Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì? Tìm hiểu quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam được thực hiện như thế nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao trách nhiệm xã hội?
Hiện nay, vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, môi trường…đang là vấn đề được quan tâm. Bởi lẽ, ý thức của doanh nghiệp chính là một trong những nhân tố lớn tác động các vấn đề liên quan trong đời sống, xã hội. Ở Việt Nam, vấn đề này đã được nhà nước đề xuất và tuyên truyền, ban hành các văn bản quy định nhưng chưa được sự hợp tác của các doanh nghiệp. Vậy CSR là gì? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về CSR cũng như tìm hiểu quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. CSR là gì?
Hiện nay, tại Việt Nam hầu hết các doanh nghiệp đang tập trung vào quản trị, phát triển kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận cao. Tuy nhiên, có một chiến lược đã được nghiên cứu và hình thành từ những năm 50 của thế kỷ XX được vận dụng cho hầu hết các loại hình doanh nghiệp mà ít nhà kinh doanh quan tâm. Đó là CSR viết tắt của Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây được xem là một xu hướng phổ biên trên thế giới, trở thành một yêu cầu “mềm” đối với doanh nghiệp.
Năm 1973, nhà khoa học Keith Davis đã định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phản ứng của doanh nghiệp đó đối với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế và công nghệ”
Nhưng Archie Carrol vào năm 1999 lại có quan niệm rằng, trách nhiệm xã hội của 1 doanh nghiệp có phạm vi rộng hơn. Nó bao gồm sự mong đợi của toàn xã hội về các mặt kinh tế, pháp luật, đạo đức và lòng từ thiện của các tổ chức doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy chúng ta có thể thấy khái niệm này có sự thay đổi theo thời gian và từng thời điểm nhất định. Nó luôn có sự thay đổi phù hợp với từng điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội đặc thù.
Như vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp và cá nhân liên quan phải thực hiện đối với xã hội nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm tối đa tác động tiêu cực đối với xã hội.
Khi doanh nghiệp tư nhân thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Hoạt động từ thiện là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sử dụng khía cạnh này như một phần trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Vì qua hoạt động từ thiện, doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tạo dựng niềm tin và sự tin tưởng cũng như sự yêu thích của khách hàng.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) – Corporate Social Responsibility.
2. Quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR):
Về cơ bản, trách nhiệm xã hội bao gồm những nghĩa vụ:
Thứ nhất, về kinh tế, bao gồm thỏa mãn nhu cầu xã hội, tăng thêm phúc lợi xã hội, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Thứ hai, về pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan, bao gồm cổ đông, người tiêu dùng, gia đình của người lao động.
Thứ ba, về đạo đức, là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp, nhưng không được quy định trong hệ thống pháp luật.
Thứ tư, về tính nhân văn, doanh nghiệp cần thực hiện những hành vi thể hiện mong muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Như vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần nâng cao, cải thiện và phát triển cuộc sống cộng đồng, mà gần nhất là địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, đóng góp cho sự phát triển bền vững môi trường kinh tế, xã hội của quốc gia.
Các khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như sau:
- Trách nhiệm với người tiêu dùng và thị trường hàng hóa
- Trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường chung
- Trách nhiệm với người lao động của doanh nghiệp
- Trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Trong các khía cạnh này thì trách nhiệm đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường cùng trách nhiệm chung vì lợi ích cộng đồng xã hội là quan trọng nhất nó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của một đất nước.
3. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam:
Tại Việt Nam khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bắt đầu được biết đến thông qua con đường hội nhập. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia đã giúp khái niệm CSR trở nên rõ nét hơn. Ví dụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thực hiện tại Việt Nam như:
- Chương trình tôi yêu Việt Nam của công ty Honda
- Chương trình đào tạo tin học Topic64 của Microsoft
- Chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo của Western Union…
Trong những năm gần đây ở nước ta, các doanh nghiệp đã thực hiện CSR nghiêm túc hơn. Việc này cũng giúp việc quảng bá thương hiệu đến gần người tiêu dùng hơn. Ví dụ như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Vinamilk, Mai Linh, ACB, công ty Kinh Đô… Sau đó khoảng năm 2005 CSR đã có một hệ thống giải thưởng tại Việt Nam để thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Như giải thưởng “CSR hướng tới sự phát triển bền vững” của Phòng công thương và công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh xã hội, Bộ công thương cùng các doanh nghiệp da giày tham dự.
