Luật sư tư vấn pháp luật đất đai nhanh chóng hiệu quả. Tư vấn mọi thắc mắc của khách hàng liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tư vấn pháp luật đất đai qua tổng đài 19001950.
Đất có đường dây tải điện đi qua được bồi thường như thế nào? Quy định sử dụng đất cho các công trình điện lực.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin kính chào luật sư! Hiện tại gia đình tôi gồm có 4 thành viên: cha, mẹ, tôi và em gái; đang sinh sống trên mảnh vườn thuộc khu dân cư nông thôn. Mảnh vườn gia đình tôi được ông nội tôi mua từ thời Pháp (năm 1947) và truyền lại cho con út là cha tôi có sổ đỏ là đất ở nông thôn toàn bộ diện tích đất. Sau này, vì thiếu đất trồng lúa, nên năm 2002 cha tôi đã bỏ tiền cho xe múc phần trước mảnh vườn để trồng lúa, và nâng phần sau mảnh vườn để xây nhà và trồng rau, hoa màu. Sau này xã nói thu hồi sổ đỏ cũ để đổi sổ đỏ mới (năm 2014), sau khi nhận sổ mới thì nội dung có khác với sổ cũ: đất ở chỉ còn lại 200m2, còn lại là đất trồng cây hằng năm. Vừa qua, có hai công trình lưới điện quốc gia là 220KV và 110KV đi qua vườn nhà, và có chân trụ nằm trong vườn nhà. Qua đo đạc, xã có mời gia đình tôi lên để nhận tiền đền bù. Giá đền bù thì thấp và xã lại quy phần đất mà gia đình tôi trồng lúa là đất BHK. Gia đình tôi không chấp nhận vì đất của gia đình tôi là đất mà ông nội tôi đã để lại, được nhà nước công nhận là đất ở từ đời ông nội tôi, hơn nữa mức giá bồi thường quá thấp, gia đình tôi đã có yêu cầu các bên đại diện công trình 220KV, 110KV cùng chính quyền có mặt đầy đủ để thỏa thuận lại. Và có yêu cầu cả 2 bên công trình xác nhận vị trí phần đất mà gia đình tôi bị mất, cũng như phần đất còn lại trên bản đồ và trên thực tế. Yêu cầu xác nhận rằng gia đình tôi có bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi sinh sống dưới hai mạng điện không. Nhưng chính quyền và đại diện các công trình trên không những không đáp ứng yêu cầu của gia đình tôi. Mà đại diện cơ quan cấp huyện thì nói với gia đình tôi : ” Công trình điện 220KV là công trình của nhà nước, và đền bù như vậy, Còn công trình điện 110KV là của bên thứ 3, bảo gia đình tôi đuổi ra khỏi vườn” ” Nếu gia đình tôi không chấp nhận, sẽ thực hiện biện pháp cứng là cưỡng chế”. Còn nói với cơ quan cấp xã bảo: “Sử dụng biện pháp mềm dẻo với gia đình tôi”. Tôi nói thiệt gia đình tôi là dân, không biết rõ: ” biện pháp cứng “, ” biện pháp mềm” là gì? Cũng không chống đối chính quyền. Chỉ biết rằng yêu cầu mà gia đình tôi đưa ra để đòi quyền lợi về mình không những không được đáp ứng, còn bị phía chính quyền bắt buộc gia đình tôi phải nghe theo có đúng không? Gia đình tôi có yêu cầu cấp lại đất ở mới mà không nhận bồi thường có đúng không? Giá đền bù của nhà nước đưa ra bao nhiêu là đúng, thể hiện bằng văn bản, giấy tờ như thế nào? ( Vì giá đền bù của hai công trình là khác nhau, trên cùng một thửa, cùng mục đích sử dụng). Nếu bên công trình và chính quyền làm sai thì tôi phải làm như thế nào? Hướng giải quyết như thế nào? Xin chân thành cảm ơn! ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 57 Luật Đất Đai 2013 có quy định như sau:
“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.”
Vậy trong trường hợp này của bạn là gia đình bạn phải làm thủ tục chuyển đổi đất ở sang theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 12 Luật điện lực 2004 quy định như sau:
Điều 12. Sử dụng đất cho các công trình điện lực
1. Căn cứ quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng các công trình điện lực.
2. Chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình điện lực phải xác định rõ diện tích đất cần sử dụng và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
3. Sau khi dự án đầu tư điện lực đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án điện lực lập và thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư; bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản; bảo vệ diện tích đất dành cho dự án và hành lang an toàn của công trình điện lực.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không như sau:
“1. Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 220 kV thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một lần như sau:
a) Đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là loại đất ở được quy định tại các văn bản pháp luật về đất đai;
b) Diện tích đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;
c) Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang;
d) Trường hợp đất ở không đủ điều kiện như quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
2. Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc hỗ trợ được thực hiện một lần, không lớn hơn 30% mức bồi thường thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
3. Mức bồi thường, hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Kinh phí chi trả từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp.”
Như vậy, theo quy định trên đất của nhà bạn nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, nếu không bị thu hồi đất thì sẽ được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất; các loại đất khác như đất trồng cây hàng năm,… cũng được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Nếu bạn thắc mắc về chi phí bồi thường hỗ trợ khi cơ quan có thẩm quyền bồi thường bạn có thể làm đơn khiếu nại để xác định căn cứ bồi thường theo quy định tại Điều 19 Nghị định 14/2014/NĐ-CP.