Đặc điểm của biện pháp ngăn chặn tạm giam. Mục đích và ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm biện pháp ngăn chặn tạm giam:
1.1. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất:
Tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất được quy định trong BLTTHS. Người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam bị hạn chế quyền tự do trong một thời hạn chất định nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, không để người bị áp dụng phạm tội mới hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc bảo đảm để bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án được thi hành nghiêm chỉnh.
Cùng với việc hạn chế quyền tự do, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam cũng bị những hạn chế nhất định trong việc thực hiện các quyền tố tụng của mình như quyền bào chữa; các quyền con người khác phái sinh từ quyền tự do như quyền được thăm nuôi, quyền gặp gỡ người thân … Thực tế, chế độ giam giữ của người bị tạm giam nghiêm khắc hơn nhiều so với chế độ chấp hành hình phạt tù.
1.2. Tạm giam có căn cứ, thời hạn áp dụng chặt chẽ:
Do là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, BLTTHS quy định căn cứ, thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam rất chặt chẽ để một mặt bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự không bị cản trở; mặt khác không dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị áp dụng.
Tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi có các căn cứ thực tế rằng người bị áp dụng sẽ tiếp tục phạm tội hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị tạm giam chưa phải là người phạm tội, nên về nguyên tắc không nên lấy tình nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện để làm căn cứ tạm giam. nên chăng, người áp dụng cần căn cứ tính nghiêm trọng của tội phạm để đánh giá khả năng phạm tội tiếp, khả năng cản trở tố tụng như là căn cứ để áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Tạm giam tước quyền tự do – một quyền con người cơ bản rất quan trọng của người bị áp dụng. Vì vậy, thông thường pháp luật tố tụng quy định chặt chẽ thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam; theo đó, trong tố tụng hình sự, tạm giam chỉ được áp dụng với thời hạn ngắn nhất có thể, cần và đủ để giải quyết vụ án hình sự.
1.3. Đối tượng, thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam được thu hẹp:
Cũng do là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự, tạm giam chỉ áp dụng đối với các đối tượng trong phạm vi hẹp. Tạm giam chỉ áp dụng đối với người đã chính thức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án là bị can, bị cáo và người bị kết án trong những trường hợp luật định.
Những người khác chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự như người vị giữ khẩn cấp, người bị tạm giữ, người tuy đã bị khởi tố nhưng không cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không bị tạm giam.
Đồng thời, để bảo đảm thận trọng và kiểm soát chặt chẽ biện pháp ngăn chặn tạm giam, pháp luật tố tụng thu hẹp phạm vi người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Đó là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án
2. Mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam:
Biện pháp ngăn chặn tạm giam có thể được áp dụng trong suốt quá trình TTHS và do người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp, Chánh án, Phó Chánh án
Thứ nhất, để kịp thời ngăn chặn tội phạm
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Xuất phát từ tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm nên để bảo vệ các quan hệ xã hội có nguy cơ bị tội phạm xâm phạm, biện pháp ngăn chặn tạm giam được áp dụng khi có hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc đang xảy ra xâm hại đến những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ là thực sự cần thiết. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm đấu tranh không cho tội phạm tiếp tục xảy ra, hạn chế thiệt hại về vật chất, tinh thần gây ảnh hưởng xấu về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Luật tố tụng hình sự quy định áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giam để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc đang thực hiện xâm hại đến các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam không những nhằm ngăn chặn không để bị can, bị cáo có điều kiện tiếp tục phạm tội mà còn tạo tiền đề góp phần mang lại hiệu quả cho các hoạt động tố tụng sau này.
Thứ hai, đảm bảo để người bị áp dụng không cản trở điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong suốt quá trình tố tụng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn điều tra, tạm giam bị can, giúp cho cơ quan điều tra thuận lợi trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung, tống đạt các văn bản tố tụng cho bị can kịp thời và thực hiện các hoạt động phục vụ công tác điều tra được đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn xét xử, việc tạm giam bị cáo đảm bảo bị cáo được trích xuất đến phiên tòa đúng thời điểm, việc tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án đúng theo quy định của pháp luật, giúp tòa án hoàn thành việc xét xử đối với bị cáo. Tóm lại, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong các giai đoạn tố tụng góp phần đảm bảo cho hoạt động tố tụng được diễn ra xuyên suốt, không bị gián đoạn và đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, để đảm bảo công tác thi hành án
Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của Tố tụng hình sự, nhằm làm phát huy hiệu lực của bản án trong thực tế, vì thế việc tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho hoạt động thi hành án có kết quả là cần thiết. Để đảm bảo thi hành án, căn cứ vào đặc điểm nhân thân của từng bị cáo, vào tính chất của từng vụ án, Toà án có thể lựa chọn biện pháp ngăn chặn tạm giam để đảm bảo công tác thi hành án. Thông thường sau khi tuyên án, đối với những bị cáo bị xử phạt tù có thời hạn thường để bảo đảm công tác thi hành án sau nay, Hội đồng xét xử phải quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo. Việc này vừa đảm bảo bị cáo không trốn, thuận tiện trong công tác quản lý và đưa bị cáo đến cơ sở chấp hành hình phạt. Bên cạnh đó, việc tạm giam bị cáo, bị can còn đảm bảo các bị can, bị cáo không thực hiện các hoạt động nhằm tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.