Tính đến năm 2019 thì có hơn 50 doanh nghiệp tham dự giải thưởng này vì thấy được sức mạnh quảng bá thương hiệu quả nó. Theo ước tính doanh thu của các doanh nghiệp vào năm 2006 tham gia thực hiện CSR đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng vượt bậc. Các thông số kỹ thuật liên quan đến tỷ lệ xuất nhập khẩu cũng tăng từ 94% lên đến 97%. Giá trị thương mại cùng thương hiệu của các doanh nghiệp này tăng lên nhanh chóng.
Như vậy từ thực tiễn cho thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới rất quan trọng. Vì vậy các doanh nhân cần nhận thức một cách sâu sắc và đúng đắn trách nhiệm xã hội của mình. Từ đó phát triển một nền kinh tế bền vững, xã hội văn minh, chất lượng cuộc sống của người lao động ngày một nâng cao. Từ đó mang lại lợi ích phát triển chung cho cả cộng đồng và xã hội.
Việc thực hiện tốt CSR sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và đối tác kinh doanh. Từ đó đem lại hiệu quả kinh doanh tốt và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một số doanh nghiệp tích cực làm từ thiện nhưng lại bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường vì lợi nhuận. Ví dụ như vụ việc của công ty Vê Đan, Formosa…
4. Các doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao trách nhiệm xã hội:
Doanh nghiệp thu lợi nhuận nhờ xã hội nên đóng góp trở lại cho xã hội là điều nên làm. Doanh nghiệp chỉ phát triển khi có sự ủng hộ từ xã hội và để được như vậy, doanh nghiệp phải đem đến cho xã hội những giá trị hữu ích. Đây chính là “kế sách” phát triển bền vững đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.
Để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, có khá nhiều công cụ. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có hơn 1.000 bộ quy tắc ứng xử thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như SA 8000 – tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất, WRAP – trách nhiệm toàn cầu trong ngành sản xuất may mặc, FSC – bảo vệ rừng bền vững, ISO 14001- hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp, ISO 26000 – tiêu chuẩn CSR của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa từ tháng 11/2010…
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội +không chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn mà là một quá trình lâu dài với sự nỗ lực không ngừng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp, khởi đầu từ người đứng đầu và các nhà quản trị.
Bởi tầm nhìn và quyết định của họ có ảnh hưởng quyết định tới chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Tiếp đó, để triển khai thành công, xây dựng chiến lược dài hạn và hoàn thiện các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội với những bước đi thích hợp, là nhân tố quan trọng nhất.
Về phía Nhà nước, cần bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, công nghệ sạch.
Nhà nước cũng cần hoàn thiện bộ máy, cơ chế thanh tra, kiểm tra, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và đưa nội dung này vào chương trình đào tạo của các trường đại học.
5. Hiệu quả của doanh nghiệp sử dụng chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp:
Theo nghiên cứu của nhiều nhà phân tích kinh tế và kết quả điều tra tại Lễ công bố 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam, đối với top 500 doanh nghiệp lớn thì có khoảng 51% doanh nghiệp xem trọng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các doanh nghiệp lớn sử dụng yếu tố CSR như một chiến lược đầu tư dài hạn cho các hoạt động xã hội, thúc đẩy thương mại của doanh nghiệp phát triển.
Trên thực tế hiện nay, tổng thể các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ là tương đối cao, lên tới 90% tổng số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay, quy mô doanh nghiệp cũng tương đồng với mức độ am hiểu cũng như vận dụng chiến lược CSR vào kinh doanh là rất hạn chế.
Ngoài ra việc vận hành CSR trong doanh nghiệp cũng mang lại nhiều hiệu quả. Một doanh nghiệp vận dụng chiến lược “CSR – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” hiệu quả sẽ không làm gia tăng mức độ rủi ro cho doanh nghiệp và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Cam kết của doanh nghiệp đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội thúc đẩy sự cam kết của các bên liên quan và tăng cường năng lực của doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho xã hội của doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động CSR, các doanh nghiệp có cơ hội để cộng tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác để tạo ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong xã hội. Ngoài ra, đối tượng gây ảnh hưởng lớn và đem lại lợi nhuận tương lai cho doanh nghiệp đó chính là người tiêu dùng, qua việc thực hiện những cam kết của mình một cách có trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ được nhiều sự đánh giá cao và tin cậy của khách hàng.