Khi công nghệ hiện đại ngày càng phát triển và được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống thì việc đưa công nghệ điện tử vào lĩnh vực thủ tục hành chính là điều tất yếu sẽ đến. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta đã có Cổng dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho người dân. Vậy dịch vụ công trực tuyến là gì? Quy định về dịch vụ công trực tuyến như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về Cổng dịch vụ công quốc gia:
Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Cá nhân, tổ chức dễ dàng truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ duy nhất www.dichvucong.gov.vn theo nhu cầu người dùng từ máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động được kết nối internet để hưởng nhiều lợi ích từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, như:
– Đăng ký và được cấp ngay một tài khoản của Cổng dịch vụ công Quốc gia để đăng nhập;
– Tra cứu thông tin, dịch vụ công các ngành, lĩnh vực, các địa phương tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Gửi phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công;
– Theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị của mình bằng cách cung cấp mã hồ sơ, kể cả mã hồ sơ thủ tục hành chính không thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương
– Đăng nhập bằng tài khoản Cổng dịch vụ công Quốc gia để đăng nhập các Cổng Dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương; không phải cập nhật các trường thông tin, tài liệu đã được lưu trữ trong tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia
– Được hỗ trợ truy vấn thông tin của cá nhân, tổ chức lưu trữ tại các Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm,…;
– Thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố chỉ cần khai báo 1 lần trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia;
– Sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; dịch vụ công;
Lộ trình thực hiện phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia
– Năm 2019: Kết nối, tích hợp cổng DVCQG với cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử các Bộ, ngành, địa phương để thí điểm cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến như: Cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế,
– Năm 2020: Tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.
– Sau năm 2020: Tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương
2. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Dịch vụ công trực tuyến đang được xây dựng ở bốn mức độ:
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Dịch vụ công mức độ 1 phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản sau:
(i) Tên thủ tục hành chính;
(ii) Trình tự thực hiện;
(iii) Cách thức thực hiện;
(iv) Thành phần, số lượng hồ sơ;
(v) Thời hạn giải quyết;
(vi) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
(vii) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;
(viii) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính;
(ix) Thông tin về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí (nếu có);
(x) Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả;
(xi) Văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính.
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quảđược thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phải đáp ứng đầy đủ các yêu của mức độ 2 và cung cấp thêm:
(i) Biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ;
(ii) Hồ sơ hành chính điện tử được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến;
(iii) Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng;
(iv) Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.
– Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chú trọng đến doanh nghiệp vì doanh nghiệp có chữ ký số nên dễ dàng trong việc thanh toán trực tuyến, còn người dân muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thì phải có chữ ký số. Nếu người dân không có chữ ký số thì vẫn có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và có thể nhận và gửi hồ sơ đường qua bưu điện mà không phải đến các cơ quan công quyền để làm hồ sơ.
Dịch vụ công trực tuyến tiếng anh là Online public services
3. Những quy định cần biết về dịch vụ công trực tuyến:
Căn cứ vào Thông tư số 32/2020/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
3.1. Các yêu cầu đối với dịch vụ công trực tuyến:
Tại Thông tư đã đặt ra yêu cầu đối với dịch cụ công trực tuyến tại Điều 11 như sau:
1. Các mục hướng dẫn tối thiểu phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử bao gồm:
a) Mục hướng dẫn thực hiện đối với việc thực hiện một số dịch vụ hành chính công thường gặp để giúp người sử dụng biết được các thủ tục, các bước tiến hành khi muốn thực hiện một công việc;
b) Mục các câu hỏi trường gặp và nội dung trả lời để giúp người sử dụng có thể tự tìm ra giải đáp được các vướng mắc thông thường khi thực hiện thủ tục hành chính, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
2. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cần đạt được các yêu cầu tối thiểu như sau:
a) Phải tương thích với các trình duyệt Web thông dụng;
b) Dễ dàng tìm thấy dịch vụ: người sử dụng dễ dàng tìm được dịch vụ sau tối đa 03 lần bấm chuột từ trang chủ của cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến; dễ dàng tìm được dịch vụ bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến;
c) Có cơ chế hướng dẫn, tự động khai báo thông tin: hỗ trợ tự động điền các thông tin của người sử dụng nếu các thông tin đó đã được người sử dụng cung cấp khi đăng ký tài khoản hoặc trong lần sử dụng dịch vụ trước, thông tin của cơ quan nhà nước đã có trong cơ sở dữ liệu của hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ việc điền, kiểm tra thông tin theo các định dạng quy định sẵn; có giải thích chi tiết về thông tin cần nhập (đối với các thông tin có yêu cầu riêng, mang tính chất chuyên ngành);
d) Có chức năng để người sử dụng đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ sau khi sử dụng (sau đây gọi tắt là chức năng đánh giá);
đ) Bảo đảm thời gian xử lý, trao đổi dữ liệu nhanh: trong trường hợp hệ thống biết rõ thời gian xử lý, trao đổi dữ liệu lâu hơn 10 giây cần cung cấp
e) Bảo đảm hoạt động ổn định: các dịch vụ công trực tuyến phải hoạt động liên tục 24 giờ trong tất cả các ngày; bảo đảm dịch vụ được kiểm tra lỗi đầy đủ trước khi đưa vào sử dụng để hạn chế tối đa lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng; khi bảo trì, nâng cấp dịch vụ cần thông báo thông tin về việc bảo trì, nâng cấp và thời gian dự kiến hoạt động trở lại trên cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến trước ít nhất 01 ngày làm việc;
g) Có địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận góp ý của người sử dụng.
3. Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải có chức năng thống kê kết quả giải quyết hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Mỗi dịch vụ phải thông báo các số liệu thống kê tối thiểu từ đầu năm tới thời điểm hiện tại như sau:
a) Số lượng hồ sơ trực tuyến đã tiếp nhận;
b) Số lượng hồ sơ trực tuyến đã giải quyết;
c) Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn;
d) Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận qua hình thức trực tuyến và không trực tuyến;
đ) Số liệu về mức độ hài lòng của người sử dụng đối với dịch vụ theo từng nội dung đánh giá quy định tại Điều 12 Thông tư này.
3.2. Các loại dịch vụ công trực tuyến:
– Hiện tại có 5 loại dịch vụ công trực tuyến:
1. Cấp Thành phố:
– Sở Công thương
– Sở Du lịch
– Sở Lao động Thương binh và Xã hội
– Sở Quy hoạch và Kiến trúc
– Sở Tài chính
– Sở Tài nguyên và Môi trường
– Sở Tư pháp
– Sở Văn hóa và Thể thao
– Sở Xây dựng
– Sở Y tế
2. Cấp Quận, Huyện
– Quản lý đô thị
+ Cấp giấy phép xây dựng nhà ở
+ Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
+ Cấp giấy phép quy hoạch
– Tư pháp:
+ Cấp bản sao trích lục khai sinh
+ Cấp bản sao trích lục khai tử
+ Cấp bản sao trích lục kết hôn
– Thông tin và truyền thông
3. Cấp Phường, Xã, Thị trấn
– Tư pháp
4. Dịch vụ công mức 4 cấp Quận, Huyện
5. Dịch vụ công mức 4 cấp Xã, Phường, Thị Trấn
3.3. Nguyên nhân những hạn chế của dịch vụ công trực tuyến:
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở nước ta còn hạn chế do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, ít công dân điện tử, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến còn rất thấp, do: Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, hệ thống trang thiết bị của mạng lưới trực tuyến chưa đồng bộ.
Thứ 2, trình độ, kiến thức công nghệ thông tin của người dân còn chưa đồng đều, nhiều người dân còn chưa được tiếp xúc với máy tính, internet.
Bên cạnh đó, còn có tâm lí lo ngại về sự không thuận tiện, sử dụng mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ 3, việc tuyên truyền, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên dẫn đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế dẫn đến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Thứ 4, tại một số văn bản, qui định vẫn chưa sửa đổi kịp thời để thực hiện theo qui trình điện tử, người dân và doanh nghiệp vẫn phải nộp chứng từ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính. Qui trình thủ tục hành chính có nhiều mẫu biểu phức tạp, hồ sơ phải scan nhiều.
Thứ 5, việc liên kết tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lí và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống mạng đôi khi còn gặp trục trặc trong việc truyền tải dữ liệu nên việc đăng kí hay cập nhật cũng còn gặp khó khăn.
Thứ 6, còn có cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm tới việc đưa vào sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp (không bố trí người theo dõi, xử lí hồ sơ trực tuyến; không bố trí nhân lực trợ giúp người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến).
Thứ 7, việc xác thực người sử dụng của nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn đơn giản. Điều này có thể dẫn đến khả năng giả mạo người sử dụng, tăng lượng hồ sơ không đúng.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.