Có được sử dụng súng hơi không? Mức phạt khi sử dụng súng hơi trái phép? Sử dụng súng hơi có vi phạm pháp luật hình sự không?
Việc sử dụng súng hơi, súng săn, các loại vũ khí và vật liệu nổ có thể gây ra hậu quả khôn lường đe dọa tính mạng con người, gây thiệt hại tài nguyên thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, gây mất trật tự an ninh xã hội. Mặc dù mức độ nguy hiểm trong việc sử dụng các thiết bị này không hề nhỏ nhưng vẫn có nhiều trường hợp công dân nghiên cứu, chế tạo, tàng trữ, sử dụng mà không lường trước hậu quả.
Luật sư
Vì vậy việc hướng công dân đến những nhìn nhận đúng đắn, rõ ràng về sử dụng súng hơi là vô cùng quan trọng và thiết thực. Để tìm hiểu rõ hơn về việc có được phép sử dụng súng hơi hay không và nếu bị cấm thì mức phạt khi sử dụng súng hơi trái phép được quy định như thế nào, Luật Dương Gia xin cùng bạn đọc nghiên cứu về quy định của pháp luật về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là súng hơi? Khái niệm súng hơi?
Súng hơi là loại súng được con người chế tạo theo hình thức thủ công bằng tay hoặc nhờ vào công nghệ, máy móc, bản chất của súng hơi là súng săn nên có những đặc điểm chung của súng săn, được sử dụng vào mục đích săn bắn. Đạn sử dụng trong súng hơi là đạn chì, sau khi có tác động lực, súng dùng lực đẩy của không khí bị nén trong xi lanh để phóng đạn ra ngoài. Hiện nay, nhiều người thường sử dụng loại súng này nhằm mục đích săn bắn thú rừng hoặc các loại động vật hoang dã trong tự nhiên. Tuy nhiên trong thực tế, hậu quả của việc sử dụng súng hơi không chỉ dừng lại ở mục đích săn bắn mà còn có thể thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người khi do lỗi cố ý hoặc vô ý của người sử dụng. Vì vậy việc pháp luật quy định nghiêm ngặt khi sử dụng loại súng này là vô cùng quan trọng.
2. Quy định của pháp luật về việc sử dụng súng hơi
Liên quan đến việc sử dụng súng hơi, pháp luật Việt Nam quy định cụ thể tại Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Quốc hội ban hành ngày 20/06/2017 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018. Cụ thể tại Điều 5 của Luật này quy định như sau:
– Nghiêm cấm cá nhân sở hữu các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trừ trường hợp đó là vũ khí thô sơ dùng vào mục đích làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo (món đồ quý báu được gìn giữ trong gia đình được lưu truyền từ đời này sang đời khác);
– Tất cả các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh buôn bán, xuất-nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, lưu thông, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc những hành vi có tính chất tương đương, những hành vi chiếm đoạt, lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc các chi tiết, cụm chi tiết có thể lắp ráp thành vũ khí, công cụ hỗ trợ;
– Hành vi mang theo các loại vũ khí, vật liệu nổ hoặc tiền chất chế tạo thuốc nổ, công cụ hỗ trợ có liên quan xâm nhập, vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam trái quy định của pháp luật hoặc mang những vật liệu, dụng cụ này vào các vùng cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ đều vi phạm pháp luật Việt Nam phải bị truy cứu trách nhiệm theo quy định;
– Luật này cũng nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu gây nổ, công cụ hỗ trợ có liên quan nhằm động cơ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nước Việt Nam hoặc của chủ thể Việt Nam thực hiện tại nước ngoài, các hành vi gây ảnh hưởng, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan;
– Các cá nhân, tổ chức, cơ quan thực hiện việc giao vũ khí, vật liệu, chất gây nổ cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác không đủ điều kiện như pháp luật quy định cũng bị nghiêm cấm triệt để, ngoài ra việc bảo quản, tiêu hủy các vật liệu, công cụ, vũ khí này mà không được đảm bảo an toàn hoặc gây ảnh hưởng, tác động xấu, nguy hiểm cho môi trường cũng thuộc diện bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật;
…
Căn cứ vào những quy định của pháp luật đã nêu trên, hoàn toàn có thể khẳng định việc sử dụng vũ khí, các loại súng, bao gồm súng hơi là trái với quy định của pháp luật.
3. Xử lý hành vi sử dụng súng hơi trái pháp luật
pháp luật quy định xử phạt theo Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định 79/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
– Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan có thẩm quyền dựa trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định, nếu phát sinh thiệt hại thì phải bồi thường tùy theo mức thiệt hại. Khi phía vi phạm là cá nhân thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che, che giấu cho hành vi của người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc có sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo mức thiệt hại đã gây ra; nếu là cá nhân vi phạm thì còn có thể bị xử lý kỉ luật theo quy định pháp luật.
