Công an làm mất chứng minh thư của người vi phạm. Trách nhiệm của công an khi tạm giữ và làm mất chứng minh thư của người vi phạm.
Công an làm mất chứng minh thư của người vi phạm. Trách nhiệm của công an khi tạm giữ và làm mất chứng minh thư của người vi phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư cho em hỏi em đã vi phạm không đăng ký tạm trú bị công an tạm giữ chứng minh thư, nhưng khi em đến nộp phạt và xin nhận lại chứng minh thư thì bên Công an báo bị mất rồi. Như vậy em phải làm gì? Phía công an có trách nhiệm gì khi làm mất chứng minh thư của em. Xin luật sư tư vấn! Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Nội dung tư vấn:
Việc Chứng minh nhân dân của bạn bị thu giữ thuộc vào trương hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:
2- Chứng minh nhân dân của công dân bị tạm giữ trong các trường hợp sau :
a) Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân;
Theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 106/2013/NĐ-CP:
2- Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
Như vậy vấn đề thu giữ, bảo quản chứng minh nhân dân của cơ quan công an sẽ được điều chỉnh bởi Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Theo Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
Điều 13. Bồi thường thiệt hại
1. Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 9, Điều 10 Nghị định 115/2013/NĐ-CP:
Điều 9. Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu
1. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
2. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.
Điều 10. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu
1. Khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện khi hết thời hạn bị tạm giữ.
3. Yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy căn cứ theo các quy định như trên, trường hợp cơ quan công an tạm giữ Chứng minh thư nhân dân của bạn và làm mất là sai. Khi việc bị mất chứng minh thư nhân dân gây ra thiệt hại cho bạn, bạn có thể yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc này và yêu cầu cơ quan công an bồi thường theo quy định của pháp luật.