Chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu cần phải làm thủ tục gì? Thủ tục chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu.
Chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu cần phải làm thủ tục gì? Thủ tục chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào quý công ty ! Tôi có vấn đề về việc chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu muốn nhờ quý công ty Luật tư vấn như sau: Công ty chúng tôi đã được ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép xây dựng 1 cửa hàng xăng dầu đứng tên công ty chúng tôi. Cửa hàng xăng dầu được phê duyệt xây dựng trên 3 thửa đất đứng tên cá nhân gia đình chủ doanh nghiệp. Cửa hàng đã được xây dựng và hoạt động ổn định được 3 năm Giờ công ty chúng tôi muốn bán vậy cần làm nhưng thủ tục như thế nào. Tài sản bán là cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của công ty, 3 thửa đất lại đứng tên cá nhân?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
* Nội dung:
Thứ nhất, cần phải xác định chính xác chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất 03 thửa đất được dùng để xây dựng của hàng xăng dầu của công ty bạn vì là tài sản đã được đưa vào sử dụng trong quá trình kinh doanh. Xác định thông tin về sở hữu sẽ giúp cho quá trình mua bán, chuyển nhượng tài sản được thuận tiện hơn rất nhiều.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ sở hữu đối với tài sản được đưa vào kinh doanh có sự khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp. Bạn không cung cấp thông tin về loại hình doanh nghiệp của công ty bạn đang làm việc nhưng có nhắc tới cụm từ “chủ doanh nghiệp”- một khái niệm đặc trưng của loại hình doanh nghiệp tư nhân. Về vấn đề góp vốn vào doanh nghiệ tư nhân, Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“Điều 184. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp
1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh”
Từ nội dung quy định trên có thể thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp có toàn quyền trong việc góp và quản lý vốn đưa vào kinh doanh. Chính bởi tính duy nhất trong sở hữu vốn và tính chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các trách nhiệm của doanh nghiệp vậy nên việc góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân có sự khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác.
Cụ thể là chủ doanh nghiệp tư nhân góp vốn vào doanh nghiệp của mình chỉ cần thực hiện các thủ tục để đăng ký vốn với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và hồ sơ tài chính của doanh nghiệp mà không phải thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng cho doanh nghiệp đối với phần tài sản được sử dụng làm vốn góp đó. Như vậy có nghĩa là không có sự phân biệt giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản của doanh nghiệp đó. Trong trường hợp này, điều đó đồng nghĩa với việc quyền sử dụng đất của 03 lô đất nơi đặt cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu công ty bạn đang làm việc không được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân thì theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì việc góp vốn vào công ty chỉ được chấp nhận khi đã có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản dùng làm phần vốn góp đó cho phía công ty. Như vậy thì quyền sử dụng đất 03 lô đất trong trường hợp này sẽ thuộc sở hữu của công ty và việc chuyển nhượng khối tài sản này phải được sự chấp thuận của công ty.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Thứ hai, về thủ tục để bán tài sản cửa hàng xăng dầu và 03 lô đất nơi đặt cửa hàng xăng dầu. Trong trường hợp này, dựa trên những thông tin bạn cung cấp thì được hiểu theo hướng doanh nghiệp của bạn chỉ đơn thuần muốn bán toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của cửa hàng xăng dầu chứ không liên quan đến vấn đề chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp. Vì tài sản muốn bán đều là những tài sản thông thường nên thủ tục mua bán tài sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2005. Cụ thể bạn và bên mua sẽ xác lập hợp đồng mua bán tài sản theo Điều 428 Bộ luật dân sự 2005: "Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.". Về giá, phương thức thanh toán; địa điểm; thời hạn, chất lượng sản phẩm,…có thể thực hiện theo từ Điều 429 đến Điều 439 Bộ luật dân sự 2005.
Cả cửa hàng xăng dầu và quyền sử dụng 03 lô đất đều là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu vậy nên để thực hiện thủ tục mua bán những tài sản này thì hợp đồng mua bán tài sản phải được công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký lại thông tin về chủ sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký quyền sở hữu tài sản theo đúng quy định của pháp luật.