Hoàn cảnh thay đổi cơ bản quy định những điều kiện cấu thành sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng, cho phép tòa án có thể can thiệp để sửa đổi, chấm dứt hợp đồng khi một trong các bên tham gia giao dịch có yêu cầu. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Mục lục bài viết
1. Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về vấn đề thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trước hết phải căn cứ theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Cụ thể như sau:
– Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Sự thay đổi hoàn cảnh xuất phát từ nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi các bên thực hiện thủ tục giao kết hợp đồng;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản đó;
+ Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước được hoàn cảnh đó xảy ra thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc hợp đồng được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác biệt;
+ Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết ban đầu mà không có sự thay đổi nội dung trong hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên hoặc các bên trong giao dịch đó;
+ Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, mọi biện pháp trong khả năng cho phép của mình, phù hợp với tính chất của hợp đồng, tuy nhiên vẫn không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong giao dịch dân sự.
– Trong trường hợp thay đổi hoàn cảnh cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng sẽ có quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý;
– Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được việc thực hiện quá trình sửa đổi hợp đồng trong một thời gian hợp lý theo như phân tích nêu trên, một trong các bên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án thực hiện các hoạt động sau:
+ Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
+ Sửa đổi hợp đồng để cân bằng lợi ích hợp pháp của các bên xuất phát từ nguyên nhân hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu như được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng mà các bên đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy có thể nói, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xem là trường hợp xuất hiện những sự kiện mà các bên không thể lường trước được trong quá trình giao kết hợp đồng, làm cho hợp đồng không thể thực hiện được. Khi xuất hiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý, trường hợp các bên không thể thỏa thuận về vấn đề sửa đổi hợp đồng thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng để có thể cân bằng quyền lợi hợp pháp của các bên.
Có thể nói, mặc dù hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thể thay đổi tuy nhiên trên thực tế, các bên vẫn có điều kiện tiếp tục thực hiện hợp đồng, bằng mọi cách giữ gìn tinh thần tự nguyện và thỏa thuận ban đầu, đó là đàm phán lại hợp đồng. Nếu các bên không thể đi đến quá trình đàm phán, cơ quan giải quyết tranh chấp được xác định cụ thể là tòa án, được trao quyền tuyên sửa hợp đồng kể cả khi các bên không thể thỏa thuận được hoặc tuyên bố chấm hợp đồng trên thực tế. Việc tòa án tuyên sửa đổi hợp đồng bị giới hạn trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu như hợp đồng đó được sửa đổi. Có nghĩa là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án phải cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định cuối cùng được xem là hạn chế thiệt hại nhất có thể cho các bên. Nếu các bên đều muốn sửa đổi hợp đồng nhưng theo phương án khác nhau, không thể thực hiện được, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án sẽ phải xem xét các phương án của các bên, trong trường hợp thấy rằng dù theo phương án nào để sửa đổi hợp đồng cũng sẽ phát sinh chi phí quá lớn mà không thể cân bằng lợi ích của các bên, tòa án sẽ ra phán quyết về vấn đề chấm dứt hợp đồng, tức là phương án chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này sẽ được lựa chọn.
2. Hợp đồng dân sự có bị vô hiệu khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì vô hiệu, trừ trường hợp bộ luật dân sự có quy định khác. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực khi đáp ứng được đủ các điều kiện sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự phù hợp với pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
– Hình thức của giao dịch dân sự cũng được coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong một số trường hợp pháp luật có quy định.
Như vậy có thể nói, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản dẫn tới không đáp ứng được một trong các điều kiện không có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự đó sẽ vô hiệu.
3. Các yếu tố cấu thành hoàn cảnh thay đổi cơ bản:
Một sự việc được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thỏa mãn đầy đủ các yếu tố sau:
Thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh xuất phát từ nguyên nhân khách quan xảy ra sau quá trình giao kết hợp đồng. Cần phải khẳng định rằng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản xuất phát từ những nguyên nhân khách quan nằm ngoài ý chí chủ quan của con người trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng mà các bên đã ký kết ban đầu. Mặc dù pháp luật chỉ nhắc đến và không quy định rõ ràng về điều kiện này, tuy nhiên có thể do những nguyên nhân khách quan xảy ra hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể, như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, sự thay đổi pháp luật … hay bất kỳ sự kiện nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người.
Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản đó. Như vậy có thể nói, trong điều kiện các bên hoàn toàn có thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng vẫn thỏa thuận điều kiện đó thì sẽ không được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Việc pháp luật quy định điều kiện này nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của các bên đối với những thỏa thuận mà mình đã cam kết, từ đó đảm bảo tính chất khách quan của những hoàn cảnh không thuộc nội dung của hợp đồng.
Thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước về hoàn cảnh đó thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc hợp đồng sẽ được giao kết nhưng được giao kết với các nội dung hoàn toàn khác. Điều kiện này xác định rõ ràng mức độ thay đổi của hoàn cảnh làm ảnh hưởng đến quá trình thỏa thuận của các bên. Nếu như các bên biết trước được về các hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai thì sẽ không giao kết hợp đồng đó, vì nếu giao kết hợp đồng đó thì rất ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng, hoặc các bên vẫn sẽ giao kết hợp đồng nhưng với nội dung khác, đó có thể là những nội dung phòng ngừa hậu quả về việc lường trước được hoàn cảnh trong tương lai có thể xảy ra.
Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung trong hợp đồng thì có thể sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên hoặc các bên. Đây được xem là yếu tố quan trọng, là điều kiện quan trọng để phân biệt với sự kiện bất khả kháng, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản ưu tiên việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, nhưng trong điều kiện hợp đồng được sửa đổi để hạn chế thiệt hại hơn cho một bên. Đây được xem là yếu tố tiền đề, đề cao việc áp dụng hệ quả sửa đổi hợp đồng khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản trên thực tế.
Thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép của mình và phù hợp với tính chất của hợp đồng tuy nhiên vẫn không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tương tự với sự kiện bất khả kháng, bên có nghĩa vụ hay bên có lợi ích bị ảnh hưởng trong trường hợp này đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả hoặc thực hiện mọi hành vi cần thiết để ngăn chặn và giảm thiểu mức độ rủi ro, ảnh hưởng đến lợi ích của mình, tuy nhiên không có hiệu quả. Trong trường hợp này họ cần chứng minh bằng những bằng chứng cụ thể để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét rằng mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng, từ đó làm căn cứ miễn trách nhiệm hợp đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.