Di chúc là phương tiện thể hiện nguyện vọng của cá nhân để lại tài sản của mình cho những người còn sống sau khi cá nhân mất đi.
Di chúc là phương tiện thể hiện nguyện vọng của cá nhân để lại tài sản của mình cho những người còn sống sau khi cá nhân mất đi. Để một di chúc phát sinh hiệu lực thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau.
1. Người lập di chúc
Theo quy định của “Bộ luật dân sự 2015” thì người lập di chúc phải đáp ứng được những điều kiện nhất định thì di chúc mới có hiệu lực. Người lập di chúc phải đảm bảo được những điều kiện sau: Điều 647 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về người lập di chúc. Như vậy, thông qua quy định của luật dân sự có thể nhận thấy yêu cầu về người lập di chúc là phải có năng lực chủ thể.
Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Sự đồng ý ở đây là sự đồng ý cho họ lập di chúc. Còn về nội dung di chúc, họ được toàn quyền quyết định.
Điều 903 Bộ luật dân sự Pháp quy định người chưa thành niên dưới 16 tuổi không có quyền định đoạt tài sản trừ trường hợp quy định tại chương IX thiên II. Điều 904 quy định: Người chưa thành niên đủ 16 tuổi và chưa được công nhận là có năng lực hành vi đầy đủ chỉ được định đoạt tài sản của bằng di chúc và chỉ được định đoạt đến một nửa số tài sản mà pháp luật cho phép người thành niên định đoạt. Tuy nhiên nếu người đó phải tham gia quân đội để chiến đấu trong chiến tranh thì có thể định đoạt số tài sản ngang bằng với số tài sản mà người đã thành niên có thể định đoạt.
Còn Điều 963 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định:
“Người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc phải có đủ năng lực để làm việc này”.
2. Người lập di chúc tự nguyện
Tại điểm a khoản 1 Điều 652 “Bộ luật dân sự 2015” có quy định:
“a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;”
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Quy định về vấn đề này, pháp luật dân sự Cộng hòa Pháp người lập chứng thư tặng cho hoặc di chúc để định đoạt tài sản của mình phải là người có tinh thần minh mẫn (Điều 901 Bộ luật dân sự Pháp).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ.Sự thống nhất trên chính là là sự thống nhất giữa mong muốn của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài. Các trường hợp như người lập di chúc bị cưỡng ép ( đánh đập, giam giữ…), đe dọa ( dọa một việc có thể làm mất danh dự, uy tín của người lập di chúc) hoặc bị lừa dối ( làm tài liệu giả để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết nên không lập di chúc để lại tài sản cho người đó mà để lại tài sản cho người làm tài liệu giả) đều bị coi là vi phạm điều kiện có hiệu lực của di chúc về tính tự nguyện.
3. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội
Nội dung di chúc là việc thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Vi phạm các điều này thì di chúc sẽ bị vô hiệu.
4. Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật.
Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc; là căn cứ bảo vệ quyền lợi cũng cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định. Theo quy định của “Bộ luật dân sự 2015”, di chúc được thể hiện dưới một trong hai hình thức : hình thức văn bản và hình thức miệng (Điều 649)