Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là hình thức mua bán đặc biệt, công khai đối với tài sản bị kê biên, định giá để thi hành án, theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là gì:
- 2 2. Ý nghĩa của đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
- 2.1 2.1. Đấu giá tài sản là một biện pháp nhằm bảo đảm thi hành án dân sự:
- 2.2 2.2. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là một biện pháp bảo đảm quyền lợi của các bên trong quan hệ thi hành án dân sự:
- 2.3 2.3. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự góp phần hoàn thiện thủ tục thi hành án dân sự:
1. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là gì:
Đấu giá tài sản là một dịch vụ ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội. Đây là một trong những phương thức minh bạch để chuyển quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động mua bán trao đổi tài sản nói riêng phát triển một cách đa dạng. Trong những năm qua, hoạt động đấu giá tài sản ở nước ta đã từng bước phát triển, hỗ trợ đắc lực cho công tác thi hành pháp luật, cụ thể như: thi hành án dân sự, xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay cho các tổ chức tín dụng, xử lý vi phạm hành chính, nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất qua hình thức đấu giá,...
Hiện nay, phương thức đấu giá tài sản được sử dụng như một phương thức mua bán thông thường, phổ biến và rộng khắp trên thế giới. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, đấu giá tài sản mở rộng hơn rất nhiều và phát triển lên một bước mới. Việc đấu giá tài sản được tổ chức bằng các hình thức công khai hoặc theo hồ sơ niêm phong, theo phương thức đấu giá lên hoặc đặt giá xuống.
Theo hình thức công khai thì tài sản chào bán tại một mức giá xác định, người bán tiếp tục nâng mức giá lên cách mức giá cũ một khoảng nhất định cho đến khi không còn người nào đưa ra mức giá cao hơn. Người đã trả mức giá cao nhất cuối cùng chính là người thắng cuộc. Đây là hình thức vẫn thường được áp dụng nhiều nhất để giao dịch hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt với các tài sản là cổ vật, các bộ sưu tập tem, tiền, xe cổ, tác phẩm nghệ thuật,...
Theo hình thức niêm phong thì người tham gia cùng nộp giá một lúc mà không được biết giá của người khác cũng như giữ kín giá mà mình đã trả cho hàng hóa, sản phẩm muốn mua. Thông thường người trả giá cao nhất sẽ là người thắng cuộc, mua được tài sản.
Ngoài ra, cũng với sự phát triển của thương mại điện tử, hiện nay còn xuất hiện phương thức đấu giá ngược. Đây là một loại hình đấu giá đặc biệt theo đó người trả giá thấp nhất và duy nhất sau khi kết thúc mỗi phiên đấu sẽ trở thành người được mua tài sản đấu giá. Ở phương thức này nếu bên bán đưa ra giá khởi điểm thì giá khởi điểm là mức giá lớn nhất (ngược với phương thức trả giá lên – phương thức đấu giá xuôi).
Cùng với sự phát triển của xã hội, có thể nói rằng đến nay đấu giá phát triển với tư cách là một phương thức mua bán tài sản thông thường, phổ biến và không thể thiếu trong thương mại, kinh doanh của thế giới. Khái niệm đấu giá đưa ra dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo tác giả P. Cramton, Y. Shoham and R. Steinberg trong tác phẩm Introduction to Combinatorial Auctions thì: “Đấu giá là phương pháp xác định giá trị của một hàng hóa có mức giá không thể xác định hoặc biến đổi quá nhiều. Thông qua đấu giá, người mua người bán có thể mua và bán được hàng hoá gần đúng với giá trị của hàng hoá đó”
Ở Việt Nam, Theo Đại Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Đấu giá là hình thức bán những tài sản hoặc tài sản thường thuộc loại đắt tiền, hàng quý hiếm. Người bán đặt mức giá chuẩn, những người mua trả giá từ thấp đến cao, tài sản được bán cho người mua trả cao nhất”. Bên cạnh đó, trong Luật đấu giá tài sản năm 2016 khái niệm về đấu giá tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 5 như sau: “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này.”
Ngoài ra, ở Việt Nam còn khái niệm đấu giá tài sản. Trong Từ điển Luật học: “Đấu giá tài sản là hình thức bán công khai một tài sản, một khối tài sản; theo đó có nhiều người muốn mua tham gia trả giá, người trả giá cao nhất nhưng không thấp hơn giá khởi điểm là người mua được tài sản”.
