Người lao động đi làm theo lẽ thường sẽ tuân theo lời sếp. Tuy nhiên, việc nghe theo lời của cấp trên, lãnh đạo không phải lúc nào cũng đúng và có thể tiềm ẩn các rủi ro. Vậy cá nhân có phải đi tù không khi chỉ làm theo yêu cầu của giám đốc?
Mục lục bài viết
1. Có phải đi tù không khi chỉ làm theo yêu cầu của giám đốc?
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người lao động nhận được yêu cầu của người quản lý doanh nghiệp, có thể là giám đốc đề nghị thực hiện hành vi trái với quy định nội bộ doanh nghiệp hoặc cũng như quy định pháp luật. Trong trường hợp này thì người lao động có thể đối diện với hai loại rủi ro, có thể là rủi ro nghề nghiệp và rủi ro pháp lý. Khi nhận được yêu cầu của cấp trên mà trái lệnh thì đang tự đặt mình vào con đường trở ngại cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp của mình. Trong một số trường hợp có thể bị dẫn đến khả năng mất việc, điều này ảnh hưởng cực kỳ lớn đến đời sống của người lao động;
Nhưng nếu biết sai vẫn tuân theo lệnh sếp, làm trái pháp luật thì người lao động đứng trước rủi ro pháp lý. Việc người lao động thực hiện theo yêu cầu cầu của Giám đốc có thể là vô ý hay cố ý thực hiện, nếu gây ra hậu quả thì hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cá nhân có thể đối diện một trong các tội như sau:
– Tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu đã được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự. Hành vi vi phạm được thực hiện bởi người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân này đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình dẫn đến hậu qur làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản đó;
Hành vi thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng tài sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả của tội phạm xảy ra. Hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Thiệt hại về tài sản phải do chính hành vi thiếu trách nhiệm gây ra mới là hậu quả của tội phạm này, nếu thiệt hại đó không phải do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra thì không được tính để xác định hậu quả.
– Tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi thì có thể bị truy cứu về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn và thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, quy định tại Điều 360 BLHS. Hậu quả nghiêm trọng được nhắc đến trong trường hợp này là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: Vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản…
2. Có được áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi thực hiện theo yêu cầu của Giám đốc?
Loại trừ trách nhiệm hình sự là những chế định được quy định tại chương IV Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi vi phạm được xác định thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thì cá người không phải chịu trách nhiệm hình sự, sẽ không bị xem là tội phạm và không bị xem là có án tích. Cụ thể, các trường hợp loại trừ TNHS bao gồm: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực TNHS; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.
Việc tuân thủ mệnh lệnh từ cấp trên sẽ chỉ áp dụng đối với những ngành nghề đặc thù, hoạt động này là nghĩa vụ pháp lý của cấp dưới trong lực lượng vũ trang nhân dân. Theo Điều 26 Bộ luật hình sự quy định trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự là gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lênh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, cụ thể nội dung:
Thứ nhất, có 02 chủ thể được đề cập đến là chỉ huy hoặc cấp trên và người thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên. Các cá nhân này đều thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 23 Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2018 quy định thì thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Có thể thấy, chủ thể của chế định trên là người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hoặc Dân quân tự vệ.
Thứ hai, Xác định về hành vi gây thiệt hại: Cần đảm bảo rằng khi thực hiện hành vi theo mệnh lệnh sau khi đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh.
Như vậy không phải bất kỳ trường hợp nào người gây ra thiệt hại khi thực hiện theo mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên đều được loại trừ trách nhiệm mà khi và chỉ khi họ đã thực hiện việc báo cáo lại nhưng vẫn bắt buộc phải thi hành.
Thứ ba, trong trường hợp gây thiệt hại do thực thi mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên, người thực thi không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên “người ra mệnh lệnh” sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự bởi mệnh lệnh tạo ra hành vi gây thiệt hại của mình.
Như vậy, Bộ luật Hình sự có quy định đến trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự nhưng chỉ áp dụng với lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Nên cá nhân là nhân viên thực hiện theo yêu cầu của cấp trên trong doanh nghiệp sẽ không được áp dụng chế định này.
3. Cần làm gì để tránh rủi ro khi thực hiện đề nghị của Giám đốc đi ngược lại Điều lệ Công ty, hoặc vi phạm pháp luật?
Trong quá trình tham gia làm việc, người lao động không thể tránh khỏi đối diện với trường hợp nhận được đề xuất từ cấp trên thực hiện công việc nhất định. Một khi thực hiện mệnh lệnh của cá nhân này thì phải chấp nhận những rủi ro pháp lý. Chính vì vậy, cá nhân để đảm bảo được quyền lợi của mình thì cần chú ý những yếu tố sau để giúp giảm mẹ hoặc có thể tránh khỏi được hậu quả pháp lý trong tương lai:
– Khi tiếp nhận thông tin yêu cầu từ giám đốc thì có thể tạo lập những bằng chứng xác thực và lưu lại để sử dụng như là chứng cứ trong trường hợp cần thiết. Người lao động có thể trực tiếp gọi điện hoặc phản hồi tin nhắn hoặc thông qua bất kỳ hình thức trực tuyến nào để hỏi kỹ lại các thông tin được yêu cầu; Sau khi hoàn tất công việc sẽ thể hiện rõ bằng tin nhắn hoặc email hoặc bất kỳ hình thức nào khác để lưu trữ thông tin thậm chí có thể ghi âm để làm chứng cứ quan trọng sau này. Có thể thấy, mục đích của việc lưu trữ lại những thông tin này sẽ thể hiện rõ được nguyên nhân thực hiện hành động làm sai dẫn đến thiệt hại.
Cần lưu ý rằng các chứng cứ tài liệu thủ tục cho các giao dịch này phải đảm bảo hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp phát hiện ra những dấu hiệu đáng ngờ hoặc những công việc vượt khả năng kiểm soát vụ việc của mình thì hãy tiến hành báo cáo vượt cấp trên bộ phận có trách nhiệm của doanh nghiệp.
– Việc khắc phục kịp thời hoặc phát hiện ra được hành vi vi phạm có thể tự sửa sai thì trách nhiệm của người thực hiện có thể sẽ được giảm bớt đi. Bởi theo quy định nếu việc báo cáo kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục sớm hậu quả thì khả năng cao được miễn trách nhiệm. Với những vụ việc có tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội thì từng vai trò vị trí của các cá thể sẽ được phân định rõ ràng người có vai trò thứ yếu, hoặc có lập công chuộc tội thì sẽ được xem xét trách nhiệm ở mức độ nhẹ nhất.
Mặc dù, khi thực hiện theo yêu cầu của cấp trên, có khả năng lưu giữ lại được những chứng cứ hoặc tài liệu để chứng minh bản thân mình không phải là một trong những người giữ vai trò quan trọng, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu cá nhân đã nhận ra được sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hậu quả pháp lý hình sự liên đới thì tuyệt đối không nên tuân thủ theo yêu cầu hoặc mệnh lệnh của giám đốc. Trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều những vụ án nhân viên kế toán hoặc cán bộ ngân hàng giao dịch viên phải gánh chịu những án tù oan nghiệt từ sai lầm nghe theo lời của sếp.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
THAM KHẢO THÊM: