Pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học. Cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người liên đến an toàn sinh học.
Cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người được thể hiện và thực hiện thông qua Liên Hợp quốc. Liên Hợp quốc gồm 6 cơ quan chính là: Đại hội đồng; Hội đồng Bảo an; Hội đồng Kinh tế – Xã hội; Hội đồng quản thác;
Liên Hợp quốc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ quan: thứ nhất, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR); thứ hai, Hội đồng Nhân quyền; thứ ba, các cơ quan của Công ước quốc tế về nhân quyền, bao gồm các ủy ban có các chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện các Công ước nhân quyền quốc tế cốt lõi. Ngoài ra, bên cạnh các cơ chế trên thì còn có các thủ tục đặc biệt, nhóm công tác, cố vấn đặc biệt để hỗ trợ nhân quyền ở góc độ chuyên đề hoặc theo từng quốc gia cụ thể.
Bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học là một trong những nội dung mà Liên Hợp quốc hết sức quan tâm. Các quy định và cơ chế quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong vấn đề này sẽ tập trung vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các tác động từ hai nhóm rủi ro chính mà việc ứng dụng công nghệ sinh học có thể gây ra, đó là: đạo đức sinh học và an toàn sinh học.
Nhóm pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người liên đến an toàn sinh học
Nói đến pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người liên quan đến an toàn sinh học thì phải kể đến một số văn kiện chính sau đây:
Mục lục bài viết
1. Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học:
Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học được thông qua năm 2000, sau khi nhóm công tác “Ad Hoc” về an toàn sinh học (nhóm công tác do Hội nghị các bên của Công ước Đa dạng sinh học lập nên) đã nhóm họp sáu lần (từ tháng 7 năm 1996 đến tháng 2 năm 1999) và đệ trình dự thảo văn bản của Nghị định thư để Hội nghị các bên xem xét tại cuộc họp bất thường đầu tiên, được triệu tập với mục đích là thông qua một nghị định thư về an toàn sinh học cho Công ước Đa dạng sinh học. Sau một vài lần trì hoãn, cuối cùng Nghị định thư Cartagena đã được thông qua và chính thức có hiệu lực vào ngày 11 tháng 9 năm 2003.
Theo cách tiếp cận phòng ngừa có trong Nguyên tắc số 15 của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, mục tiêu của Nghị định thư là góp phần đảm bảo mức độ bảo vệ thích hợp trong lĩnh vực chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn các sinh vật sống biến đổi gen (Living Modified Organism, viết tắt là LMOs) từ ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại có thể có tác động tiêu cực đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, cũng tính đến rủi ro đối với sức khỏe con người, đặc biệt tập trung vào các hoạt động xuất khẩu xuyên biên giới.
Về các đóng góp của Nghị định thư:
Thứ nhất, Nghị định thư góp phần thúc đẩy an toàn sinh học bằng cách thiết lập các quy tắc và thủ tục để chuyển giao, xử lý và sử dụng LMOs một cách an toàn, tập trung cụ thể vào các chuyển động xuyên biên giới của LMOs. Nó có một tập hợp các thủ tục bao gồm một quy trình dành cho việc đưa LMOs vào môi trường một cách có chủ ý được gọi là “quy trình thỏa thuận được
Thứ hai, Nghị định thư đưa ra các nguyên tắc và phương pháp về cách tiến hành đánh giá rủi ro. Trong trường hợp không có đủ thông tin và kiến thức khoa học liên quan, bên nhập khẩu có thể sử dụng biện pháp phòng ngừa trong việc đưa ra quyết định nhập khẩu của mình. Các bên cũng có thể tính đến các cân nhắc kinh tế xã hội phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc đưa ra các quyết định về nhập khẩu LMOs.
Thứ ba, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, Nghị định thư thành lập một Cơ quan thanh toán về an toàn sinh học (The Biosafety Clearing – House, BCH) để các bên trao đổi thông tin khoa học, môi trường, pháp luật và kinh nghiệm về các sinh vật biến đổi gen và có một số điều khoản quan trọng khác, bao gồm xây dựng năng lực, cơ chế tài chính, thủ tục tuân thủ và các yêu cầu đối với nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, là hỗ trợ các bên thực hiện Nghị định thư, có tính đến các nhu cầu đặc biệt của các bên là nước đang phát triển, đặc biệt trong số đó là các quốc gia kém phát triển, đảo nhỏ và các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi cũng như các nước là trung tâm nguồn gốc đa dạng di truyền.
Ngoài ra, Nghị định thư chứa các điều khoản liên quan đến một số hiệp định thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chẳng hạn như Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) và Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT), và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Các văn kiện vừa có mối liên hệ bổ sung hỗ trợ lẫn nhau vừa độc lập không phụ thuộc nhau, cũng như không dẫn đến thay đổi các quyền và nghĩa vụ theo bất kỳ thỏa thuận đã có nào của nhau.
2. Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và khắc phục hậu quả:
Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và khắc phục hậu quả đã được thông qua vào ngày 15 tháng 10 năm 2010 tại cuộc họp lần thứ năm của Hội nghị các bên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, được tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản và có hiệu lực vào ngày 5 tháng 3 năm 2018 [18]. Được thông qua như một thỏa thuận bổ sung cho Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, Nghị định thư bổ sung nhằm mục đích góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, cân nhắc các rủi ro đến sức khỏe con người, thông qua thiết lập nguyên tắc và quy trình quốc tế về trách nhiệm pháp lý và bồi thường liên quan đến LMOs.
Nghị định thư bổ sung hỗ trợ các Bên trong nỗ lực giải quyết thiệt hại đối với đa dạng sinh học do LMOs gây ra bằng cách cung cấp một số yếu tố cần thiết để phát triển các quy tắc hoặc thủ tục lập pháp, hành chính, tư pháp trong nước liên đến trách nhiệm pháp lý và khắc phục. Nghị định thư bổ sung yêu cầu các Bên cung cấp, theo luật quốc gia của họ các quy tắc và thủ tục giải quyết thiệt hại. Yêu cầu này không nhất thiết phải ban hành luật mới, có thể được thực hiện bằng cách áp dụng luật trong nước hiện hành đề cập đến các yếu tố được yêu cầu theo Nghị định thư bổ sung.
Nghĩa vụ trung tâm của các Bên tham gia Nghị định thư bổ sung là cung cấp các biện pháp ứng phó trong trường hợp có thiệt hại do LMOs gây ra hoặc khi có đủ khả năng xảy ra thiệt hại nếu các biện pháp ứng phó kịp thời không được thực hiện. Để đạt được điều đó, các Bên của Nghị định thư bổ sung phải:
Thứ nhất, yêu cầu người điều hành, theo bất kỳ yêu cầu nào của cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp có thiệt hại, phải: thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền, đánh giá thiệt hại và thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp.
Thứ hai, yêu cầu người điều hành thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp nếu có đủ khả năng khi xảy ra thiệt hại trong trường hợp các biện pháp ứng phó kịp thời không được thực hiện.
Thứ ba, đảm bảo rằng cơ quan có thẩm quyền xác định người điều hành đã gây ra thiệt hại, đánh giá thiệt hại và xác định các biện pháp ứng phó nào nên được thực hiện bởi nhà điều hành. Yêu cầu các quyết định của cơ quan đối với nhà điều hành để thực hiện các biện pháp ứng phó là có lý do và có sẵn các biện pháp khắc phục, bao gồm cả việc xem xét hành chính hoặc tư pháp đối với các quyết định đó.
Thứ tư, đặt ra yêu cầu theo đó cơ quan có thẩm quyền có thể tự mình thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp, đặc biệt trong các tình huống mà người điều hành không thực hiện được. Cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền quyền thu hồi từ người điều hành các chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện các biện pháp ứng phó.
Do các biện pháp ứng phó có thể được áp dụng bởi cơ quan hành chính có thẩm quyền, chứ không phải bởi cơ quan tư pháp, Nghị định thư bổ sung được coi là đã đưa ra một “cách tiếp cận hành chính” đối với trách nhiệm pháp lý và giải quyết khắc phục hậu quả liên đến LMOs.