Dấu hiệu định tội của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Dấu hiệu khách thể, dấu hiệu chủ thể, yếu tố lỗi,...
Mục lục bài viết
- 1 1. Dấu hiệu khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
- 2 2. Dấu hiệu mặt khách quan của tội lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt:
- 3 3. Dấu hiệu chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
- 4 4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
1. Dấu hiệu khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Khách thể của tội phạm là một trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Xác định chính xác khách thể của tội phạm không những có thể đánh giá chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà còn định hướng cho việc quyết định chính xác hình phạt đối với người phạm tội, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự khách thể của tội phạm được thể hiện là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Về khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội bởi tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là một tội được xếp vào nhóm các tội về chức vụ. Tại Điều 352 BLHS năm 2015 khi đưa ra khái niệm về tội phạm chức vụ đã quy định rõ: “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ” [Điều 352, khoản 1].
Quan điểm khác lại cho rằng khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu với lập luận tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trước đây được quy định tại Điều 156 BLHS năm 1985 trong Chương các tội xâm phạm sở hữu của công dân với tên gọi là “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân”.
Lý luận chung về luật hình sự xác định rằng: Khách thể của tội phạm có ba hình thức là khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp, nhìn nhận dưới góc độ khách thể loại thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là một tội phạm trong chương các tội phạm chức vụ nên khách thể loại của nó là “hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức”. Nếu xem xét dưới góc độ khách thể trực tiếp thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
Khi nghiên cứu, nhận diện về khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản phải xác định chính xác đối tượng tác động của tội phạm. Trong khoa học luật hình sự thì đối tượng tác động của tội phạm được hiểu là một bộ phận cấu thành khách thể mà khi phạm tội thì người phạm tội tác động đến và qua đó gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm. Khách thể trực tiếp của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu, để có thể gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu người phạm tội phải tác động đến tài sản là đối tượng của quan hệ sở hữu.
Ví dụ: Ngày 18/12/2014, Ngân hàng chính sách xã hội huyện H ký hợp đồng ủy thác số 17PN/HĐUT với Hội liên hiệp Phụ nữ xã X về việc thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã X. Ngày 05/8/2015, Nguyễn Thị Thanh H được bầu giữ chức vụ Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ xã X, tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác mà Hội Liên hiệp phụ nữ xã X ký với Ngân hàng chính sách xã hội huyện H trước đó. Theo đó, H có trách nhiệm phụ trách các tổ tiết kiệm vay vốn: tổ 1, tổ 2, tổ 3, tổ 7B có nhiệm vụ tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn và các hoạt động phối hợp cùng Ngân hàng chính sách xã hội như: nhận và
Mặc dù, H không có nhiệm vụ thu tiền trả gốc và lãi của các hộ dân vì việc thu tiền của các hộ dân là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, H đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Chủ tịch hội phụ nữ xã X, được thực hiện nhiệm vụ do Ngân hàng chính sách xã hội huyện H ủy thác và sự tin tưởng của các hộ dân, H đã nhận thu tiền để giúp các hộ dân trả các khoản vay và lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội huyện H. Sau khi nhận được tiền, H không nộp trả cho Ngân hàng như đã thỏa thuận với các hộ dân mà đã chiếm đoạt và sử dụng hết. Với cách thức và thủ đoạn như vậy, từ năm 2014 đến năm 2017, H đã lần lượt chiếm đoạt số tiền 136.600.000 đồng của 05 hộ dân.
Trong vụ án trên đây, H không có nhiệm vụ thu tiền trả gốc và lãi của các hộ dân vì việc thu tiền của các hộ dân là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, H đã lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình là Chủ tịch hội phụ nữ xã X, được thực hiện nhiệm vụ do Ngân hàng chính sách xã hội huyện H ủy thác và sự tin tưởng của các hộ dân, H đã nhận thu tiền để giúp các hộ dân để cho Ngân hàng chính sách xã hội huyện H. Sau đó, H không nộp số tiền này cho Ngân hàng mà chiếm đoạt số tiền này. Hành vi của H là vượt quá phạm vi quyền hạn được giao, là hành vi khách quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khách thể của tội phạm trong trường hợp này là quan hệ sở hữu và đối tượng tác động của tội phạm là số tiền gốc và lãi của 5 hộ dân với tổng số tiền là 136.600.000 đồng.
