Người muốn lập di chúc có thể lựa chọn hình thức lập di chúc viết tay. Vậy di chúc viết tay mà không ký từng trang có hợp pháp không?
Mục lục bài viết
1. Di chúc viết tay mà không ký từng trang có hợp pháp không?
Tại Điều 628 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định di chúc bằng văn bản bao gồm những loại sau:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:
+ Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc;
+ Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung của di chúc mà pháp luật quy định.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:
+ Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc là nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng bắt buộc phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc ngay trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng thực hiện xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc;
+ Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung của di chúc và điều kiện về người làm chứng mà pháp luật quy định.
– Di chúc bằng văn bản có công chứng: người để lại di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng di chúc.
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực: người để lại di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã thực hiện thủ tục chứng thực di chúc.
Qua phân tích trên thì di chúc viết tay chính là người muốn để lại di chúc tự mình viết di chúc và ký vào bản di chúc đó và đây chính là hình thức lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
Theo quy định của pháp luật, để di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hợp pháp thì di chúc đó phải tuân thủ những điều kiện sau đây:
– Di chúc phải do chính người để lại di chúc tự viết và ký vào bản di chúc;
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;
– Nội dung của di chúc phải đảm bảo có những nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản.
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu.
Tại khoản 3 Điều 631 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng đã quy định nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang sẽ phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Như vậy, để một di chúc viết tay hợp pháp, ngoài việc người lập di chúc phải tuân thủ các điều kiện đã nêu trên thì nếu như di chúc có nhiều trang (được hiểu là từ 02 trang trở lên), người lập di chúc phải ghi số thứ tự của từng trang và bắt buộc phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang, nếu như người để lại di chúc viết tay không thực hiện việc ký hoặc điểm chỉ vào từng trang của bản di chúc thì kể cả bản di chúc đó có tuân thủ đúng các điều kiện đã nêu trên thì bản di chúc đó cũng không hợp pháp.
2. Mục đích của việc ký từng trang của di chúc viết tay:
Như đã phân tích ở mục trên, một trong những điều kiện để một di chúc viết tay hợp pháp thì bản di chúc đó phải tuân thủ đúng về các nội dung của bản di chúc mà pháp luật đã quy định và bản di chúc có từ hai trang trở lên thì người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang, việc phải tuân thủ điều kiện này nhằm mục đích cụ thể như sau:
– Di chúc phải có nội dung ngày, tháng, năm lập di chúc: để xác định năng lực chủ thể của người lập di chúc vào thời điềm lập di chúc và các vấn đề khác liên quan đến nội dung di chúc như xác định di sản được ghi trong di chúc còn tồn tại đến ngày mở thừa kế hay không. Ngoài ra, trong bản di chúc phải có nội dung này còn nhằm mục đích để xác định trong trường hợp một người lập nhiều di chúc đối với một tài sản thì di chúc sau cùng có giá trị pháp lý.
– Di chúc phải ghi rõ họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc: nhằm xác định di chúc đó đúng là người có tên trong di chúc lập hay người khác lập và để xác định được địa điểm mở thừa kế và là nơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản nếu chưa xác định được người thừa kế và quản lý di sản.
– Di chúc phải ghi rõ họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản: bởi khi mở thừa kế, cá nhân, tổ chức chỉ định trong di chúc được hưởng di sản. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người, cơ quan, tổ chức trùng tên, vì vậy, cần xác định rõ cá nhân là người ghi trong di chúc đang sinh sống, làm việc ở đâu hoặc cơ quan, tổ chức hoạt động ở địa phương nào mà đúng với nội dung ghi trong di chúc thì được hưởng di sản.
– Di chúc phải ghi rõ di sản để lại và nơi có di sản: bởi di sản là tài sản thuộc quyền sở hữu của người lập di chúc, nên người lập di chúc cần ghi rõ là tài sản nào, số lượng bao nhiêu, tài sản đó nằm ở đâu.
– Nếu di chúc viết tay có từ hai trang trở lên thì người lập di chúc viết tay phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang của bản di chúc, việc làm này nhằm mục đích là để tránh những trường hợp di chúc bị thay thế.
Như vậy, mục đích của việc ký từng trang của bản di chúc viết tay đó chính là để tránh những trường hợp di chúc bị thay thế.
3. Có thể đồng thời vừa ký vừa điểm chỉ vào từng trang của di chúc viết tay:
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về việc bản di chúc viết tay có được hay không đồng thời vừa ký vừa điểm chỉ vào từng trang của bản di chúc. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
– Công chứng di chúc;
– Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
– Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Như vậy, nếu như một người yêu cầu công chứng di chúc thì có thể yêu cầu việc đồng thời vừa ký vừa điểm chỉ vào từng trang của bản di chúc có yêu cầu công chứng.
Thêm nữa, tại khoản 3 Điều 631 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định mỗi trang của bản di chúc phải có “chữ ký hoặc điểm chỉ” của người lập di chúc. “Hoặc” ở đây được hiểu là người lập di chúc viết tay có thể lựa chọn một trong hai hình thức để xác nhận về việc bản di chúc viết tay là do chính mình viết đó là ký trực tiếp hoặc tự điểm chỉ vào bản di chúc. Tuy nhiên, pháp luật cũng không quy định người lập di chúc viết tay bắt buộc chỉ được phép chọn duy nhất một trong hai hình thức chữ ký hoặc điểm chỉ.
Vì vậy, qua các phân tích trên, ta có thể hiểu mặc dù pháp luật không quy định rõ người lập di chúc viết tay có được đồng thời vừa ký vừa điểm chỉ vào từng trang của di chúc hay không, nhưng pháp luật cũng không cấm điều đó, thế nên việc một người lập di chúc viết tay vừa đồng thời ký và điểm chỉ vào từng trang của di chúc không trái với quy định của pháp luật và cũng không làm ảnh hưởng tới tính hợp pháp của bản di chúc viết tay.
4. Quy định về hiệu lực của di chúc viết tay có ký từng trang:
– Di chúc viết tay có ký từng trang của người để lại di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di chúc chết.
– Di chúc viết tay đã ký từng trang không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc viết tay chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào ngay thời điểm mở thừa kế. Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc bị chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức đã được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào ngay thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này là không có hiệu lực;
+ Di chúc viết tay không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu như di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực;
+ Khi di chúc viết tay có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó mới không có hiệu lực.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Dân sự 2015.