Có phải bồi thường khi vô ý gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc. Vứt bỏ tài sản công khi không biết có phải bồi thường không?
Có phải bồi thường khi vô ý gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc. Vứt bỏ tài sản công khi không biết có phải bồi thường không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Em có một thắc mắc trong vấn đề giải quyết một vụ việc liên quan đến tài sản công xin luật sư giúp em giải đáp giùm ạ. Trường hợp một tổ được giao nhiệm vụ vệ sinh trong một khu vực A nào đó. Trong quá trình dọn vệ sinh, một thành viên trong tổ có xách một bao gai đựng một số thiết bị thuộc tài sản công vứt vào thùng rác. Vị trí để bao gai đó là sát vách tường trong phạm vi khu vực được giao nhiệm vụ vệ sinh. Thành viên đó biết trong đó là thiết bị nhưng nghĩ là đồ bỏ đi nên không mở ra xem mà vứt vào thùng rác. Sau khi tìm không có bao đựng thiết bị thì bên bộ phận quản lý có hỏi tìm và xác định đã bị vứt đi nên bắt đền người vứt và tổ vệ sinh. Như vậy, việc bắt đền tiền đó có đúng hay không và người làm vệ sinh có vi phạm gì hay không? Tài sản được định giá là trên 10 triệu đồng ạ Xin luật sư tư vấn giúp em ạ! Em cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung pháp lý:
Căn cứ theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Căn cứ theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2005:
“Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.”
Căn cứ theo Điều 616 Bộ luật Dân sự 2005 về Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì: "Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau."
Căn cứ theo Điều 617 Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi thì:"Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Câu hỏi của bạn trình bày về vấn đề giải quyết một vụ việc liên quan đến tài sản của một công ty. Một tổ được giao nhiệm vụ vệ sinh trong một khu vực A nào đó. Trong quá trình dọn vệ sinh, một thành viên trong tổ có xách một bao gai đựng một số thiết bị thuộc tài sản công vứt vào thùng rác. Vị trí để bao gai đó là sát vách tường trong phạm vi khu vực được giao nhiệm vụ vệ sinh. Thành viên đó biết trong đó là thiết bị nhưng nghĩ là đồ bỏ đi nên không mở ra xem mà vứt vào thùng rác. Như vậy, thành viên đó đã vô ý xâm phạm tới tài sản của pháp nhân và gây thiệt hại (làm mất tài sản của công ty, tài sản được định giá là trên 10 triệu đồng), tức là thành viên đó biết bên trong có thiết bị nhưng do thiếu cẩn thận nên đã không kiểm tra, mà trực tiếp vứt bỏ đồ.
Do đó, thành viên đó phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời mọi tổn thất mà mình gây ra. Tuy nhiên, vị trí để bao gai trước khi bị vứt là sát vách tường trong phạm vi được giao nhiệm vụ vệ sinh. Vậy nên, thiệt hại bị gây ra không chỉ do lỗi của một mình thành viên đó mà còn do lỗi của người để bao gai không đúng vị trí. Thành viên này có thể thỏa thuận với công ty về mức bồi thường, căn cứ theo mức độ lỗi mà người đó đã gây ra dẫn đến việc mất mát tài sản của công ty. Sau khi tìm không có bao đựng thiết bị, bộ phận quản lý có hỏi tìm và xác định thiết bị đã bị vứt đi nên bắt đền người vứt và tổ vệ sinh. Tuy nhiên, bộ phận quản lý còn cần yêu cầu người đã đặt bao gai đựng thiết bị không đúng vị trí phải liên đới bồi thường cùng với thành viên đã trực tiếp vứt bao gai đó. Số tiền bồi thường được xác định dựa theo lỗi của thành viên tổ vệ sinh đã vứt bao gai và người đã đặt bao gai không đúng vị trí.