Hiệp ước PCT là Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế năm 1970, được sửa đổi vào năm 1984 và năm 2001. Vậy đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam:
Hiệp ước PCT được giải thích tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp đó là Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế năm 1970, được sửa đổi vào năm 1984 và năm 2001. Điều 19 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định về Đơn PCT như sau:
– Đơn PCT bao gồm có Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam và Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia. Trong đó, Đơn PCT chính là đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT.
– Đối với Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam, người nộp đơn sẽ có thể nộp đơn thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc là trực tiếp cho Văn phòng quốc tế. Đơn nộp trực tiếp đến cho Văn phòng quốc tế phải được làm bằng ngôn ngữ theo các quy định ở tại Hiệp ước PCT và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và những nội dung quy định tại Hiệp ước PCT. Đơn được nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Anh, mỗi đơn sẽ được làm thành 01 bản và phải đáp ứng được các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT và người nộp đơn sẽ phải nộp phí kiểm tra sơ bộ hình thức, các khoản phí, các khoản lệ phí theo quy định của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT và pháp luật về phí, lệ phí của những nước thành viên được chỉ định trong Đơn PCT.
– Đối với Đơn PCT có chỉ định hoặc chọn Việt Nam, để được vào giai đoạn quốc gia thì người nộp đơn sẽ phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn là 31 tháng kể từ ngày ưu tiên (nếu như đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc là kể từ ngày nộp đơn quốc tế các tài liệu mà pháp luật quy định. Trong đó:
+ Đơn PCT có chỉ định hoặc chọn Việt Nam chính là Đơn PCT được nộp tại bất kỳ thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả là Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước được chỉ định hoặc lựa chọn.
+ Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia chính là Đơn PCT có chỉ định hoặc là có chọn Việt Nam được nộp vào cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Như vậy, qua quy định trên thì đối với đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam để được vào giai đoạn quốc gia thì người nộp đơn phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong thời hạn là 31 tháng kể từ ngày ưu tiên (nếu như đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế.
2. Hồ sơ đối với đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam:
Căn cứ Điều 19 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì hồ sơ đối với đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam bao gồm những loại giấy tờ sau
– Tờ khai đăng ký sáng chế (tờ khai này được làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I của Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp);
– Bản sao của đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế);
– Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc là bản gốc nộp ban đầu nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích của phần sửa đổi, nếu như đơn quốc tế có sửa đổi của Hiệp ước PCT)
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp đã nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc là nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);
– Văn bản ủy quyền (trong trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).
3. Xử lý đơn đối với đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam:
Đơn đối với đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam vào giai đoạn quốc gia được xử lý như sau:
– Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trong Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia được xử lý phù hợp với Hiệp ước PCT và phù hợp với Quy chế thi hành Hiệp ước PCT. Để được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải:
+ Khẳng định lại yêu cầu hưởng quyền ưu tiên ở trong tờ khai;
+ Nộp phí thẩm định yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên;
+ Nộp bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đã nộp cho Văn phòng quốc tế theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và những tài liệu cần thiết theo Quy tắc 17.1(a) của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT.
– Người nộp đơn có thể sửa đổi, bổ sung tài liệu trong đơn. Việc sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn phải phù hợp với quy định sau đây:
+ Điều 28 và 41 của Hiệp ước PCT, các Quy tắc 52.1(b) và 78.1(b) của Quy chế thi hành Hiệp ước PCT và những quy định sau:
++ Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc là quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có các quyền sau đây:
Được sửa đổi, bổ sung đơn;
Thực hiện tách đơn;
Yêu cầu ghi nhận các thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn;
Yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc là theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
Chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế mà có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và ngược lại.
++ Người yêu cầu thực hiện các thủ tục vừa nếu ở trên sẽ phải thực hiện nộp phí và lệ phí.
++ Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không được mở rộng các phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc là nêu trong đơn và không được làm thay đổi về bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.
++ Trong trường hợp tách đơn thì ngày nộp đơn của đơn được tách được xác định chính là ngày nộp đơn của đơn ban đầu.
+ Văn bản ủy quyền, văn bản chuyển nhượng quyền nộp đơn trong giai đoạn quốc tế (nếu như có) phải được nộp trong thời hạn là 34 tháng kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế;
+ Các tài liệu sửa đổi, bổ sung do chính người nộp đơn nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ phải được làm bằng tiếng Việt.
– Thời điểm bắt đầu xử lý Đơn PCT ở giai đoạn quốc gia chính là ngày đầu tiên của tháng thứ ba mươi hai kể từ ngày ưu tiên (nếu như đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên) hoặc là kể từ ngày nộp đơn quốc tế. Nếu người nộp đơn mà có văn bản yêu cầu xử lý sớm Đơn PCT ở giai đoạn quốc gia, Đơn PCT sẽ được xử lý vào trước thời hạn quy định tại khoản này phù hợp với quy định tại Điều 23.2 của Hiệp ước PCT.
– Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo đúng các thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế nộp theo thể thức quốc gia và sẽ được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.