Di chúc được hiểu như thế nào? Để lại nhiều di chúc, di chúc nào sẽ có hiệu lực pháp luật? Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?
Hiện nay, đối với nhiều bạn đọc di chúc không còn là cụm từ xa lạ, di chúc chính là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của người chết về những tài sản của họ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lập nhiều di chúc ở thời điểm khác nhau do có sự thay đổi ý nguyện trong di chúc. Vậy di chúc được hiểu như thế nào? Để lại nhiều di chúc, di chúc nào sẽ có hiệu lực pháp luật?
Cơ sở pháp lý:
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Di chúc được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015: Di chúc được là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, có thể hiểu di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc, cũng là người sở hữu tài sản. Việc để lại tài sản đó cho người khác do người lập di chúc định đoạt, quyết định và không chịu sự chi phối, can thiệp của cá nhân, tổ chức khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc như sau:
– Người thành niên khi có đủ điều kiện theo quy định pháp luật hoàn toàn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc trong trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc có nội dung như sau:
i) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
ii) Họ, tên, nơi cư trú của người lập di chúc;
iii) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản thừa kế;
iv) Di sản để lại, nơi có di sản.
Ngoài các nội dung nêu trên, di chúc có thể có các nội dung khác.
Lưu ý:
– Khi lập di chúc không được viết tắt, viết bằng ký hiệu, trường hợp di chúc bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
– Trường hợp di chúc bị tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc có người làm chứng thì người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
2. Để lại nhiều di chúc, di chúc nào sẽ có hiệu lực pháp luật?
Một người được lập nhiều bản di chúc, bởi tại các thời điểm khác nhau, người để lại di chúc có sự thay đổi ý nguyện thì người đó có thể thực hiện lập di chúc mới. Cụ thể căn cứ theo quy định Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
– Người lập di chúc hoàn toàn có thể bổ sung, sửa đổi, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
– Đối với trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; Trường hợp một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì pháp luật hiện nay chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
– Di chúc trước bị hủy bỏ trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới.
Theo quy định nêu trên trường hợp người lập di chúc trước bị hủy bỏ. Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hiệu lực của di chúc trong đó có quy định khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Người lập nhiều bản di chúc nhưng nội dung của các di chúc đó không mâu thuẫn với nhau thì các bản di chúc đó đều có hiệu lực pháp luật. Trường hợp có tranh chấp thì Tòa án khi giải quyết sẽ chỉ căn cứ vào bản di chúc được lập sau cùng và các bản di chúc trước đó chỉ được coi là chứng cứ thể hiện thống nhất ý chí của người để lại di chúc. Như vậy, trường hợp người lập di chúc chết thì bản di chúc sau cùng sẽ là bản di chúc có hiệu lực; và là căn cứ để phân chia di sản thừa kế để những người thừa kế phân chia di sản.
Lưu ý:
– Trường hợp có nhiều bản di chúc nhưng không xác định được thời điểm lập di chúc và các bản di chúc này có nội dung không thống nhất và mâu thuẫn với nhau thì căn cứ theo quy định tại Điều 648
+ Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết. Và phải xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc.
Trường hợp không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
+ Trường hợp một phần nội dung di chúc không giải thích được tuy nhiên phần nội dung này không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần nội dung di chúc không giải thích được không có hiệu lực.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng di chúc như sau:
– Người lập di chúc không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc mà phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc;
– Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Hoặc trường hợp công chứng viên có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị đe dọa, lừa dối hoặc cưỡng ép thì công chứng viên cần đề nghị người lập di chúc làm rõ, đối với trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ dưới đây nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng:
+ Phiếu yêu cầu công chứng có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo và tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng và thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
+ Dự thảo giao dịch, hợp đồng;
+ Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: bản sao;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó: bản sao;
+ Giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có: bản sao.
– Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn bổ sung, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.
Đối với trường hợp di chúc trước đó được lập mà đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải tiến hành việc thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết về việc bổ sung, sửa đổi, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên cho thấy một người có thể lập nhiều di chúc. Có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc và di chúc cuối cùng sẽ là di chúc có hiệu lực pháp luật.
3. Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?
Như đã phân tích tại mục 2 nêu trên khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật và người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào, người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
Trường hợp người thừa kế theo di chúc yêu cầu và đang trong thời hiệu yêu cầu chia di sản và di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì cần tiến hành chia lại theo di chúc. Thời hiệu yêu cầu chia di sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, cụ thể:
+ Thời hiệu yêu cầu chia di sản: 30 năm đối với di sản là bất động sản; 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế đối với di sản là động sản. Hết thời hạn này, di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
+ Thời hiệu để bác bỏ quyền thừa kế của người khác, yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại 03 năm được tính kể từ thời điểm mở thừa kế.