Đang hưởng án treo có được xuất cảnh? Trường hợp bị hạn chế xuất nhập cảnh. Cấm xuất nhập cảnh khi đang thi hành án hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư cháu bị bắt vì tội đánh bài hiện tại đang chịu mức án là 6 tháng tù treo nhưng vì hoàn cảnh khó khăn giờ cháu muốn sáng Lào làm ăn có được không ạ!
Luật sư tư vấn:
Bạn bị bắt về tội đánh bài, án phạt mà bạn đang chấp hành là 6 tháng tù treo. Có nghĩa bạn đang chấp hành bản án về tội danh đánh bạc.
Theo quy định của Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 quy định về vấn đề xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam như sau:
“Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Luật sư
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”
= > Bạn đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, bạn thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh.
Mục lục bài viết
- 1 1. Người đang chấp hành án treo có được kết hôn không?
- 2 2. Bị án treo có được đi du học, đi nước ngoài không?
- 3 3. Người đang hưởng án treo có được phép chuyển nơi cư trú?
- 4 4. Có được thay đổi nơi cư trú khi đang chấp hành án treo không?
- 5 5. Người được hưởng án treo có lập hồ sơ áp dung biện pháp giáo dục
1. Người đang chấp hành án treo có được kết hôn không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho tôi hỏi, Em trai tôi đang được hưởng án treo nhưng muốn kết hôn. Vậy trường hợp của em tôi có được kết hôn không?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
Điều 9.Điều kiện kết hôn
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.
Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, nam nữ nếu đáp ứng đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 9 và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình thì có thể đăng ký kết hôn. Luật Hôn nhân và gia đình không quy định cấm đăng ký kết hôn đối với người đang hưởng án treo, do đó em chồng của bạn vẫn có thể đăng ký kết hôn.
2. Bị án treo có được đi du học, đi nước ngoài không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi đã hết 12 tháng án treo. Vậy cho tôi hỏi, bây giờ tôi muốn xin làm thủ tục cấp visa đi du học có được không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự quy định về án treo:
“1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó..”
Theo Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đông thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về Thời hiệu thi hành bản án, Miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt có hướng dẫn thi hành Điều 60 Bộ luật hình sự về áp dụng chế định án treo.
Án treo không phải là hình phạt tù mà chỉ là biện pháp “Miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” nên khi Tòa án đã căn cứ vào trường hợp áp dụng khung hình phạt tù không quá 3 năm; nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì cho hưởng án treo để tạo cơ hội cho người phạm tội có điều kiện ăn ở, lao động, học tập như người bình thường để tự rèn luyện, sửa chữa. Trong thời gian thử thách mà tiếp tục phạm tội mới thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mới phạm, còn phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù của bản án trước. Thêm vào đó, bạn đã chấp hành xong thời gian bị mức án treo. Vì thế bạn có thể xin cấp visa, làm thủ tục du học được bình thường.
3. Người đang hưởng án treo có được phép chuyển nơi cư trú?
Tóm tắt câu hỏi:
Anh trai em phạm tội trộm cắp tài sản và giờ đang được hưởng án treo. Nay anh đang có ý định chuyển nhà sang tỉnh khác để ở. Luật sư cho hỏi trường hợp của anh trai em có được chuyển hay không? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
“Các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú:
1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú (trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó):
a) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;
b) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế
c) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
2. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà Tòa án cấm người đó cư trú.”
Như vậy, trong trường hợp của anh trai bạn đang được hưởng án treo tội trộm cắp tài sản thì sẽ không được chuyển sang tỉnh khác để sinh sống, trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó, tức là Tòa án đã ra quyết định bản án về hành vi phạm tội của anh trai bạn
4. Có được thay đổi nơi cư trú khi đang chấp hành án treo không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi phạm tội trộm cắp tài sản, được tòa án tuyên cho hưởng án treo và đang chấp hành án. Nay tôi muốn chuyển nơi cư trú sang tỉnh khác thì có được phép không? Cảm ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 4, Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định về các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú thì:
“1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú (trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó):
a) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;
b) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;
c) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành;
2. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà tòa án cấm người đó cư trú.”
Như vậy, theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn đang chấp hành thời gian thử thách án treo chỉ được thay đổi nơi cư trú khi được sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó với bạn
Theo quy định của Điều 69 Luật Thi hành án hình sự 2010 thì trường hợp được chuyển nơi cư trú sang tỉnh khác trong khi đang thì hành án treo thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hưởng án treo đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 62 của Luật Thi hành án hình sự 2010 và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
5. Người được hưởng án treo có lập hồ sơ áp dung biện pháp giáo dục
Tóm tắt câu hỏi:
Người đang chấp hành phạt tù nhưng cho hưởng án treo có lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phuờng, thị trấn được hay không? Nhờ giải đáp nhanh xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 60 “Bộ luật hình sự 2015” quy định:
“Điều 60. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.”
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Khoản 2 Điều này quy định cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người được hưởng án treo làm việc hay thường trú giám sát giáo dục.
Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục quy định tại Điều 97 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 chỉ dành cho những đối tượng được quy định tại Điều 90 Luật này, không dành cho những người hưởng án treo, vì vậy người được hưởng án treo không phải lập hồ sơ đề nghị áp dụng:
“Điều 97. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Trưởng Công an cấp xã nơi người vi phạm thuộc đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này cư trú hoặc nơi họ có hành vi vi phạm pháp luật tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoặc đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị dân cư ở cơ sở lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.“
“Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
5. Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”