2. Dấu hiệu mặt khách quan của tội lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt:
Nếu như mặt chủ quan là một yếu tố không thể thiếu của tội phạm, được xác định trên cơ sở các diễn biến tâm lý của cá nhân người phạm tội và được xác định bởi các dấu hiệu về lỗi (cố ý hoặc vô ý), động cơ, mục đích phạm tội thì mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm và được xác định bởi các dấu hiệu, tình tiết bên ngoài, khách quan của tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm được xác định bởi các dấu hiệu cơ bản là hành vi khách quan của tội phạm, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm đó cùng các dấu hiệu khác về mặt khách quan như công cụ, phương tiện phạm tội, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, hoàn cảnh phạm tội và thời gian, địa điểm phạm tội [5, 109].
Trong mặt khách quan của tội phạm thì hành vi khách quan có vị trí quan trọng, các dấu hiệu khác trong mặt khách quan của tội phạm đều là các dấu hiệu có tính chất khách quan và liên quan đến hành vi khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán
Có học giả đã phân tích, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu là hành vi sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là một phương tiện để làm một việc vượt quá chức năng, quyền hạn của mình. Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có thể là:
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. Trong trường hợp này, chủ thể đã sử dụng chức vụ, quyền hạn để đe dọa người khác và người bị đe dọa vì sợ quyền uy, chức vụ mà phải để cho người đe dọa chiếm đoạt tài sản.
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. Chủ thể đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm phương tiện để thực hiện hành vi lừa dối (đưa ra thông tin không đúng sự thật), người bị lừa do tin vào chức vụ, quyền hạn của người phạm tội mà bị chiếm đoạt mất tài sản.
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở tín nhiệm. Trường hợp này, việc người khác giao tài sản cho người phạm tội là do tin vào chức vụ, quyền hạn của họ.
Theo quy định, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác cấu thành tội phạm trong các trường hợp sau:
+ Giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 02 triệu đồng trở lên. Điều 355 BLHS năm 2015 đã tăng mức định lượng giá trị tiền, tài sản bị chiếm đoạt ở tình tiết định tội từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (BLHS năm 1999) lên 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (khoản 1 Điều 355).
So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt khởi điểm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự là 2.000.000 đồng. Trong quá trình Dự thảo về BLHS có ý kiến cho rằng trong suốt thời gian áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để truy cứu TNHS đến nay, đời sống của cán bộ, nhân dân đã tăng lên đáng kể, mức lương cũng thay đổi trong điều kiện mới, việc duy trì mức khởi điểm 2.000.000 đồng là không hợp lý. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tuy mức sống của nhân dân tăng lên đáng kể do hoạt động kinh tế của một thành phần trong xã hội nhưng đời sống của cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó khăn nên cần duy trì mức khởi điểm 2.000.000 đồng.
Trên cơ sở đánh giá về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung cho thấy sự duy trì mức khởi điểm về giá trị tài sản trong nhiều năm trên đây là không hợp lý, trong thời gian tới cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong quy định của luật hình sự.
+ Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP: “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các điều 353, 354, 355 và 358 của BLHS là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Theo đó, chỉ coi là đã xử lý kỷ luật khi tính tới ngày phạm tội chưa quá 1 năm.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 500.000 đồng nhưng 06 tháng sau, A lại thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 1.500.000 đồng. Khi đó, A bị áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.
Trường hợp người có hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó lại bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu TNHS về chính hành vi này thì việc bị xử lý kỷ luật trước đó không bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, sau đó A lại bị xem xét khởi tố về chính hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn này thì không được áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” đối với A.
+ Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị kết án về một trong các tội quy định từ Điều 355 đến Điều 359 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP: “Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 các điều 353, 354 và 355 của BLHS là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 01 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của BLHS, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 BLHS.
Trường hợp ngoài tiền án nêu trên, người phạm tội còn có tiền án khác thì tiền án này được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trừ trường hợp các tiền án đều đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội trong các lần kết án trước đó.
Ví dụ: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 1.500.000 đồng, A đã có 02 tiền án, trong đó tiền án thứ nhất, A bị kết án về tội tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt là 5.000.000 đồng; tiền án thứ hai, A bị kết án về nhận hối lộ với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng. Trường hợp này, tiền án thứ hai được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội đối với lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đối với tiền án thứ nhất, do trước đó đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội nhận hối lộ (với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng) nên không được tiếp tục sử dụng để xác định tái phạm.
Trong các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm, giữa dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội và thủ đoạn phạm tội có mối quan hệ trực tiếp, thủ đoạn phạm tội được coi là cách thức người phạm tội thực hiện hành vi khách quan của một tội phạm cụ thể được quy định tại Phần các tội phạm của BLHS. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn là thủ đoạn phạm tội. Nói cách khách quan, người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản của người khác khi vượt ra khỏi phạm vi, giới hạn chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: Năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để tái cơ cấu và sau đó tiếp nhận 4.190 tỷ đồng của Chính phủ tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), Hà Văn T, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị OceanBank và cán bộ lãnh đạo ngân hàng này đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng để lãnh đạo Vinashin quyết định gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank. Mặc dù không được Thủ tướng chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc S và đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank, sau đó chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.
Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Trần Đức C đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài do cán bộ của OceanBank chi. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do Trần Đức C trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, bị cáo Nguyễn Ngọc S chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng, Trần Đức C chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng, bị cáo Trương Văn T chiếm hưởng cá nhân số tiền 3,5 tỷ đồng, Phạm Thanh S chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng.
Trong vụ án trên đây các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vượt ra khỏi phạm vi, giới hạn chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội khi dùng tiền được cấp để tái cơ cấu và hoạt động sản xuất kinh doanh gửi vào ngân hàng mặc dù không được phép với mục đích là được hưởng lãi ngoài.
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, do đó người có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm phải chiếm đoạt tài sản của người khác thì mới cấu thành tội này. Nếu không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, mà chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về một tội phạm khác được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS.
3. Dấu hiệu chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là một trong các tội phạm tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015. Để trở thành chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản người phạm tội đồng thời phải thỏa mãn 3 dấu hiệu: 1) Là người có năng lực trách nhiệm dân sự; 2) Đạt đến độ tuổi luật định; và 3) Là người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, hai dấu hiệu đầu là các dấu hiệu chung về chủ thể của tội phạm và dấu hiệu thứ ba là dấu hiệu về chủ thể đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 12 của BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123,134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Như vậy, những người trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi không thể là chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Những người tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên, xét về tuổi phải chịu TNHS thì có thể bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy những người bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thường là người đủ từ 18 tuổi trở lên vì ngoài độ tuổi họ mới thường là người có chức vụ, quyền hạn.
Điều 352 BLHS năm 2015 quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Bản chất pháp lý của người có chức vụ quyền hạn là họ được giao thực hiện một công vụ hoặc một nhiệm vụ nhất định và từ vị trí công việc, nhiệm vụ được giao họ có quyền hạn liên quan trực tiếp đến công việc của mình.
Điểm 4 khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP quy định: “Người có chức vụ” quy định tại khoản 2 Điều 352 của BLHS là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng”. Cụ thể theo khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng, người có chức vụ, quyền hạn được xác định như sau:
“2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
Trong trường hợp đồng phạm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì ngoài người thực hành cần thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn, những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức không cần thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Ví dụ: Với vai trò lãnh đạo của PVOil, trong năm 2013 – 2014, Nguyễn Xuân S và Vũ Trọng H đã quyết định việc gửi tiền của PVOil vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Thực hiện chỉ đạo của Hà Văn T (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank, Nguyễn Minh T (khi đó là Tổng Giám đốc OceanBank) đã chi tiền ngoài hợp đồng (còn gọi là tiền chi chăm sóc khách hàng) cho 2 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Vũ Trọng H đã nhận và chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Xuân S đã nhận và chiếm đoạt 1,9 tỷ đồng. Viện kiểm sát xác định, hành vi của 2 bị cáo đủ căn cứ kết luận đã phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Xuân S với tư cách là Tổng Giám đốc, có vai trò chính, quyết định trong việc gửi tiền của PVOil tại OceanBank; bị cáo Vũ Trọng H (Kế toán trưởng) đóng vai trò tham mưu, đề xuất và ký nháy vào các
4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm và được xác định bởi các dấu hiệu về lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì lỗi là dấu hiệu bắt buộc duy nhất trong mặt chủ quan của tội phạm. Các dấu hiệu khác trong mặt chủ quan như động cơ, mục đích phạm tội tuy cũng có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhưng không là dấu hiệu bắt buộc, chúng không là điều kiện để khẳng định hành vi của người phạm tội có đủ dấu hiệu cần thiết để cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không.
Lỗi trong mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là lỗi cố ý phạm tội, theo quy định tại Điều 10 BLHS năm 2015 thì: “Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; 2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” [Điều 10].
Điều 10 BLHS quy định hai hình thức lỗi cố ý: Lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm người phạm tội: a) Nhận thức rõ hành vi là nguy hiểm cho xã hội; b) Thấy trước được hậu quả của hành vi đó; c) Mong muốn cho hậu quả xảy ra.
Trong các vụ án trên đây đều cho thấy, khi thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản, lỗi của các chủ thể là lỗi cố ý trực tiếp.
Động cơ phạm tội trong trường hợp vụ án trên đây là động cơ vụ lợi, người phạm tội mong muốn thông qua hành vi phạm tội thu được những lợi ích vật chất nhất định cho mình hoặc người khác mà mình quan tâm.
Mục đích phạm tội trong mặt chủ quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản của người khác, người phạm tội thông qua hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác.