Dân số già hay già hóa dân số là sự gia tăng độ tuổi trung vị của dân số một vùng do tỷ suất sinh giảm hoặc tuổi thọ trung bình tăng. Vậy, dân số già có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế và xã hội, mời các bạn tham khảo bài viết Dân số già dẫn đến những hậu quả gì về kinh tế xã hội? dưới đây để biết rõ hơn.
Mục lục bài viết
1. Dân số già dẫn đến những hậu quả gì về kinh tế xã hội?
– Hậu quả về an ninh xã hội:
Sự già hóa dân số kéo dài thời gian sống sau nghỉ hưu, tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và trợ cấp lương hưu. Sự già hóa dân số tạo ra thách thức trong phát triển kinh tế, đặc biệt là khi cơ cấu dân số lao động giảm, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, và gánh nặng kinh tế đặt lên vai người lao động trẻ cũng tăng cao. Mô hình bệnh tật ở người cao tuổi thay đổi nhanh chóng, từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm, phản ánh tính chất của một xã hội hiện đại. Dân số già tăng cao đồng thời với sự phát triển kinh tế có thể tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế.
– Hậu quả về kinh tế:
Người già thường có xu hướng tiết kiệm hơn, với chi tiêu cho hàng tiêu dùng giảm đi. Tùy thuộc vào độ tuổi, nước có dân số già có thể trải qua tình trạng lãi suất thấp và tỉ lệ lạm phát thấp. Do người cao tuổi tiêu dùng ít hơn, các nước có dân số già cao thường có mức lạm phát thấp. Sự thiếu hụt lao động trẻ cũng có thể dẫn đến giảm tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và chậm tiến triển trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật.
2. Nguyên nhân dẫn đến dân số già:
– Chênh lệch tỉ lệ sinh tử:
Kinh tế đang trên đà phát triển, điều kiện sống của người dẫn đã được tốt lên rất nhiều nên tuổi thọ tăng cao, tỉ lệ sinh lại giảm đi do giới trẻ ngày nay có xu hướng trì hoãn sinh con để tập trung phát triển kinh tế.
– Quan niệm của con người về sinh sản thay đổi:
Thời xa xưa ông bà chúng ta thường có xu hướng sinh đông con đông cháu, có nhà sinh tới tận chục người thậm chí hơn. Nhưng hiện nay, giới trẻ đã không còn có suy nghĩ đó nữa, muốn tập trung phát triển sự nghiệp, tận hưởng cuộc sống, có người còn không có ý định sinh con. Cho nên là việc sinh con đối với phụ nữ bây giờ chỉ là thiết yếu.
– Áp lực kinh tế xã hội:
Hiện nay, gia đình nào cũng muốn con cái mình vào môi trường học tập tốt nhất có thể, nhưng mà chi phí lại đắt đỏ nên yêu cầu đòi hỏi tài chính phải vững vàng. Do đó, nên họ chưa sẵn sàng sinh con, họ sẽ tập trung phát triển kinh tế, tích kiệm tiền đợi khi đã đủ lo và điều kiện thích hợp để sinh. Nhưng hầu như gia đình nào cũng chỉ sinh từ 1 đến 2 con.
– Nhận thức con người thay đổi:
Thời điểm hiện tại, tất cả mọi người dân rất chú trọng đến sức khỏe của mình, đặt sức khỏe lên đầu tiên. Họ sẽ tập trung vào chăm sóc sức khỏe cá nhân để kéo dài tuổi thọ của mình đầu tiên dẫn đến tuổi thọ trung bình tăng cao trong khi tỉ lệ sinh chưa đủ cân bằng. Điều này tình trạng dân số già sẽ sớm xảy ra.
– Mô hình chính sách dân số kiểm soát mức sinh:
Với chỉ tiêu theo kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 đến 2 con nhưng chưa đưa ra được dự báo bất cập, giới hạn của nó, nhất là mục tiêu đảm bảo mức sinh thay thế và do đó không được điều chỉnh kịp thời, đúng đối tương. Bên cạnh đó, do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Việc duy trì dưới ngưỡng mức sinh thay thế trong nhiều năm trước mắt sẽ tác động tích cực đến mục tiêu kiểm soát việc bùng nổ dân số, tuy nhiên hệ lụy của nó sẽ góp phần thúc đẩy già hóa dân số.
3. Thực trạng và giải pháp vấn đề dân số già tại Việt Nam hiện nay:
– Thực trạng:
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên của cả nước chiếm 8,68% dân số, đến Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, con số này đã tăng lên 11,86%. Như vậy, dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa” từ trước năm 2019 (khoảng năm 2014).
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.
Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống bảo trợ xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống bảo trợ xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh. Nguy cơ khuyết tật cũng tăng lên theo độ tuổi, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ở Việt Nam, người cao tuổi thường nhận được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình, nhưng hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
– Giải pháp:
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số”.
Quán triệt quan điểm và định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong thời gian tới cần phải tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già, chuẩn bị cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội. Do đó, cần coi trọng và thực hiện những giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, về quan điểm, cần nhìn nhận người cao tuổi, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là chỗ dựa cho các thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận chỉ như các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Thứ hai, đặt già hóa dân số là một trong những vấn đề ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Già hóa dân số đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề già hóa dân số cần phải có vai trò tương xứng với những ảnh hưởng của vấn đề này đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cũng từ đó, nhóm dân số già cần được nhìn nhận như các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, thay vì chỉ như là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội.
Thứ ba, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức từ già hóa dân số. Già hóa dân số đang trở thành xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Do vậy, trong phát triển kinh tế – xã hội cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà già hóa dân số mang lại. Trong đó, giải quyết vấn đề già hóa dân số theo quan điểm thuận thiên, để chung sống hài hòa với già hóa dân số.
Thứ tư, đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. Khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi. Cần xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người cao tuổi an tâm với mức sống khi đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, đầu tư cho một hệ thống lương hưu nhằm đem lại sự độc lập về kinh tế và giảm nghèo cho người cao tuổi. Trong điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam, khi lượng lao động làm việc ở khu vực phi chính thức cao, cần chú trọng đến cải thiện khả năng bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí cho người cao tuổi. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội cần phải được thực hiện và hoàn thiện để giúp người cao tuổi tiếp cận được với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng, nâng cao năng lực chăm sóc, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi. Cần hướng tới sự phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến để quá trình già hóa dân số diễn ra một cách năng động, với sự đảm bảo sức khỏe, và sự đóng góp tích cực cho xã hội của người cao tuổi. Đồng thời, tăng cường đào tạo cán bộ chăm sóc và cán bộ chuyên môn y tế trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Thêm vào đó, cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa cho những người chăm sóc người cao tuổi bao gồm các thành viên trong gia đình, các cán bộ cộng đồng.
Thứ sáu, xã hội hóa, huy động các nguồn lực đa dạng để đáp ứng nhu cầu của sự già hóa dân số. Nhu cầu của nhóm dân số già sẽ đem đến các cơ hội như hình thành các thị trường mới và để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi. Sử dụng vốn đầu tư công làm vốn đầu tư ban đầu, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đáp ứng các nhu cầu về y tế, văn hóa ngày càng cao của nhóm người cao tuổi.
THAM KHẢO THÊM: