Khuyến mại được xem là một trong những hình thức xúc tiến thương mại vô cùng phổ biến hiện nay, khuyến mại được rất nhiều thương nhân sử dụng thường xuyên nhằm mục đích gia tăng sức hút đối với các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà mình đang cung cấp. Vậy có được phép dùng thuốc chữa bệnh để thực hiện hoạt động khuyến mại hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được dùng thuốc chữa bệnh để khuyến mại không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất
– Khuyến mại được xem là hoạt động xúc tiến thương mại của các thương nhân, hoạt động khuyến mại hướng tới mục tiêu xúc tiến quá trình mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho các khách hàng nhiều lợi ích nhất định;
– Thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp cơ bản sau đây:
+ Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, khuyến mại dịch vụ mà mình kinh doanh;
+ Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện hoạt động khuyến mại cho các loại hàng hóa, các loại dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với các thương nhân đó.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có quy định cụ thể về các loại hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại, hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại, hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại cần phải được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và quy định cụ thể như sau:
– Hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại sẽ không bao gồm rượu, thuốc lá, sữa để thay thế cho sữa mẹ, các loại xổ số, thuốc chữa bệnh cho người bao gồm cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ y tế (ngoại trừ trường hợp khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc), dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập, dịch vụ giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, các loại hàng hóa và dịch vụ bị cấm lưu thông trên lãnh thổ của Việt Nam, các loại hàng hóa và dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại;
– Hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại sẽ không bao gồm rượu, xổ số, thuốc chữa bệnh cho người trong đó bao gồm cả các loại thuốc đó được phép lưu thông theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ y tế (ngoại trừ trường hợp bến bạ cho các thương nhân kinh doanh thuốc), xổ số, các loại hàng hóa và dịch vụ bị cấm lưu thông trên lãnh thổ của Việt Nam, các loại hàng hóa và dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật về khuyến mại;
– Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại, ngoại trừ các trường hợp khuyến mại căn cứ theo quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11 của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo đó thì có thể nói, không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, trong đó bao gồm cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ y tế để làm hàng hóa khuyến mại, ngoại trừ các trường hợp khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc khác.
2. Mức xử phạt hành vi sử dụng thuốc chữa bệnh để khuyến mại:
Theo như phân tích nêu trên, sẽ không được phép dùng thuốc chữa bệnh, trong đó bao gồm cả các loại thuốc đó được phép lưu thông theo quy định của Bộ y tế để làm hàng khuyến mại, ngoại trừ trường hợp khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc khác. Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về khuyến mại. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Khuyến mại cho các loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa và dịch vụ hạn chế kinh doanh, các loại hàng hóa chưa được phép lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam, các loại dịch vụ chưa được phép cung ứng tại Việt Nam, các loại rượu, xổ số, sữa thay thế cho sữa mẹ, các loại thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người trong đó bao gồm cả các loại thuốc đã được phép lưu hành theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ y tế (ngoại trừ trường hợp khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc khác), các dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập, các dịch vụ giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập, các dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, các loại hàng hóa và dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam, các loại hàng hóa và dịch vụ bác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật về khuyến mại;
– Sử dụng hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại được xác định là hàng hóa và dịch vụ cấm kinh doanh, các loại hàng hóa và dịch vụ bị hạn chế kinh doanh, các loại hàng hóa chưa được phép lưu thông và các loại dịch vụ chưa được phép cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam, các loại rượu, các loại xổ số, các loại thuốc lá, các loại thuốc chữa bệnh cho người trong đó bao gồm cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ y tế (ngoại trừ trường hợp khuyến mại cho các thương nhân kinh doanh thuốc khác), các loại hàng hóa và dịch vụ cấm lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, các loại hàng hóa và dịch vụ bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật về khuyến mại;
– Khuyến mại không trung thực, khuyến mại gây nhầm lẫn với các loại hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích lừa dối khách hàng;
– Khuyến mại nhằm mục đích tiêu thụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật;
– Khuyến mại tại các khu vực là trường học, các khu vực bệnh viện, tại trụ sở của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trụ sở của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
– Nội dung chương trình thi của các chương trình khuyến mại theo hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để có thể lựa chọn ra người trao giải thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố trái với truyền thống lịch sử văn hóa, trái với đạo đức, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Thực hiện hoạt động khuyến mại theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng bên ngoài bao gồm nhiều cấp độ, nhiều chi nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng hóa của người sau tuy nhiên không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó thì có thể nói, hành vi sử dụng thuốc cho bệnh để khuyến mại sẽ bị phạt tiền với mức tối đa là 30.000.000 đồng.
3. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có quy định cụ thể về mức giảm giá tối đa đối với các loại hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại. Cụ thể như sau:
– Mức giảm giá tối đa đối với các loại hàng hóa, các loại dịch vụ được khuyến mại theo quy định của pháp luật hiện nay không được phép vượt quá 50% giá hàng hóa, giá dịch vụ đó ngày trước thời gian thực hiện hoạt động khuyến mại;
– Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, thì sẽ áp dụng mức giảm giá tối đa đối với các loại hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100 % cũng sẽ chỉ được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ của chương trình và hoạt động xúc tiến thương mại do thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể;
– Không được phép áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện các hoạt động giảm giá cho các chương trình sau: Hàng hóa dịch vụ thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước, các loại thực phẩm tươi sống, hàng hóa và dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể/doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh hoặc thay đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Theo đó thì có thể nói, mức giảm giá tối đa đối với các loại hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại là không được phép vượt quá 50% giá trị của hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời điểm khuyến mại.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại;
– Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh;
– Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
– Thông tư 65/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định chi tiết khoản 2, Điều 91 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
THAM KHẢO THÊM: