Hiện nay, nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của toàn thể cộng đồng tăng cao. Để đạt được mục tiêu trên thì vấn đề tạo lập và quản lí đất là một bài toán nan giải. Bài viết dưới đây xin đi sâu lí giải về đất dự trữ phát triển và các kí hiệu của loại đất này theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm đất dự trữ phát triển:
Quỹ đất là toàn bộ diện tích đất tự nhiên của quốc gia được Nhà nước phân bổ và sử dụng vào các mục đích khác nhau để đáp ứng nhu cầu về các mặt của xã hội trong từng giai đoạn phát triển nhất định. Quỹ đất của một quốc gia là một nguồn lực tự nhiên cần phải được bảo vệ và sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả, đặc biệt là đất đai tốt, có giá trị làm tăng thêm của cải cho xã hội. Quỹ đất thường được xác định theo lãnh thổ (theo địa giới hành chính cả nước, tỉnh, huyện và xã); theo người sử dụng đất (bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất); theo loại đất (bao gồm mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng). Nhìn chung thì quỹ đất có thể được phân chia theo mục đích sử dụng và hình thành nên cơ cấu quỹ đất. Sự thay đổi cơ cấu quỹ đất trong tổng thể quỹ đất tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng, nói lên những xu thế phát triển của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cũng thể hiện trình độ phát triển khoa học kĩ thuật và việc ứng dụng khoa học – kĩ thuật vào nền sản xuất xã hội của quốc gia.
Từ đó, có thể hiểu, đất dự trữ phát triển bao gồm đất được xác định sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; đất được nhận chuyển nhượng, thu hồi từ cá tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu khi Nhà nước sử dụng thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia, địa phương; dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới; xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kĩ thuật; các công trình sự nghiệp công… do Nhà nước hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân tiến hành nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hay mọi mặt của đất nước.
2. Kí hiệu của đất dự trữ phát triển:
Dưới đây là bảng ký hiệu mục đích sử dụng đất theo thông tư
Nhóm đất nông nghiệp:
TT | Loại đất | Kí hiệu |
1 | Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
2 | Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
3 | Đất lúa nương | LUN |
4 | Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
5 | Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
6 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
7 | Đất rừng sản xuất | RSX |
8 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
9 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
10 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
11 | Đất làm muối | LMU |
12 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
Nhóm đất phi nông nghiệp:
TT | Loại đất | Kí hiệu |
1 | Đất ở tại nông thôn | ONT |
2 | Đất ở tại đô thị | ODT |
3 | Đất xây dựng trụ sở cơ quan | TSC |
4 | Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp | DTS |
5 | Đất xây dựng cơ sở văn hóa | DVH |
6 | Đất xây dựng cơ sở y tế | DYT |
7 | Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo | DGD |
8 | Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao | DTT |
9 | Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ | DKH |
10 | Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội | DXH |
11 | Đất xây dựng cơ sở ngoại giao | DNG |
12 | Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác | DSK |
13 | Đất quốc phòng | CQP |
14 | Đất an ninh | CAN |
15 | Đất khu công nghiệp | SKK |
Nhóm đất chưa sử dụng:
TT | Loại đất | Kí hiệu |
1 | Đất bằng chưa sử dụng | BCS |
2 | Đất đồi núi chưa sử dụng | DCS |
3 | Núi đá không có rừng cây | NCS |
4 | Đất khu công nghiệp | SKK |
3. Quản lí đất dự trữ phát triển:
Quản lí đất dự trữ phát triển được hiểu là hoạt động quản lí đất dự trữ đã tạo lập được trong một thời gian thích hợp, để đáp ứng khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng cho các dự án, công trình phát triển kinh tế – xã hội hoặc khi có điều kiện thị trường phù hợp thì cung ứng ra thị trường thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu các công trình gắn liền với quyền sử dụng đất với quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo giá trị và giá trị gia tăng của đất đai. Các hoạt động quản lí và phát triển quỹ đất phải tuân thủ pháp luật và quy trình có liên quan đến sử dụng đất.
Ở nước ta hiện nay, hoạt động quản lí quỹ đất được giao cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức phát triển quỹ đất ở cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó tổ chức phát triển quỹ đất được quy định là cơ quan có vai trò quan trọng trong thực hiện quản lí quỹ đất phục vụ nhu cầu phát triển. Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04 tháng 04 năm 2015 của bộ Tài nguyên và môi trường – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường quy định như sau: Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lí, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.
4. Vai trò của đất dự trữ phát triển:
Từ khái niệm đất dự trữ phát triển là gì có thể hiểu, việc quy hoạch đất này nhằm hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, đảm bảo việc sử dụng đất được hiệu quả. Đất dự trữ phát triển hay đất thuộc diện quy hoạch là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí đền bù hợp lý cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất. Mỗi địa phương hiện nay đều có kế hoạch và những quy định riêng về việc sử dụng đất dựa trên quỹ đất và tình hình thực tế địa phương. Kế hoạch này có thể sẽ thay đổi theo từng thời kỳ để đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của địa phương.
5. Quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quản lý đất dự trữ phát triển:
5.1. Về thẩm quyền thu hồi đất:
Điều 66
Điều 62 Luật đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất (Khoản 1); Các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất (quy định chi tiết tại các điểm a, b, c Khoản 2); Các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất (quy định chi tiết tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản 3); Khoản 1, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể 9 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có 3 trường hợp cần lưu ý là có vi phạm pháp luật về đất đai, nhưng phải trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm hoặc không chấp hành thì Nhà nước mới thu hồi đất.
5.2. Phương án bồi thường, hỗ trợ:
Lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi và phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.
Về quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Ủy ban nhân dân cấp có cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày với Quyết định thu hồi đất.
Nguyên tắc bồi thường về đất: Quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 74 Luật đất đai năm 2013, trong đó điểm cần chú ý là việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành;
– Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về bản đồ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.