Có thể thấy khái niệm đấu giá tài sản và đấu giá tài sản dưới góc độ là quan hệ mua bán thì nội dung của hai khái niệm này không có gì khác nhau về bản chất. Chính vì vậy, ở Việt Nam trong thời gian qua các nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm đấu giá, khái niệm đấu giá tài sản dưới góc độ là quan hệ mua bán và sử dụng hai khái niệm này có nội dung như nhau. Khi so sánh hai khái niệm đấu giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ–CP và khái niệm đấu giá tài sản tại Luật đấu giá tài sản 2016 đều xác định đây là hình thức bán tài sản công khai, có hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình thủ tục tục luật định. Chỉ có một điểm mới là nếu Nghị định số 17/2010/NĐ–CP chỉ thừa nhận phương thức trả giá lên còn Luật đấu giá tài sản 2016 ngoài phương thức thức trả giá lên còn quy định thêm phương thức đặt giá xuống. Dù có bán tài sản thông qua đấu giá theo phương thức trả giá lên hay phương thức đặt giá xuống thì tài sản vẫn sẽ được bán cho người trả giá cao nhất [7]. Do đó, sử dụng khái niệm đấu giá tài sản thì hợp lý hơn và tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới. Do đó, trong luận văn tác giả sẽ sử dụng thuật ngữ đấu giá tài sản.
Như vậy, cả trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đang tồn tại khá nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về đấu giá tài sản. Mặc dù còn có sự khác biệt giữa Việt Nam so với thế giới về hình thức, phương thức đấu giá nhưng nhìn chung đều cho thấy đấu giá tài sản là hình thức mua bán đặc biệt, bản chất là một phương thức mua bán công khai tài sản, có nhiều người tham gia trả giá, được tổ chức theo những nguyên tắc và trình tự, thủ tục nhất định.
Theo đó, người mua tự trả giá dựa trên giá khởi điểm do bên bán đưa ra. Người nào trả giá đáp ứng điều kiện quy định trước của phiên đấu giá sẽ được quyền mua tài sản đấu giá.
Trong hoạt động thi hành án dân sự, khi người phải thi hành án và người được thi hành án không thỏa thuận được về việc nhận tài sản kê biên để thi hành án thì Chấp hành viên căn cứ vào quy định của pháp luật về loại tài sản, giá trị tài sản để xác định có thực hiện phương thức đấu giá hay không. Căn cứ trên kết quả định giá tài sản mà Chấp hành viên ký Hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản hoặc tự đứng ra tổ chức đấu giá tài sản nhằm bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Để có thể đấu giá một tài sản thì cần thiết phải có tài sản để mang bán hay về danh nghĩa phải nắm giữ được tài sản đó. Do đó, chấp hành viên chỉ có thể đấu giá tài sản đã bị kê biên, định giá theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Hay nói cách khác, quá trình đấu giá tài sản thi hành án được bắt đầu khi chấp hành viên đưa tài sản bị kê biên, định giá ra tiến hành đấu giá và kết thúc khi tài sản đem đấu giá được bàn giao xong xuôi cho người thắng cuộc trong phiên đấu giá. Như vậy, quá trình đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự gồm xác định tài sản bị kê biên, định giá để đưa ra đấu giá, tiến hành đấu giá tài sản và giao tài sản đấu giá cho người mua được đấu giá.
Việc đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự về bản chất vẫn là một phương thức bán tài sản đặc biệt, được tổ chức công khai tại một nơi nhất định, theo trình tự, thủ tục đấu giá pháp luật quy định. Trong quan hệ giữa người mua và người bán tài sản thì chỉ có một người bán nhưng lại có rất nhiều người mua. Tất cả người mua đều muốn mua tài sản nên sẽ cạnh tranh với nhau, tăng giá của tài sản lên và đẩy giá tài sản lên đến mức cao nhất có thể và người sở hữu tài sản có thể thu được số tiền cao nhất cho tài sản mà mình phải bán. Tuy nhiên, đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự khác với đấu giá tài sản thông thường ở thủ tục trước và sau khi tổ chức đấu giá. Trước khi tổ chức đấu giá, sự khác biệt thể hiện ở thủ tục chuyển giao tài sản đấu giá được thực hiện giữa tổ chức thực hiện đấu giá với cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thủ tục định giá tài sản, ký hết Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản,... Sau khi kết thúc việc đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thủ tục bàn giao, thanh toán chi phí đấu giá, phối hợp làm thủ tục trong chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua được tài sản đấu giá.
Như vậy, đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là hình thức mua bán đặc biệt, công khai đối với tài sản bị kê biên, định giá để thi hành án, theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, người mua trả giá dựa trên khởi điểm do cơ quan thi hành án xác định, người nào trả giá cao nhất sẽ được quyền mua tài sản đấu giá.
2. Ý nghĩa của đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
2.1. Đấu giá tài sản là một biện pháp nhằm bảo đảm thi hành án dân sự:
Trong hoạt động thi hành án dân sự, việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện bằng nhiều hình thức, như thoả thuận nhận tài sản để thi hành án, chuyển giao tài sản cho cơ quan tài chính để sung công, tiêu huỷ tài sản không còn giá trị sử dụng, bán tài sản không qua thủ tục đấu giá tài sản để thi hành án. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là một hình thức xử lý tài sản để thi hành án, thường được thực hiện nhằm bảo đảm cho việc thi hành nghĩa vụ trả tiền trong thi hành án dân sự. Thông thường, đấu giá tài sản là một công đoạn trong quá trình thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự và được gọi là đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án.
