Công chức đã bị cách chức có được xem xét bổ nhiệm lại không? Thời gian được bổ nhiệm lại khi công chức bị cách chức? Quy định về bổ nhiệm lại công chức?
Sau một thời gian dài áp dụng các văn bản pháp luật liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức thì hiện nay Nhà nước vẫn đang có những sự đổi mới rất tiến bộ về mặt quy định pháp luật. Việc thay đổi, bổ sung thêm quy định trong thời gian gần đây đã giúp cho thực tiễn thực hiện kỷ luật cán bộ công chức có những kết quả rất khả thi và hiệu quả. Việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức rất quan trọng bởi đó là việc mang tính giáo dục và răn đe hành vi của cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tùy vào từng mức độ nghiêm trọng là hậu quả của hành vi, cán bộ công chức sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật khác nhau. Một vấn đề được đặt ra là khi cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật với hành vi của mình liệu họ có được quay lại bổ nhiệm với chức vụ họ đã từng đảm nhiệm?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về công chức
Khoản 2, Điều 4, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”.
Cách chức: Cách chức là Việc người có thẩm quyền ra quyết định cho người được bổ nhiệm đang giữ một vị trí nhất định thôi không giữ chức vụ đó nữa do vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người đó, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trách nhiệm được giao.
2. Quy định về hình thức xử lý kỷ luật công chức
Căn cứ theo quy định của điều 7 Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về các hình thức kỷ luật với công chức như sau:
Các hình thức Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, Cảnh cáo, Hạ bậc lương, Buộc thôi việc.
Các hình thức Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, Cảnh cáo, Giáng chức, Cách chức, Buộc thôi việc
Về Nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
-Khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.
-. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
-. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
+ Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.
– Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
-. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.
– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.
– Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.
-. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.
3. Các trường hợp công chức bị cách chức theo quy định
Căn cứ theo
“Điều 12. Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định này mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;
3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ”
Như vậy công chức sẽ bị xử lý hình thức xử lý kỷ luật cách chức nếu xảy ra trong các trường hợp như sau:
-Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
– Không có lý do chính đáng mà không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công, khiến xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
– Bị phạt tù hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
– Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng về: Phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn mại dâm…
Ngoài ra căn cứ theo khoản 3 điều 22 Nghị định 31/2019/NĐ-CP hướng dẫn
Đối với các công chức có thâm quyền giải quyết tố cáo mà không hoàn thành nhiệm vụ thì Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
-Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
– Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
– Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.
4. Quy định về thời gian bổ nhiệm lại khi công chức bị cách chức
Căn cứ vào điều 82 Văn bản hợp nhất 25/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Cán bộ, công chức do Văn phòng Quốc hội ban hành quy định về trường hợp bổ nhiệm lại khi công chức bị cách chức.
Điều 82. Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật
1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:
a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3.Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.
4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Như vậy, Trong trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, nhưng vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn. Nếu trong trường hợp hết thời hạn quy định công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.