Luật sư cho tôi hỏi hồ sơ xin đặc xá bao gồm giấy tờ tài liệu như thế nào? Trình tự thực hiện lập hồ sơ cụ thể gồm bước nào? Tôi xin cảm ơn!
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi hồ sơ xin đặc xá bao gồm giấy tờ tài liệu như thế nào? Trình tự thực hiện lập hồ sơ cụ thể gồm bước nào? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Luật đặc xá các vấn đề về hồ sơ và thủ tục quy định như sau:
Về hồ sơ bao gồm:
1. Đơn xin đặc xá.
2. Tài liệu chứng minh về cá nhân, hoàn cảnh gia đình của người được đề nghị đặc xá.
3. Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
4. Cam kết không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá.
5. Văn bản đề nghị đặc xá của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam.
Về trình tự thủ tục:
Căn cứ vào Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá được thực hiện như sau:
Luật sư
1. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật,
2. Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Giám thị trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương có trách nhiệm rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật, báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh quân khu và tương đương. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh quân khu và tương đương xét duyệt danh sách, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét. Giám thị trại tạm giam thông báo, niêm yết công khai danh sách này tại trại tạm giam.
3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị đặc xá được lập như trên và lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để phạm nhân được đặc xá:
Tóm tắt câu hỏi:
Em trai tôi đang thi hành bản án 9 tháng tù giam với tội danh Trộm cắp tài sản (hai cây cảnh trị giá 7 triệu). Trước khi chấp hành hình phạt tù em trai tôi đã bị tạm giam 3 tuần. Tôi muốn hỏi liệu với tội danh như vậy em tôi có thuộc trường hợp đặc xá không?
Luật sư tư vấn:
Điều 10 Luật Đặc xá có quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá như sau:
1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.
2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam;
b) Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thân nhân là liệt sỹ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Gia đình có công với nước;
c) Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền;
d) Khi phạm tội là người chưa thành niên;
đ) Là người từ 70 tuổi trở lên;
e) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú;
g) Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
3. Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc áp dụng điều kiện của người được đề nghị đặc xá theo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước.
Đồng thời Điều 11 Luật Đặc xá có quy định về Các trường hợp không đề nghị đặc xá
Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này không được đề nghị đặc xá trong các trường hợp sau đây:
1. Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;
3. Trước đó đã được đặc xá;
4. Có từ hai tiền án trở lên;
5. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
Như vậy, trong trường hợp trên, bạn không nêu rõ cụ thể thời điểm em trai bạn bắt đầu thi hành án phạt tù giam 9 tháng là khi nào, nên không biết em bạn đã thi hành được bao nhiêu thời gian tù giam. Bạn có thể căn cứ và đối chiếu các điều kiện nêu trên xem em trai bạn đã đủ điều kiện được đặc xá hay chưa.
2. Cải tạo tốt phạm nhân có cơ hội được đặc xá không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có người bạn hiện đang bị giam. Bạn tôi bị bắt ngày 19/06/2011 vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bị phạt tù 2 năm ở quận 3, 3 năm rưỡi ở quận 1). Hiện nay bạn tôi đang chờ chuyển đi trại cải tạo. Tôi có 1 số vấn đề mong được giải đáp:
1. Nếu bạn tôi nộp tiền bồi thường, án phí đầy đử, cải tạo tốt thì 2/9/2013 bạn tôi có cơ hội được xét đặc xá không.
2. Người yêu bạn tôi có được vào thăm hay không?
Luật sư tư vấn:
1. Quy định về đặc xá
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 76/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá thì:
“1. Nhân dịp sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; xét thấy cần thiết, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định về đặc xá.
2. Khi Chủ tịch nước có yêu cầu về đặc xá hoặc đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá và Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá.
3. Tờ trình của Chính phủ phải nêu rõ sự cần thiết của việc đặc xá, dự kiến thời điểm đặc xá, đối tượng được đề nghị đặc xá, điều kiện của người được đề nghị đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá; thành phần Hội đồng Tư vấn đặc xá; tổ chức thực hiện đặc xá và những nội dung khác liên quan đến hoạt động đặc xá.”
Điều kiện của người được đề nghị đặc xá theo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước:
“1. Căn cứ vào Điều 10, Điều 11 của Luật Đặc xá và Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Chính phủ hướng dẫn cụ thể điều kiện của người được đề nghị đặc xá.
