Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp khá là phức tạp, trong đó quy định về việc cổ đông lớn nhất có được đồng thời là giám đốc không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về Giám đốc trong Công ty cổ phần:
- 2 2. Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc trong Công ty cổ phần:
- 3 3. Cổ đông lớn nhất đồng thời là giám đốc có được không?
- 4 4. Công ty cổ phần có bắt buộc phải có Giám đốc?
- 5 5. Giám đốc công ty cổ phần có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một đơn vị khác hay không?
- 6 6. Mẫu Quyết định bổ nhiệm Giám đốc của Công ty cổ phần:
1. Quy định về Giám đốc trong Công ty cổ phần:
Theo quy định, Giám đốc được hiểu là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, có sự giám sát của Hội đồng quản trị và sẽ phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Trong Công ty cổ phần, Giám đốc có thể một thành viên Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc có thể thuê người khác làm Giám đốc.
Nhiệm kỳ của Giám đốc trong Công ty cổ phần sẽ là không quá 05 năm.
Lưu ý: Giám đốc có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
2. Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc trong Công ty cổ phần:
Căn cứ khoản 3 Điều 162
– Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
– Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty.
– Đối với các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty Giám đốc được quyền quyết định các vấn đề liên quan mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
– Được quyền kiến nghị các phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty.
– Ngoại trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Giám đốc được quyền bổ hiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty.
– Về vấn đề tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thì được quyền quyết định.
– Được quyền tuyển dụng lao động trong Công ty.
– Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh.
– Được thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác mà pháp luật không cấm cũng như được quy định tại Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
3. Cổ đông lớn nhất đồng thời là giám đốc có được không?
Cổ đông theo quy định là một cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Theo quy định hiện hành, không có quy định về việc cấm cổ đông là cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất không được đồng thời làm giám đốc. Bởi theo mục 1 đã phân tích, Giám đốc có thể một thành viên Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc có thể thuê người khác làm Giám đốc.
Tuy nhiên, đối với trường hợp cụ thể cũng cần phải đối chiếu vào điều lệ công ty để xem xét trường hợp này theo điều lệ công ty có phù hợp hay không, nếu điều lệ công ty không quy định thì hoàn toàn có thể.
4. Công ty cổ phần có bắt buộc phải có Giám đốc?
Theo quy định, cơ cấu tổ chức của Công ty cổ phần được quy định như sau:
Mô hình thứ nhất:
Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Lưu ý:
Công ty không bắt buộc phải có Ban kiểm soát trong trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.
Mô hình thứ hai:
Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Lưu ý:
– Nếu như tổ chức theo mô hình này thì đảm bảo phải có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.
– Hội đồng quản trị ban hành sẽ ban hành quy chế về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán.
(căn cứ Điều 137 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Theo quy định trên, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình như đã phân tích. Và dù lựa chọn hình thức nào thì công ty cổ phần cũng cần phải có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Và Giám đốc chịu trách nhiệm điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Nếu như Giám đốc thực hiện trái quy định hay có những hành vi vi phạm pháp luật, có gây ra thiệt hại cho Công ty thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như bồi thường thiệt hại xảy ra.
5. Giám đốc công ty cổ phần có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một đơn vị khác hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 155 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng là thành viên Hội đồng quản trị nên phải đáp ứng các tiêu chuẩn bao gồm:
– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp.
– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
– Đảm bảo đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty.
– Thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp và công ty con của doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, theo quy định trên, pháp luật hiện không cấm Giám đốc công ty cổ phần đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp khác.
6. Mẫu Quyết định bổ nhiệm Giám đốc của Công ty cổ phần:
CÔNG TY CỔ PHẦN….. Số: ../20…/QĐ…. | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc …..***….. Hà Nội, ngày tháng năm 20… |
QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÔNG TY ………….
V/v: Bổ nhiệm Giám đốc Công ty./.
HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
CÔNG TY CỔ PHẦN ……….
– Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần …………;
– Căn cứ vào Biên bản họp Hội đồng Quản trị Công ty ………….;
– Căn cứ vào yêu cầu hoạt động kinh doanh;
– Xét năng lực và phẩm chất cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay bổ nhiệm:
Họ và tên: ……… Giới tính: Nam
Sinh ngày:…… Dân tộc:………. Quốc tịch: Việt Nam
CMTNN/Hộ chiếu số: ………do công an Tp.Hà Nội cấp ngày: ………
Nơi đăng ký HKTT: …………
Chỗ ở hiện tại: ………
Giữ chức vụ:……….Giám đốc ………
Điều 2: Quyền và nghĩa vụ:
Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Giám đốc tổ chức điều hành hoạt động của Công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên Công ty và theo luật hiện hành.
Giám đốc chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
1. Giám đốc Công ty có các quyền sau:
– Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;
– Quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của Công ty;
– Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư của Công ty;
– Ban hành quy chế quản lý nội bộ Công ty;
– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong Công ty trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
– Ký kết hợp đồng nhân danh Công ty;
– Kiến nghị phương án bố trí cơ cấu tổ chức Công ty;
– Trình báo cáo quyết toán tài chính hàng năm lên Hội đồng thành viên;
– Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý các khoản lỗ trong kinh doanh;
– Tuyển dụng lao động;
– Các quyền khác được quy định tại Điều lệ Công ty, tại Hợp đồng lao động mà Giám đốc ký với Công ty và theo quyết định của Hội đồng thành viên.
2. Giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
– Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, mẫn cán vì lợi ích hợp pháp của Công ty.
– Không được lạm dụng địa vị và quyền hạn, sử dụng tài sản của Công ty để thu lợi riêng cho bản thân, cho người khác, không được tiết lộ bí mật của Công ty, trừ trường hợp được Hội đồng quản trị chấp thuận;
– Khi Công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả thì phải thông báo tình hình tài chính của Công ty cho tất cả Hội đồng quản trị Công ty và chủ nợ biết;
– Không được tăng tiền lương, không được trả tiền thưởng cho công nhân viên của Công ty, kể cả cho người quản lý;
– Phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm này; kiến nghị biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính của Công ty.
Điều 3: Ông ……………… và những người liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nơi nhận – Như Điều 3 – Lưu VP | T/M HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CHỦ TỊCH
|
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật doanh nghiệp 2020.