Điều kiện để một bản di chúc hợp pháp được quy định tại Chương XXIII "Bộ luật dân sự 2015".
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, bà tôi năm nay 80 tuổi muốn để lại di chúc. Do các con đang xảy ra mâu thuẫn nên bà không muốn ai biết việc này. Tôi là cháu bà, và đã nghiên cứu đến hình thức viết di chúc không cần công chứng. Nhưng do bà không viết được chữ, mặt khác theo luật sẽ không được đánh máy. Mong luật sư có thể tư vấn giúp tôi cách thực hiện thủ tục viết 1 bản di chúc hợp pháp được không. Tôi cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ vào các quy định tại Phần thứ tư, Chương XXIII, “Bộ luật dân sự 2015”, các điều kiện để lập di chúc hợp pháp bao gồm:
Thứ nhất, về chủ thể, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép.
Thứ hai, về nội dung của di chúc: nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Nội dung của di chúc bằng văn bản phải ghi rõ:
– Ngày, tháng, năm lập di chúc;
– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản;
– Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Thứ ba, về hình thức của di chúc, Điều 649, “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.
Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn muốn tư vấn để lập một bản di chúc dưới hình thức bằng văn bản.
>>> Luật sư
Căn cứ vào Điều 650, “Bộ luật dân sự 2015”:
“Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.
Vì bạn không muốn hình thức di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực nên bạn có thể giúp bà lập di chúc bằng văn bản dưới các hình thức còn lại.
Với hình thức di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Tuy nhiên, bà bạn không viết được chữ nên không thể lập di chúc theo hình thức này.
Với hình thức di chúc bằng văn bản có người làm chứng: trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Như vậy, bà bạn có thể nhờ người khác viết di chúc và có ít nhất hai người làm chứng. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Như vậy, nếu tuân thủ các điều kiện trên thì bạn có thể giúp bà lập được một bản di chúc dưới hình thức văn bản hợp pháp và không cần phải công chứng, chứng thực.