2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được coi là đã lập công lớn, là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá được hiểu nhu sau:
a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù: là người đang chấp hành hình phạt tù đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của nhân dân hoặc tài sản lớn của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
b) Người mắc bệnh hiểm nghèo là người bị mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên, có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh trở lên; nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, có phiếu xét nghiệm HIV và kết luận của Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên;
c) Người ốm đau thường xuyên: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần, trong một thời gian dài, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế cấp tỉnh trở lên;
d) Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú.”
Sau khi có Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Chế độ thăm gặp thân nhân của phạm nhân
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2011/TT-BCA cụ thể như sau:
“1. Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng (trừ trường hợp vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đang bị giam tại buồng kỷ luật), mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện) cho phép kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong nhà thăm gặp không quá 24 giờ.
2. Phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ; nếu chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 24 giờ.
3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức cho phạm nhân được gặp thân nhân theo chế độ gặp vào tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết theo quy định. Thời gian thăm gặp trong ngày buổi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.”
Thông tư cũng quy định về đối tượng gặp phạm nhân tại Điều 4 như sau:
“1. Những người là thân nhân phạm nhân được thăm gặp phạm nhân gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
2. Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị thăm gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích chính đáng của phạm nhân và yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Khi gặp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền mặt, đồ vật (trừ đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ) và được sử dụng theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án hình sự và quy định tại Thông tư này.”
Bạn căn cứ những quy định nêu trên để áp dụng vào trường hợp của bạn bạn.
3. Trình báo Giấy chứng nhận đặc xá tại địa phương:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, em được nhận quyết định đặc xá vào 31 tháng 8 năm nay. Trong quyết định ghi rõ trong thời hạn 7 ngày, e phải có mặt tại công an địa phương để trình báo. Tuy nhiên, vì những lý do cá nhân, em không có mặt tại địa phương đúng hạn. Vậy nếu em có mặt vào ngày hôm sau thì có sao không?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 20 Luật Đặc xá quy định về quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá như sau:
“Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá
1. Người được đặc xá có quyền:
a) Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;
b) Được chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện, giúp đỡ để hoà nhập với gia đình và cộng đồng;
c) Được hưởng các quyền khác như đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù theo quy định của pháp luật.
2. Người được đặc xá có nghĩa vụ:
a) Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
Theo điểm a, b, khoản 2 của quy định trên thì người được đặc xá có nghĩa vụ xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết. Mặt khác, theo quyết định đặc xá mà bạn được nhận có ghi rõ trong trong thời hạn 7 ngày, bạn phải có mặt tại công an địa phương để trình báo, tức là bạn sẽ phải thực hiện đúng thời hạn trong quyết định đã ghi rõ.
Vì vậy, dù cho bạn có vì những lý do cá nhân, bạn không có mặt tại địa phương đúng hạn và bạn có mặt vào ngày hôm sau để trình báo thì địa phương sẽ không chấp nhận việc trình báo của bạn.
4. Thời hạn xét đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! luật sư cho em hỏi em trai em phạm tội giết người án phạt là 13 năm,hiện tại đã thi hành án phạt được 4 năm,vậy theo quy định thì khi nào em trai em được đặc xá và nếu có ân xá em trai em có được không ạ! em cám ơn!?
Luật sư tư vấn:
Điều kiện để được đặc xá đối người bị kết án phạt tù có thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật đặc xá như sau:
“1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.”
Luật sư tư vấn pháp luật trường hợp được đặc xá:1900.6568
Bên cạnh đó, người nào đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 10 Luật đặc xá sẽ không được đề nghị định đặc xá theo quy định tại Điều 11 Luật đặc xá như sau:
“1. Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;
3. Trước đó đã được đặc xá;
4. Có từ hai tiền án trở lên;
5. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.”
Như vậy, em trai bạn khi đã chấp hành hình phạt tù được 4 năm thì vẫn chưa đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá. Thời gian chấp hành phải đạt ít nhất 1/3 thời gian chấp hành hình phạt tù. Đối với hình phạt 13 năm thì phải chấp hành hình phạt được ít nhất 4 năm 4 tháng thì mới đáp ứng điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Bên cạnh đó, để được đề nghị đặc xá cần đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 điều 10 và không thuộc trường hợp không được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 11 Luật đặc xá.