Chứng thực di chúc là một trong những hình thức hợp pháp của di chúc. Trên thực tế, cá nhân thường hay đi chứng thực di chúc để đảm bảo giá trị pháp lý.
Theo quy định của pháp luật, một bản di chúc hợp pháp về hình thức phải được soạn thảo thành văn bản, có người làm chứng hoặc được UBND xã, phường, cơ quan công chứng xác nhận. Nếu di chúc không có chứng thực thì người lập di chúc phải tự tay viết di chúc theo nội dung quy định và ký tên. Nếu là di chúc miệng thì phải có hai người làm chứng. Hai người này ghi chép lại lời nội dung di chúc và phải ký tên.
Sau đây công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin cung cấp kiến thức về thủ tục xin chứng thực di chúc.
Trình tự thực hiện:
– Người lập di chúc xuất trình giấy tờ và tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
– Người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình;
– Trường hợp di chúc được soạn thảo sẵn thì người có thẩm quyền chứng thực xem xét nội dung di chúc, nếu không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì chứng thực di chúc;
– Người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;
– Người lập di chúc nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.
Cách thức thực hiện:
– Trực tiếp thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền chứng thực (UBND cấp xã); hoặc
– Tại chỗ ở hoặc nơi có mặt của người lập di chúc trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác mà người lập di chúc không thể đến trụ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thành phần hồ sơ:
– Phiếu yêu cầu chứng thực hợp đồng, văn bản;
– Chứng minh nhân dân;
– Bản di chúc (trong trường hợp soạn thảo sẵn);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đối với tài sản nếu di sản là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. (Trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác mà người lập di chúc không thể đến trụ sở của UBND phường, xã, việc chứng thực được thực hiện tại chỗ ở hoặc nơi có mặt của người lập di chúc, thì không nhất thiết phải xuất trình Giấy tờ chứng minh yếu tố quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản đối với tài sản đó.)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
– Trong ngày nhận hồ sơ (nếu nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp lệ trước 03 giờ chiều); Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo (nếu nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp lệ sau 03 giờ chiều); Trường hợp hợp đồng, văn bản có tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Không quá 03 ngày làm việc với trường hợp đơn giản, không quá 10 ngày làm việc đối với trường hợp phức tạp, không quá 30 ngày đối với trường hợp đặc biệt phức tạp, kể từ khi thụ lý.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: UBND cấp xã
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản chứng thực