Từ những quy định pháp luật trên, nếu một người sử dụng súng hơi trái phép mà bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi, tạm giữ điều tra và bị sử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào mức độ và sẽ phải bồi thường nếu như có thiệt hại xảy ra trong quá trình sử dụng hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thương tích ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Mức xử phạt hành chính, bồi thường hoặc trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm và thiệt hại.
– Về mức xử phạt:
Mức xử phạt được quy định cụ thể tại Điểm đ Khoản 3 Điều 10 và Chương 3 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 như sau:
Hành vi không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; Sử dụng các loại vũ khí trái quy định của pháp luật nhưng chưa gây ra hậu quả; trao đổi, mua bán, tặng cho, cho mượn, cho thuê các loại vũ khí thì bị phạt tiền theo mức từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Ngoài mức xử phạt đã nêu trên, người vi phạm còn phải chịu hình thức phạt bổ sung được quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013: trong đó bao gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định cụ thể của pháp luật tại các Điểm c Khoản 1; Điểm d,đ,g Khoản 3; Điểm a,c,d Khoản 4; Khoản 5 và Khoản 6 Điều này. Ngoài ra còn được quy định tại Chương 1, Chương 4 và Chương 5 của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan.
– Ngoài ra, nếu hành vi sử dụng súng hơi gây thiệt hại dẫn tới hậu quả dẫn đến làm chết người thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Đối với người nào thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường dựa trên mức thiệt hại đó, trừ trường hợp Bộ luật này và luật có liên quan quy định khác.
Trong trường hợp nguyên nhân phát sinh thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp luật có quy định khác hoặc có thỏa thuận khác.
Trường hợp đối tượng gây thiệt hại là tài sản thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
– Về trách nhiệm hình sự: nếu trong quá trình sử dụng súng hơi mà việc sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như để lại thương tích, thiệt hại đến sức khỏe hoặc làm chết người, thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình ở đây là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác hoặc hành vi vô ý làm chết người.
4. Sử dụng súng săn tự chế không xin phép có bị xử phạt không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có sử dụng súng tự chế để đi săn. Tôi mang ra đường thì mọi người nói nếu bên cơ quan Nhà nước mà biết thì tôi sẽ bị xử phạt hành chính. Vậy liệu với súng tự chế như thế này thì có bị xử phạt hành chính hay không và xử phạt như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Đầu tiên, ta phải xem xét súng tự chế mà bạn nói có được coi là một loại vũ khí hay không?. Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, Pháp lệnh về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có ghi nhận về vũ khí tại khoản 1, Điều 3 : “Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.
Như vậy, bạn nói súng của bạn là súng tự chế, song đối với loại súng tự chế này thì vẫn nằm trong các danh mục vũ khí bị cấm và hạn chế sử dụng. Việc sử dụng vũ khí luôn phải được cấp phép và chỉ được cấp giấy phép sử dụng vũ khí cho những người đủ điều kiện.
Thứ hai, khi bạn sử dụng một loại súng tự chế bị coi là vũ khí mà không hề có sự thông báo và cho phép của cơ quan chức năng thì việc bạn sử dụng vũ khí như vậy bị coi là trái pháp luật và bạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể tại Điều 10 của Nghị định 167/2013/ NĐ-CP đã có quy định như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;
b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;
d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;
g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;
d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;
c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;
đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;
b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.
7. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này”.
Với quy định như vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào đó để có thể xử phạt bạn theo đúng quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng súng.
5. Có được phép kinh doanh bắn súng hơi không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào quý Luật sư! Tôi là người rất thích môn bắn súng hơi và tôi biết rất nhiều người đam mê môn này. Theo tôi biết thì Pháp luật không cho phép sử dụng cũng như lưu trữ. Tôi và nhiều người cũng từng hoặc đang là người của lực lượng vũ trang, và dĩ nhiên đam mê là rất lớn. Tôi có ý định đầu tư kinh doanh mô hình bắn súng hơi. Mô hình tôi dự kiến có nhiều thể loại, từ lò xo đến khí nén. Việc thành lập cũng vì mục đích luyện tập cũng như hội tụ những người cùng đam mê. Tôi biết việc ngoài xã hội số lượng người dùng súng hơi rất lớn, nhưng họ chỉ bắn tùm lum, bắn chui. Xin cho tôi hỏi điều kiện gì để tôi có thể thực hiện ý định của mình. Và tôi phải thực hiện thế nào? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 13
“Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.
Súng săn gồm súng hơi, súng kíp, súng tự chế, súng hỏa mai hoặc các loại súng khác dùng để săn bắn và các loại đạn, hạt nổ, thuốc nổ dùng cho các loại súng này. Do đó, loại súng hơi mà bạn muốn kinh doanh là một loại vũ khí.
Điều 5 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định cấm các hành vi sử dụng và quản lý vũ khí như sau:
– Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12.
– Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Luật sư tư vấn đối tượng được phép kinh doanh bắn súng hơi:1900.6568
– Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
– Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.
– Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
– Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép.
– Vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn.
– Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
– Hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo quy định trên sẽ cấm việc kinh doanh các loại vũ khí do đó bạn sẽ không được phép kinh doanh loại vũ khí này.