếu cần phải có trong TƯLĐTT. Nhưng đến Bộ luật Lao động 2019 thì pháp luật đã không còn quy định cụ thể các nội dung đó nữa mà chỉ quy định chung là “Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên nội dung của TƯLĐTT không trái với quy định của pháp luật có thể được hiểu là:
Thứ nhất, về việc làm và đảm bảo việc làm: các bên phải thương lượng cụ thể, rõ ràng về những vấn đề nhằm ổn định việc làm cho NLĐ, bố trí lao động hợp lý như các biện pháp bảo đảm việc làm, các loại hợp đồng lao động đối với từng loại lao động hoặc loại công việc,…Ngoài ra các bên cũng cần đưa ra các cam kết về chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc làm hay vấn đề bồi thường phí đào tạo trong trường hợp NLĐ vi phạm các cam kết về hợp đồng học nghề.
Thứ hai, về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi: các bên có thể thương lượng cụ thể về độ dài thời gian làm việc trong ngày, trong tuần, thời gian nghỉ giữa giờ hoặc nghỉ chuyển ca, nghỉ hàng tuần, các nguyên tắc và các trường hợp làm thêm giờ. Ngoài ra có thể thỏa thuận thêm về chế độ nghỉ hàng năm đối với NLĐ cho phù hợp với từng loại công việc cũng như từng ngành nghề. Tuy nhiên tất cả các thỏa thuận này đều phải phù hợp với quy định của pháp luật về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, cụ thể là không được trái với các quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Thứ ba, về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp: Trong TƯLĐTT cần phải có mức lương tối thiểu, thang bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp, nguyên tắc và điều kiện nâng bậc lương, lương làm thêm giờ,…Tất cả những thỏa thuận này cũng phải căn cứ vào các quy định về tiền lương của Bộ luật Lao động 2019.
Thứ tư, về định mức lao động: Định mức lao động là khối lượng công việc mà từng người, từng tập thể lao động có nghĩa vụ phải hoàn thành trong thời gian nhất định với chất lượng đã quy định. Trong TƯLĐTT, các bên cần xác định cụ thể các nguyên tắc, phương pháp ban hành, thay đổi các loại định mức áp dụng cho các loại lao động, cách thức giao định mức. Ngoài ra các bên cần dự kiến các biện pháp xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành định mức như chất lượng công việc không đáp ứng được yêu cầu, hết thời gian quy định mà khối lượng công việc chưa hoàn thành,…
Thứ năm, về an toàn, vệ sinh lao động: Các bên cần phải thỏa thuận về các vấn đề như biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiêu chuẩn và việc cung cấp phương tiện phòng hộ, lao động, các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,…
Thứ sáu, về bảo hiểm xã hội: trong nội dung này, các bên có thể thỏa thuận về một số vấn đề như trách nhiệm, quyền lợi của NSDLĐ, NLĐ trong việc đóng góp, thu nộp, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, các bên còn có thể thỏa thuận thêm một số nội dung khác mà không bắt buộc phải có trong TƯLĐTT như tiền ăn giữa ca, phúc lợi tập thể, trợ cấp hiếu hỉ,…
2. Chủ thể thương lượng, ký kết TƯLĐTT phải đúng thẩm quyền.
a) Chủ thể tham gia thương lượng.
TƯLĐTT là một trong những kết quả đạt được của quá trình thương lượng tập thể, do đó để TƯLĐTT có hiệu lực về mặt chủ thể thì các chủ thể trong quá trình thương lượng tập thể cũng phải thỏa mãn đúng thẩm quyền của mình. Theo Điều 68 Bộ luật Lao động 2019 quy định Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp như sau:
– Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
– Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
– Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
– Chính phủ quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể.
b) Chủ thể kí kết thỏa ước.
Theo quy định tạikhoản 4 Điều 76 Bộ luật Lao động 2019 về chủ thể kí kết thỏa ước được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.”
3. Trình tự kí kết TƯLĐTT.
Trình tự kí kết thỏa ước là các bước luật định mà các bên phải tuân thủ khi kí kết thỏa ước. Cụ thể khi kí kết thỏa ước, các bên sẽ tiến hành theo các bước:
Bước 1: Đề xuất yêu cầu kí kết thỏa ước.
Việc đề xuất yêu cầu phải bằng văn bản. Bên nhận được yêu cầu phải chủ động gặp bên đề xuất, chậm nhất trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu đề xuất để thỏa thuận về thời gian, địa điểm và danh sách đại diện.
Bước 2: Đàm phán các nội dung của thỏa ước.
Các bên sẽ đưa ra yêu cầu và nội dung cần thương lượng và tiến hành thương lượng. Sau khi thống nhất được nội dung thỏa ước, các bên sẽ tiến hành xây dựng dự thảo của thỏa ước.
Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung của thỏa ước.
Việc lấy ý kiến của tập thể lao động bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ kí. Kết quả lấy ý kiến phải lập thành văn bản, trong đó ghi rõ tổng số những người được lấy ý kiến, số người tán thành, số người không tán thành. Biên bản này phải có chữ kí của đại diện ban chấp hành công đoàn.
Bước 4: Kí kết thỏa ước.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của tập thể lao động, các bên hoàn thiện dự thảo của thỏa ước. Việc kí kết thỏa ước được tiến hành khi có trên 50% số lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung thỏa ước.
Trước đây pháp luật quy định đăng kí thỏa ước lao động tập thể tại cơ quan có thẩm quyền là một thủ tục bắt buộc, nếu không thực hiện bước này thì TƯLĐTT sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ. Tuy nhiên hiện nay, theo quy định của pháp luật thì việc TƯLĐTT không được đăng kí vẫn được coi là có hiệu lực vì việc đăng kí này không liên quan đến thỏa ước.
KẾT LUẬN: Như vậy điều kiện để thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực là: Nội dung không trái với quy định của pháp luật; chủ thể kí kết đúng thẩm quyền và việc kí kết tuân theo quy trình thương lượng tập thể.