Đại diện cho con trong phiên Tòa khi cha là bị cáo, mẹ mất năng lực hành vi dân sự. Đại diện theo pháp luật cho con, giám hộ cho con chưa thành niên.
Đại diện cho con trong phiên Tòa khi cha là bị cáo, mẹ mất năng lực hành vi dân sự. Đại diện theo pháp luật cho con, giám hộ cho con chưa thành niên.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho cháu hỏi: Tại phiên tòa hình sự xét xử người cha vì tội cố ý gây thương tích cho con (8 tuổi) thì ai là người đại diện cho người con trong phiên tòa ấy nếu mẹ của người con ấy đang bị mất năng lực hành vi dân sự. Cháu cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Điều 85, Điều 86 Luật hôn nhân gia đình 2014
– Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 52 Bộ luật dân sự 2015
2. Giải quyết vấn đề
Trường hợp cha có hành vi vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con sẽ bị xem xét về việc hạn chế về quyền của cha mẹ đối với con. Theo đó Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.
Mặt khác, điều kiện để được giám hộ phải đáp ứng:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Khi người cha không đủ điều kiện để giám hộ cho con và người mẹ cũng không đủ điều kiện do bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc cử người giám hộ sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Bộ luật dân sự 2015.
Theo đó, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên trong trường hợp này được xác định theo thứ tự sau đây:
– Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
– Trường hợp không có người giám hộ nêu trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về đại diện cho con chưa thành niên: 1900.6568
– Trường hợp không có người giám hộ trong hai trường hợp nêu trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
3. Kết luận
Trong trường hợp bạn nêu ra, nếu bé 8 tuổi có anh chị đáp ứng điều kiện của người giám hộ, nếu không đáp ứng hoặc không có thì người giám hộ là ông bà nội, ngoại sẽ giám hộ.