Đánh lại người khác do bị dọa đánh thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Xác định một hành vi được coi là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng?
Đánh lại người khác do bị dọa đánh thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Xác định một hành vi được coi là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi chạy xe ôm vào ngày 31 tháng 08 năm 2016 lúc 21 giờ tôi thấy một người thanh niên cầm cây kéo rượt theo 1 người thanh niên để cố tình đâm người đó. Tôi thấy vậy moi gọi cho 113 nhờ đến sử lý.thi người vợ của người bị rượt moi kêu tôi chở đến công an phường trình báo,dang lúc tôi chạy xe đến thì người cầm kéo quay lại chay vào đánh tôi. Lúc đó tôi đã đánh trả. Một lúc công an phường đến giải quyết đã yêu cầu tôi về phường rồi kêu tôi làm bản tường trình sự việc, giữ lại chứng minh thư nhân dân của tôi rồi lập biên bản tôi. Nói rằng tôi vi phạm hành chính, kêu tôi lên đồng phạt 750 ngàn . Tôi thấy vô lý quá,xin luật sư cho toi biết là có vi phạm hay không ?. Tôi cảm ơn rất nhiều ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề:
Cơ sở của việc xử phạt vi phạm hành chính là có hành vi vi phạm hành chính được pháp luật quy định. Xác định được đúng hành vi vi phạm hành chính, tức là xác định đúng cơ sở xử phạt, thì việc thực hiện xử phạt hành chính mới bảo đảm chính xác, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, phát huy được hiệu quả và mục đích của việc xử phạt hành chính là nhằm lập lại trật tự quản lý nhà nước bị xâm hại, góp phần giáo dục, người vi phạm và răn đe, phòng ngừa vi phạm trong tương lai, tránh được sự tuỳ tiện trong xử phạt hành chính.
Cụ thể theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 tại khoản, Điều 2 đã có quy định:
“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Khi xác định một hành vi là hành vi vi phạm hành chính thì hành vi đó phải là một hành vi có lỗi, tức là người vi phạm nhận thức được vi phạm của mình. Có hai hình thức lỗi. Hình thức lỗi cố ý, nếu người vi phạm nhận thức được tính chất trái pháp luật trong hành vi của mình, thấy trước hậu quả của vi phạm và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc ý thức được hậu quả và để mặc cho hậu quả xảy ra. Hình thức lỗi là vô ý trong trường hợp người vi phạm thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng chủ quan cho rằng mình có thể ngăn chặn được hậu quả hoặc không thấy trước hậu quả sẽ xảy ra dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả của vi phạm. Đây có thể coi là dấu hiệu “tinh thần” của vi phạm.
Trong những quy định của pháp luật Việt Nam thì đã có những quy định về trường hợp loại trừ lỗi. Một trong số đó đó là phòng vệ chính đáng. Theo khoản 12, Điều 2, Luật xử lý vi phạm hành chính thì hành vi:
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên”.
Mà Theo quy định tại Điều 11 của Luật xử lí vi phạm hành chính đã quy định những trường hợp sẽ không bị xử lý hành chính thì hành vi phòng chính đáng là một trong số đó. Cụ thể như sau:
“Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này”.
>>> Luật sư tư vấn truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi đánh người: 1900.6568
Trước hết, để xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần dựa vào các yếu tố dưới đây:
– Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
– Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.
– Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Ta xác định trong trường hợp của bạn, người tấn công bạn đang có hành vi vi phạm pháp luật với người khác rồi quay lại tấn công bạn. Hành vi của người này có xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bạn nên bạn đáp trả. Đây là một hành vi phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên xem xét ở đây điều quan trọng nhất đó là mức độ của hành vi chống trả mà bạn thực hiện có tương xứng với hành vi tấn công của người kia không. Đây được coi là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Khi vượt quá mức cần thiết sẽ xác định bạn có lỗi trong trường hợp này khi có lỗi sẽ bị xử lý hành chính với tình tiết giảm nhẹ theo khoản 3, Điều 9, Luật xử lý vi phạm hành chính.
Do bạn không đưa cụ thể những chi tiết của vụ việc do đó trong trường hợp của bạn, chúng tôi chưa thể khẳng định được hành vi của bạn là "phòng vệ chính đáng" hay là "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng". Việc xác định này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, cũng với việc thu thập các chứng cứ chứng minh của cơ quan có thẩm quyền. Bạn có thể căn cứ vào đó xác định xem việc xử phạt hành chính đối với bạn như vậy là đúng hay sai. Ta có thể chia thành hai trường hợp.
+ Trường hợp 1 : Hành vi của bạn đã vượt quá mức phòng vệ chính đáng tức bạn có lỗi thì việc xử phạt hành chính đối với bạn là phù hợp và bạn phải thực hiện nghĩa vụ đóng tiền phạt theo đúng quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Trường hợp 2: Khi hành vi của bạn chỉ dừng lại ở mức phòng vệ, tức hành vi đáp trả của bạn tương xứng với mức độ tấn công của bên tấn công thì quyết định xử phạt là không đúng, bạn không bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật xử lí vi phạm hành chính.