Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lao động là tổng hợp các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động mà khi các bên tham gia ký kết hợp đồng lao động phải tuân theo.
Điều kiện có hiệu lực của
1. Điều kiện về chủ thể
a/ Người lao động
– Là cá nhân công dân Việt Nam:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Bộ luật lao động:
“ Người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại bộ luật này.”
Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động cũng có quy định: “
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.”
Qua đó ta có thể thấy rằng người lao động phải là cá nhân công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định trường hợp sử dụng người lao động dưới 15 tuổi để làm những công việc mà pháp luật cho phép với điều kiện; Có hợp đồng lao động bằng văn bản và phải được ký kết với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người lao động dưới 15 tuổi.
Không được sử dụng lao động nữ, lao động tàn tật, lao động cao tuổi… làm những công việc mà pháp luật cấm.
– Là người nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì:
Phải đủ 18 tuổi, có sức khỏe, trình độ chuyên môn tay nghề phù hợp với yêu cầu công việc, lý lịch tư pháp trong sạch, có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
b/ Người sử dụng lao động
Điều 3 khoản 2 Bộ luật lao động có quy định: “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”
Như vậy ta thấy được người sử dụng lao động có thể là:
– Cơ quan, tổ chức có thể là của Việt Nam, nước ngoài, hay của Quốc tế tại Việt Nam và phải có tư cách pháp nhân.
– Doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, cá nhân: Phải được phép kinh doanh, có giấy phép kinh doanh và phải đăng ký kinh doanh.
– Với trường hợp là cá nhân thì phải đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật đầy đủ, và phải có khả năng trả công cho người lao động.
Những đối tượng trong các đơn vị sử dụng lao động có quyền ký kết hợp đồng lao động là: Đối với doanh nghiệp thì đó là giám đốc hoặc tổng giám đốc; Chủ nhiệm hợp tác xã đối với hợp tác xã; giám đốc liên hiệp hợp tác xã đối với liên hiệp hợp tác xã; Chủ hộ đối với hộ gia đình; người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức Việt Nam, nước ngoài, quốc tế tại Việt Nam.
Đối với người sử dụng lao động thì họ có thể ủy quyền cho người khác kí kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân.
2. Điều kiện về loại và hình thức của Hợp đồng lao động
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, tùy thuộc tính chất công việc và thời hạn kết thúc của mỗi công việc mà các bên phải ký kết hợp đồng lao động theo một trong các loại:
–
–
Việc ký kết hợp đồng lao động ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật về loại hợp đồng còn phải tuần theo các quy định về hình thức hợp đồng. Hình thức của hợp đồng là cách thức chứa đựng các điều khoản, là biểu hiện bên ngoài của các thỏa thuận hợp đồng lao động. Điều 14 Bộ luật lao động quy định:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”
Như vậy, hợp đồng lao động có thể được giao kết dưới hai hình thức văn bản và lời nói. Hợp đồng lao động bằng văn bản là một hình thức hợp đồng lao động trong đó các điều khoản thỏa thuận được ghi vào văn bản có chữ ký của hai bên. Hợp đồng lao động bằng văn bản có thể được áp dụng cho mọi hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, trong những trường hợp sau hợp đồng lao động nhất thiết phải được kí kết bằng văn bản:
–
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ba tháng trở lên:
– Hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình.
Hợp đồng lao động bằng lời nói (bằng miệng) là một hình thức hợp đồng lao động mà các bên thỏa thuận thông qua sự đàm phán thương lượng bằng ngôn ngữ mà không lập thành văn bản, quá trình giao kết có thể có hoặc không có người làm chứng tùy theo yêu cầu của các bên. Khi giao kết bằng lời nói các bên đương nhiên phải tuân thủ pháp luật về giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng bằng lời nói được áp dụng cho các công việc có tính chất tạm thời dưới 3 tháng.
Ngoài ra, còn có hợp đồng lao động bằng hành vi thể hiện thông qua hành vi của các chủ thể khi tham gia quan hệ như hành vi làm việc của người lao động, hành vi bố trí công việc, trả lương của người sử dụng lao động…
3. Điều kiện về nguyên tắc ký kết
Để hình thành 1 hợp đồng lao động có hiệu lực và để đảm bảo sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động thực sự là ý chí của các bên, pháp luật lao động quy định những nguyên tắc bắt buộc các bên phải tuân thủ. Điều 15
“1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.”.
