Nhập khẩu cho con là một thủ tục hành chính được các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề đăng ký nhập hộ khẩu cho con khác với nơi đăng ký khai sinh?
Mục lục bài viết
1. Đăng ký nhập hộ khẩu cho con khác nơi đăng ký khai sinh:
1.1. Có được đăng ký nhập hộ khẩu cho con khác nơi đăng ký khai sinh hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Luật Cư trú năm 2020, thì có ghi nhận về nơi cư trú của người chưa thành niên, cụ thể đó là: nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định là nơi cư trú của cha mẹ, nếu như cha mẹ của họ có nơi cư trú khác nhau thì khi đó nơi cư trú của người chưa thành niên theo quy định của pháp luật sẽ được xác định nơi cư trú của cha hoặc nơi cư trú của mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Ngoài ra thì có thể thấy, người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha và nơi cư trú của mẹ nếu như cha và mẹ của họ đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy thì có thể thấy, có những trường hợp, con sinh ra và được đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người cha, nhưng nay muốn nhập khẩu về nơi cư trú của mẹ (khác với nơi mà người con đã đăng ký khai sinh) thì vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp khi người cha và người mẹ của họ có nơi đăng ký thường trú khác nhau thì con vẫn có thể được xác định theo nơi cư trú của cha hoặc nơi cư trú của mẹ theo như đã phân tích ở trên.
Như vậy thì đối với câu hỏi: Có được đăng ký nhập khẩu cho con khác nơi đăng ký khai sinh hay không? Thì câu trả lời là có. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con ở nơi đăng ký thường trú của vợ hoặc nơi đăng ký thường trú của chồng, và vì nhiều lý do khác nhau mà bây giờ người bố hoặc người mẹ muốn đăng ký nhập khẩu nơi mà bố hoặc mẹ đăng ký thường trú (khác với nơi mà người con đó đăng ký khai sinh) thì chỉ cần chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật (ví dụ như bao gồm phiếu báo thay đổi nhân khẩu, bản sao giấy khai sinh của đứa bé có dấu đỏ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân xã …), mà không cần có xác nhận của công an nơi đã đăng ký khai sinh. Công an nơi đăng ký khẩu nếu như có yêu cầu cần phải có giấy xác nhận của công an nơi mà đứa bé đã đăng ký khai sinh thì không đúng với quy định của pháp luật, nếu như các chủ thể không cung cấp được các loại giấy tờ này thì cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế nếu như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối hoạt động đăng ký nhập khẩu cho con khác nơi đăng ký khai sinh thì chúng ta cần yêu cầu họ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối, để đưa đó có căn cứ tiến hành hoạt động khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.
1.2. Thủ tục đăng ký nhập hộ khẩu cho con khác nơi đăng ký khai sinh:
Có thể thấy hiện nay các bậc phụ huynh xuất phát từ nhiều lý do khác, có thể là do chủ quan hoặc khách quan, mà họ có nhu cầu đăng ký nhập hộ khẩu cho con khác nơi trước đó đứa bé đã đăng ký khai sinh. Nhìn chung thì thực hiện thủ tục này về cơ bản sẽ trải qua các bước như sau:
Bước 1: Người đi đăng ký nhập khẩu cho trẻ chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Bản sao giấy khai sinh của trẻ và 1 bản photo;
– Giấy chứng nhận kết hôn của bố mẹ trẻ hoặc quyết định ly hôn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Người đăng ký thường trú trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Công an xã, phường, thị trấn. Ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ nộp tại Công an cấp huyện. Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký khi tiếp nhận hồ sơ. Đối với trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Nhìn chung thì người đăng ký cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Bước 2: Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra thông tin ghi trong mẫu khai thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, đối chiếu các giấy tờ, lấy bản sao giấy khai sinh (có dấu đỏ), giấy chứng nhận kết hôn, quyết định ly hôn. Sau đó, cán bộ đưa giấy hẹn, trong đó ghi rõ thời gian sẽ nhận kết quả. Thời gian làm thủ tục và lấy giấy tờ là từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày, được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải nhập khẩu theo yêu cầu của người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Khai sinh cho con nhưng chưa nhập khẩu có bị xử phạt hay không?
Có thể nói, căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Luật Cư trú năm 2020, thì có ghi nhận về nơi cư trú của người chưa thành niên, cụ thể đó là: Nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định là nơi cư trú của cha mẹ, nếu như cha mẹ của họ có nơi cư trú khác nhau thì khi đó nơi cư trú của người chưa thành niên theo quy định của pháp luật sẽ được xác định nơi cư trú của cha hoặc nơi cư trú của mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Đối với trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của những chủ thể được xác định là người chưa thành niên là nơi do cha mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án quyết định.
Đồng thời, khoản 6 Điều 19 của Luật Cư trú năm 2020 cũng nêu rõ, khi đủ điều kiện đăng ký cư trú thì công dân phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Như vậy, mặc dù không quy định thời hạn bắt buộc phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh cho trẻ nhưng nếu có đủ điều kiện thì cha, mẹ có trách nhiệm đăng ký thường trú để nhập khẩu cho con. Trường hợp có đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể căn cứ tại Điều 9 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú … hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
3. Một số trường hợp cụ thể về đăng ký nhập khẩu cho con:
Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể khi các bậc phụ huynh đi đăng ký nhập khẩu cho con như sau:
– Trong trường hợp người cha và người mẹ của đứa trẻ không có cùng nơi cư trú theo đúng quy định của pháp luật thì khi đó đứa trẻ sẽ được nhập khẩu theo nơi thường xuyên chung sống với bố hoặc mẹ (như đã phân tích ở trên), riêng đối với trường hợp không xác định được nơi mà đứa trẻ thường xuyên sống sống thì khi đó nơi đăng ký thường trú của trẻ sẽ do cha và mẹ của đứa trẻ tự tiến hành thỏa thuận với nhau dựa trên phương diện ý chí tự định đoạt của các bên;
– Trẻ em, người chưa thành niên (là người được xác định dưới 18 tuổi) có thể được nhập khẩu vào nơi khác với khẩu của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý bằng văn bản hoặc cha mẹ ghi ý kiến đồng ý vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú (ví dụ như hiện tượng nhập khẩu vào nhà bố mẹ nuôi) hoặc trường hợp luật có quy định;
– Trẻ em được nhập khẩu mà không cần cha, mẹ phải có đăng ký kết hôn, hoặc nếu sau khi đăng ký khai sinh, giấy khai sinh của trẻ theo họ mẹ thì khi nhập khẩu trong dữ liệu quốc gia về cư trú cũng ghi tên trẻ theo họ mẹ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú năm 2020;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.