Việc cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ thực hiện được và chỉ có ý nghĩa khi tài sản kê biên, cưỡng chế được đấu giá thành công, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự thu được khoản tiền để đảm bảo thực hiện bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành.
2.2. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là một biện pháp bảo đảm quyền lợi của các bên trong quan hệ thi hành án dân sự:
Đấu giá trong thi hành án dân sự trước hết là một hình thức dịch vụ thông thường. Thông qua Hợp đồng đấu giá tài sản ký với chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức thực hiện đấu giá thu được khoản phí từ dịch vụ đấu giá do họ cung cấp.
Với tính chất công khai, minh bạch của mình, đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là một cuộc cạnh tranh về giá giữa những người có nhu cầu tham gia đấu giá. Họ được tự do tham gia đấu giá, được có cơ hội tiếp cận với tài sản như nhau và trả giá dựa theo giá trị mà họ tự định đoạt mà không bị giới hạn ở các điều kiện “thích thì bán, không thích thì thôi” như trong mua bán hàng hóa, tài sản thông thường. Một trong những nguyên tắc của đấu giá trong thi hành án dân sự là tự do giá cả. Người mua, có cơ hội lựa chọn giá phù hợp với nhu cầu của mình để trả (tất nhiên là vẫn phải tuân theo nguyên tắc bước giá do tổ chức đấu giá đặt ra). Họ sẽ mua được tài sản khi trả giá cao nhất nhưng ít nhất họ đã có quyền lựa chọn giá mua tài sản, điều này hoàn toàn khác với mua bán thông thường là mức giá định sẵn.
Với tính công khai, đại chúng nên tất yếu cuộc đấu giá sẽ có nhiều người tham gia, tài sản bán được dễ dàng hơn và giá trị tài sản thu được là cao nhất. Do vậy, đảm bảo thực hiện được bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực. Cơ quan thi hành án dân sự làm tròn chức năng, nhiệm vụ thi hành án theo quy định của pháp luật và gián tiếp là quyền lợi của người được thi hành án được bảo đảm.
Mặt khác, đấu giá trong thi hành án dân sự góp phần bảo vệ quyền lợi của chính người có tài sản mang đấu giá (người phải thi hành án). Nếu không có biện pháp chào bán tài sản công khai và người bán có quyền lựa chọn người mua thì tài sản có thể bị bán thấp hơn rất nhiều so với giá có thể bán thông qua biện pháp đấu giá, do đó sẽ gây thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản.
2.3. Đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự góp phần hoàn thiện thủ tục thi hành án dân sự:
Trước khi đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự ra đời, việc bán tài sản trong thi hành án dân sự được thực hiện theo cách thức bán tài sản thông thường, có thể do Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự tiến hành. Như vậy, rất có thể sẽ dẫn đến trường hợp lạm quyền, cố ý làm sai, không bảo đảm quyền lợi cho người phải thi hành án nếu như Chấp hành viên không vô tư, khách quan khi thi hành công vụ. Với mục tiêu nhanh chóng bán được tài sản, Chấp hành viên chỉ cần có người mua tài sản là sẽ bán, không có cuộc cạnh tranh về giá giữa những người mua nên không thể xác định được giá cả cao nhất có thể đạt được của loại hàng hóa, tài sản cần bán.
Mặt khác, với việc tự kê biên tài sản, tự bán tài sản bị kê biên đó sẽ dẫn đến việc tập trung quyền lực rất lớn ở cá nhân khi thi hành công vụ. Điều đó còn dẫn đến sự lộng quyền, dễ dàng tha hóa, biến chất thi hành công vụ nếu cá nhân đó không có lập trường tư tưởng, không có đạo đức công vụ tốt. Lợi dụng việc bán tài sản kê biên, Chấp hành viên có thể đưa “tay trong” hoặc người nhà vào mua bán tài sản, thông đồng, dìm giá, gây thiệt hại cho chính người phải thi hành án và ngay cả người được thi hành án cũng gián tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi.
Với tính chất ưu việt của mình, đấu giá tài sản góp phần bảo đảm tính độc lập, khách quan của Chấp hành viên khi tham gia thực hiện công vụ. Đây là một biện pháp không tách rời nghiệp vụ thi hành án dân sự, nằm trong tổng thể các hoạt động cưỡng chế, kê biên thi hành án, đấu giá tài sản thi hành án dân sự góp phần hoàn thiện thủ tục thi hành án dân sự.