Vì vậy những cam kết trong hợp đồng lao động là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên khi đảm bảo các nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc tự do tự nguyện khi giao kết hợp đồng. Dưới góc độ pháp luật lao động, đây là nguyên tắc thể hiện một cách sinh động và là sự cụ thể hóa một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật lao động: Nguyên tắc đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc cho công dân. Để đảm bảo sự tự do, tự nguyện khi giao kết hợp đồng lao động, các bên không được dùng các thủ đoạn lừa dối, ép buộc hay đe dọa nhằm buộc người kia vì lo sợ mà phải giao kết hợp đồng mặc dù họ không mong muốn. Người lao động có quyền giao kết hợp đồng lao động với bất kì người sử dụng lao động nào và người sử dụng lao động cũng có quyền tự do thiết lập quan hệ lao động với bất kì người lao động nào theo nhu cầu nếu không trái pháp luật.Pháp luật lao động ghi nhận nguyên tắc tự do, tự nguyện là một nguyên tắc trong giao kết hợp đồng lao động không chỉ đảm bảo giữ đúng bản chất thỏa thuận của hợp đồng mà còn nhằm tạo tiền đề giúp các bên thực hiện quan hệ hợp đồng lao động một cách tự giác, quan hệ lao động được duy trì trong sự hài hòa lợi ích và ổn định.
Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong việc thỏa thuận, tiến hành giao kết hợp đồng lao động. Các chủ thể trong hợp đồng lao động bình đẳng với nhau về tư cách pháp lý của chủ thể, hệ thống các quyền và nghĩa vụ ngang nhau, xuất phát từ ý chí của các bên chứ không phải của ai khác (đặc biệt là thanh tra lao động).
Thứ ba là không được trái với pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.Thỏa ước lao động tập thể có thể có trước hoặc có sau khi ký kết hợp đồng lao động tùy từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên khi ký kết hợp đồng lao động mà tồn tại thỏa ước thì các bên phải triệt để tuân theo các quy định của thỏa ước.
4. Điều kiện về nội dung của hợp đồng lao động
Nội dung của hợp đồng lao động là toàn bộ những vấn đề được phản ánh trong hợp đồng lao động. Chính vì vậy, nội dung hợp đồng lao động được xem là căn cứ đầu tiên để xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên (bên cạnh các căn cứ khác như quy định của pháp luật lao động, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động thì hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu thiết lập trên quan hệ lao động như:
“a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.”
Ngoài các nội dung chủ yếu, trong hợp đồng lao động các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và thỏa ước lao động tập thể ( nếu có).
Để làm rõ hơn nội dung của hợp đồng lao động, chúng ta lần lượt tìm hiểu một số nội dung chủ yếu sau:
Về công việc phải làm: Có thể nói đây là điều khoản quan trọng nhất trong một hợp đồng lao động. Những công việc các bên thỏa thuận trước hết phải được pháp luật thừa nhận là một việc làm.Nghĩa là công việc này phải là những việc pháp luật không cấm làm.Công việc trong hợp đồng lao động có tính quyết định tới sự tồn tại của hợp đồng lao động. Nếu một thỏa thuận chưa có nội dung công việc phải làm hoặc quy định không đầy đủ các yếu tố liên quan thiết yếu đến công việc phải làm như số lượng, chất lượng, địa điểm làm việc, thời hạn, loại hợp đồng thì chưa phải là thỏa thuận có thể hình thành hợp đồng lao động. Khi thảo thuận về công việc phải làm, tùy theo tính chất và thời hạn thực hiện công việc các bên phải thỏa thuận về thời hạn hợp đồng, loại hợp đồng.
Về tiền lương: Mục đích lớn nhất của người lao động khi bán sức lao động chính là thu được một khoản tiền công. Nếu một người không lấy công thì không phải là quan hệ hợp đồng lao động. Do vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền lương là một nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Thiếu nội dung này thì hợp đồng lao động không thể hình thành. “Tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định”. Quy định trên nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực thuê mướn, sử dụng lao động.
Về “ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi” : Việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là cần thiết để người lao động có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục làm việc. Người sử dụng lao động có quyền quy định giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Thời gian làm việc có sự khác biệt phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại lao động như lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người lao động được rút ngắn thời gian làm việc.
Về bảo hiểm xã hội: Người lao động theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội. Người lao động trong quá trình làm việc có nhiều khả năng gặp rủi ro. Tham gia bảo hiểm xã hội người lao động được trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp áp dụng hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc phải lập các loại sổ như: sổ lao động, sổ lương, sổ bảo hiểm xã hội cho mỗi một người lao động. Những nội dung trên là những chủ yếu phải có trong hợp đồng lao động, tuy nhiên trong một số trường hợp pháp luật cho phép linh hoạt như: hợp đồng lao động trong các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; hợp đồng lao động trong các trang trại; hợp đồng lao động do chính quyền cấp xã kí với người dân để trông giữ rừng vào các tháng mùa khô cao điểm.