Đặc điểm pháp lý về cơ cấu tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Một số quy định về loại hình doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên.
Đặc điểm pháp lý về cơ cấu tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Một số quy định về loại hình doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên.
Theo Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014, quy định về công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:
"1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trongphạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần."
Theo đó công ty TNHH hai thành viên có một số dấu hiệu pháp lý cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thành viên công ty có thể là tổ chức hoặc cá nhân, với số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không quá năm mươi.
Về điểm này, Luật doanh nghiệp 2014 hoàn toàn kế thừa quy định của Luật doanh nghiệp 2005. Do bản chất của loại hình công ty TNHH là loại hình công ty đóng, do đó pháp luật thường quy định mức khống chế số lượng thành viên tối đa. Hơn nữa, số lượng thành viên của loại hình công ty này thường không lớn, công ty TNHH thường thích ứng với loại hình kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, tổ chức quản lý thường chưa cao. Do đó, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định khống chế số lượng thành viên tối đa của công ty TNHH hai thành viên trở lên là không quá năm mươi thành viên. Điều này đã tạo thêm sự khác biệt về mặt pháp lý giữa công ty TNHH và công ty cổ phần. Bởi vì, nếu công ty TNHH có số lượng thành viên vượt quá năm mươi thì phải chuyển đổi hình thức công ty thành công ty cổ phần hoặc chia, tách hay giải thể công ty.
Việc Luật Doanh nghiệp 2014 đặt ra một con số tối đa, cụ thể là không quá năm mươi thành viên, để giới hạn mức thành viên tối đa của công ty tuy không có sức thuyết phục về mặt lý thuyết, bởi vì tại sao là không quá năm mươi mà không phải là một con số khác nhưng nếu số lượng thành viên công ty càng lớn thì khả năng hành động tập thể nhắm bảo vệ lợi ích của các thành viên, đặc biệt là các thành viên thiểu số càng nhỏ. Trong trường hợp này, quy chế pháp lý của công ty cổ phần sẽ có tác dụng nhiều hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. Do đó đây cũng là lý do giải thích việc quy định mức tối đa số lượng thành viên trong công ty TNHH.
Thứ hai, vốn điều lệ của công ty không được chia thành các cổ phần.
Vốn điều lệ này do các thành viên góp và được ghi vào trong Điều lệ của công ty. Tỷ lệ vốn góp giữa các thành viên do các thành viên tự thỏa thuận quyết định, có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau. Phần vốn góp này của các thành viên không được thể hiện dưới các hình thức cổ phiếu như ở công ty cổ phần. Nó được ghi nhận trong Sổ đăng ký thành viên ngay sau khi đăng ký kinh doanh ( khoản 1 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2014) và trong Giấy chứng nhận phần vốn góp tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp (khoản 5 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014). Đây là cơ sở pháp lý chứng minh tư cách thành viên công ty.
Thứ ba, về chế độ chịu trách nhiệm của thành viên công ty.
Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trương hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này (điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014). Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi tài sản của mình. Như vậy, ở loại hình công ty này có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của công ty và tài sản của thành viên công ty. Thành viên công ty không phải đem tài sản thuộc sở hữu của mình trả nợ thay cho công ty. Trường hợp công ty không trả được hết nợ trong phạm vi số tài sản của mình thì các chủ nợ cũng không được đòi nợ các thành viên công ty. Chính chế độ TNHH này mà các nhà đầu tư, kinh doanh thường lựa chọn kinh doanh dưới hình thức công ty TNHH và trên thực tế số lượng công ty TNHH đã không ngừng tăng lên kể từ khi Luật công ty ra đời từ năm 1990.
Thứ tư, về chuyển nhượng vốn của thành viên công ty.
Phần vốn góp của các thành viên công được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Thành viên công ty TNHH có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể: trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên muốn chuyển nhượng trước hết phải chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện (điểm a khoản 1 Điều 53). Nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán thì thành viên đó mới được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty (điểm b khoản 1 Điều 53). Quy định này giúp các thành viên thiểu số trong công ty có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hơn nữa vẫn duy trì được tính chất “đóng” của loại hình công ty này nhằm hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ năm, công ty TNHH không được quyền phát hành cổ phần (khoản 3 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014).
Cổ phần là phần chia đều nhau, nhỏ nhất của vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cổ phần được thể hiện dưới hình thức pháp lý là cổ phiếu.
Thứ sáu, về tư cách pháp lý của công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Công ty TNHH có tư cách pháp nhân. Công ty TNHH là một thực thể pháp lý mang đầy đủ các dấu hiệu của một pháp nhân quy định tại Điều 84 Bộ Luật Dân sự 2005 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể là: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Do đó, pháp luật thừa nhận tư cách pháp nhân của loại hình công ty TNHH kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.