Thuốc là một sản phẩm vô cùng đặ biệt vì nó được sử dụng để con người chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Pháp luật đã có những quy định hết sức chặt chẽ về thuốc. Vậy có được phép quảng cáo loại thuốc không kê đơn không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thuốc không kê đơn:
Thuốc là sản phẩm chữa, trị bệnh cho con người, khi người bệnh mua thuốc thì sẽ có 2 loại là thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng không cần đơn thuốc, Bộ trưởng Bộ y tế quy định rõ các loại thuốc này trong Danh Mục thuốc không kê đơn quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BYT Danh mục thuốc không kê đơn.
Việc xây dựng Danh mục thuốc không kê đơn phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bảo đảm việc tiếp cận thuốc kịp thời cho người dân, đồng thời phải phù hợp với thực tế sử dụng, cung ứng thuốc của Việt Nam và hòa hợp với các nguyên tắc, quy định phân loại thuốc không kê đơn của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo quy định, thuốc được xem xét lựa chọn vào Danh mục thuốc không kê đơn khi đáp ứng các tiêu chí sau đây:
– Thuốc có độc tính thấp, trong quá trình bảo quản và khi vào trong cơ thể người không tạo ra các sản phẩm phân hủy có độc tính, không có những phản ứng có hại nghiêm trọng hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền khuyến cáo có thể dẫn đến một trong những hậu quả sau đây: Tử vong, đe dọa tính mạng, buộc người bệnh phải nhập viện để điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh; gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi;…
– Thuốc có phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi, ít có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng.
– Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh không phải là bệnh nghiêm trọng và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự kê đơn và theo dõi của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
– Đường dùng, dạng thuốc đơn giản mà người sử dụng có thể tự dùng với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị.
–Thuốc ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng
– Thuốc ít có khả năng gây tình trạng lệ thuộc
Và một số loại thuốc khác theo quy định. Như vậy, việc ban hành Danh mục thuốc không kê đơn giúp phân loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Thuốc kê đơn là thuốc nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ; khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng phải theo đơn thuốc, các thuốc không thuộc Danh mục thuốc không kê đơn được phân loại là thuốc kê đơn. Việc quy định rõ những nguyên tắc và tiêu chí khi lập Danh mục thuốc không kê đơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi khi người dùng mua thuốc không cần kê đơn có thể bảo đảm được tính mạng và sức khỏe cho mình.
2. Có được phép quảng cáo loại thuốc không kê đơn không?
Theo quy định, Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thể nhằm mục đích sinh lợi hoặc mục đích không sinh lợi. Mặt khác, có thể coi quảng cáo là một trong những hình thức để các cá nhân, tổ chức cạnh tranh bằng cách phân biệt sản phẩm. Vì vậy, quảng cáo vừa là phương tiện cung cấp những thông tin cần thiết cho khách hàng, vừa là công cụ để giới thiệu những ưu điểm ưu việt của hàng hóa, dịch vụ tới khách hàng, không chỉ để phân biệt mà còn nhằm mục đích để khách hàng có thể thấy hàng hóa, dịch vụ này có thể tốt hơn nhiều mặt hành khác. Từ đó giúp tăng mức tiêu thụ hàng hóa của mình, kích thích nhu cầu và tạo lập sự trung thành với nhãn hiệu hàng hóa.
Quảng cáo mang lại lợi ích vô cùng lớn, là một cách quảng bá sản phẩm thu lợi nhuận, tuy nhiên căn cứ Điều 7 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Quảng cáo thì có một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: Thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo…. Trong đó cấm quảng cáo cả thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc…
Bên cạnh đó Điều 79 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH 2018 Luật Dược quy định về điều kiện đối với thuốc được quảng cáo đó là:
+ Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn
+ Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam
Từ những quy định trên thì thuốc không kê đơn được phép quảng cáo nếu đáp ứng điều kiện đó là:
– Thứ nhất, loại thuốc không kê đơn không thuộc trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc có sự giám sát của thấy thuốc.
– Thứ hai, Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực
Như vậy, đáp ứng đủ hai điều kiện trên thì thuốc không kê đơn có thể được quảng cáo, ngược lại nếu thuốc không kê đơn bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc khi sử dụng không có sự giám sát của thày thuốc thì không được phép quảng cáo.
Pháp luật nghiêm cấm quảng cáo một số hàng hóa dịch vụ là nhằm bảo vệ lợi ích của cộng đồng, đảm bảo trật tự thương mại trong khi hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của người tiêu dùng và của các thương nhân. Cá nhân, tổ chức khi thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại cần chú ý tuân thủ đúng các quy định trên của pháp luật.
3. Quảng cáo thuốc không kê đơn bị xử phạt như thế nào?
Có thể thấy thuốc kê đơn là loại thuốc bị cấm quảng cáo hoàn toàn. Còn đối với thuốc không kê đơn, thì nếu đây là thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành mà vẫn quảng cáo thì cá nhân, tổ chức có hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ Điều 33 Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL 2023 xử phạt VPHC lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì mức xử phạt được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quảng cáo thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi vi phạm.
Về thẩm quyền xử phạt, thì căn cứ khoản 2 điều 64 văn bản xử phạt này thì:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Mà theo quy định mức phạt của hành vi vi phạm này là từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Hợp nhất Luật Quảng cáo
Thông tư 07/2017/TT-BYT Danh mục thuốc không kê đơn
Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL 2023 xử phạt VPHC lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH 2018 Luật Dược