Khi vay tiền của ngân hàng, ngân hàng được quyền lấy lãi trên nợ gốc của người vay. Vậy có được thỏa thuận giảm lãi suất với ngân hàng khi vay tiền không?
Mục lục bài viết
1. Có được thỏa thuận giảm lãi suất với ngân hàng khi vay tiền?
Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng quy định về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, điều này quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, theo nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa. Trong trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình về tài chính minh bạch, lành mạnh thì tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng sẽ không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
– Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn;
– Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của
– Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
– Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển.
Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam được quy định tại Quyết định 1125/QĐ-NHNN 2023 lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là:
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm.
– Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận với nhau, vì vậy khách hàng vay cũng có thể thỏa thuận với ngân hàng về vấn đề giảm lãi suất khi vay.
Thêm nữa, tại khoản 4 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng của mình theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng. Theo đó, kể cả trong thời gian thực hiện hợp đồng vay ngân hàng, người vay cũng có thể thỏa thuận với ngân hàng trong việc miễn, giảm lãi tiền vay và quyết định miễn, giảm lãi tiền vay cho khách hàng sẽ căn cứ vào quy định nội bộ của ngân hàng. Quy định nội bộ về cho vay của ngân hàng được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau:
– Điều kiện cho vay, trong đó quy định:
+ Các tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp;
+ Có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ;
+ Các nhu cầu vốn không được cho vay;
+ Phương thức cho vay;
+ Lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay;
+ Tiêu chí xác định khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh được vay vốn theo lãi suất cho vay ngắn hạn;
+ Hồ sơ cho vay và các tài liệu, dữ liệu của khách hàng gửi ngân hàng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng;
+ Thu nợ;
+ Điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ;
+ Chuyển nợ quá hạn;
+ Quy định cụ thể điều kiện cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm, phân cấp về thẩm quyền quyết định cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm.
– Quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay;
– Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
– Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát và theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, với đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng;
– Chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí;
– Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh;
– Quy định theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro;
– Phương án xử lý rủi ro trong quá trình cho vay (bao gồm cho vay bằng phương tiện điện tử);
– Kiểm soát việc cho vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm để phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng;
– Kiểm soát việc cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn và phương thức cho vay quay vòng nhằm để quản lý dòng tiền của khách hàng để đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ số nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, phản ánh đúng chất lượng tín dụng;
– Kiểm soát việc:
+ Cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán;
+ Cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
+ Cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo đánh giá của tổ chức tín dụng; cho vay bằng phương tiện điện tử.
2. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay:
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng quy định lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng quy định các nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm các nội dung sau:
– Mức lãi suất cho vay.
– Phương pháp tính lãi đối với khoản vay.
Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng về phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì về số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về:
– Mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế.
– Thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
3. Các khoản tiền khách hàng phải trả cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ:
Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay cho ngân hàng theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
– Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không được vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
– Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng sẽ phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ:
Ngân hàng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, trên cơ sở khả năng tài chính của ngân hàng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
– Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được ngân hàngđánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo đúng kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì ngân hàng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay sẽ không thay đổi.
– Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay như đã thỏa thuận và được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
– Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng;
– Quyết định 1125/QĐ-NHNN 2023 lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam.