Các cơ quan tiến hành tố tụng cần căn cứ vào những đặc điểm của từng loại chứng cứ để có những trình tự, thủ tục, biện pháp hợp lý thì mới đảm bảo việc thu thập chứng cứ được khách quan, toàn diện và kịp thời nhất.
Mục lục bài viết
1. Chủ thể thu thập chứng cứ:
“Chủ thể” của một hoạt động có thể hiểu là bộ phận chính, giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động đó, như vậy chủ thể trong hoạt động thu thập chứng cứ có thể hiểu là những cơ quan, con người chính, giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ. Những cơ quan, con người này được pháp luật cho phép tiến hành các hoạt động để thu thập chứng cứ và chỉ có những cơ quan, người được cho phép mới có quyền thu thập chứng cứ. Những cơ quan, người không phải là chủ thể của hoạt động thu thập chứng cứ thì không được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ và những chứng cứ không phải do chủ thể thu thập chứng cứ thu thập thì sẽ tùy vào tính chất, mức độ của nó để xem xét đến giá trị chứng minh.
Nghiên cứu quy định về chủ thể thu thập chứng cứ thấy rằng, tùy vào từng giai đoạn của việc giải quyết một vụ án hình sự thì chủ thể lại được phép thực hiện các hoạt động khác nhau để thu thập chứng cứ như cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ gồm: Tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ được cho phép; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án, CQĐT có quyền tiến hành đầy đủ các hoạt động thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra; VKS là chủ thể thu thập khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm và một số trường hợp khác; Những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì tùy vào từng giai đoạn, tính chất, mức độ của tội phạm cụ thể thì được áp dụng những biện pháp thu thập chứng cứ cụ thể. Ngoài ra người bào chữa cũng là chủ thể được quyền thu thập những chứng cứ nhất định như gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
2. Trình tự, thủ tục và các biện pháp thu thập chứng cứ:
Mỗi một loại chứng cứ đều có những cơ chế hình thành, tồn tại khác nhau do đó chúng có những đặc điểm khác nhau nên trình tự, thủ tục và các biện pháp để thu thập chúng cũng khác nhau. Căn cứ vào những đặc điểm của từng loại để có những trình tự, thủ tục, biện pháp hợp lý thì mới đảm bảo việc thu thập chứng cứ được khách quan, toàn diện và kịp thời nhất. Cụ thể, trong thu thập chứng cứ của các vụ án hình sự có thể gồm các trình tự, thủ tục như:
* Thủ tục giải thích quyền và nghĩa vụ: Là thủ tục được dùng trong các hoạt động lấy lời khai, lời trình bày, tiến hành đổi chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám người ... Đây là thủ tục để đảm bảo những người bị áp dụng biện pháp này ý thức và biết được quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra, từ đó đảm bảo họ được thực hiện quyền và trách nhiệm của mình được đầy đủ, đảm bảo chứng cứ thu thập từ đây được khách quan. Trong thực tiễn thì thủ tục này vẫn thường được xem nhẹ, CQĐT thường tiến hành ngay các hoạt động lấy lời khai, hỏi cung mà không giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị áp dụng, điều này xuất phát từ tâm lý chung đánh giá việc giải thích quyền và nghĩa vụ là không cần thiết, ngoài ra còn xuất phát từ tâm lý rằng người bị áp dụng biết càng ít quyền thì càng tốt.
* Thủ tục chứng kiến: Đây là thủ tục để đảm bảo các hoạt động tố tụng được khách quan khi có người không liên quan đến nội dung vụ án được yêu cầu xem, chứng kiến một hoạt động tố tụng như: Nhận biết giọng nói; Khám xét người; Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện.... Mục đích của thủ tục là để bảo đảm cho các hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành đúng quy định, khách quan, vô tư; bảo đảm giá trị chứng minh của các tài liệu chứng cứ thu thập được.
* Thủ tục kiểm sát: Đây là một thủ tục để đảm bảo thực hiện nguyên tắc trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của VKS. Theo đó, trong một số trường hợp như đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét .… thì trước khi tiến hành thực hiện, CQĐT phải thông báo cho VKS để cử Kiểm sát viên trực tiếp tham gia cùng CQĐT. Đối với các trường hợp như khám xét, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì trước khi thực hiện phải được VKS phê chuẩn. Đặc biệt có một nội nội dung mới trong thủ tục này được quy định trong BLTTHS 2015 đó là trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của BLTTHS thì CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho VKS để kiểm sát việc thu thập ….
* Thủ tục lập biên bản: Đây là thủ tục về mặt hình thức của hoạt động thu thập chứng cứ và là yêu cầu bắt buộc khi tiến hành các hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động thu thập chứng cứ nói riêng. Thủ tục này có ý nghĩa để ghi nhận một hành động, một cách thức nào đó đã được thực hiện để chuyển hóa nguồn chứng cứ thành chứng cứ và đưa vào hồ sơ vụ án, ngoài ra nó còn có một ý nghĩa khác là cơ sở để đánh giá tính khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ rằng có hay không việc “hợp lý hóa” tài liệu, đặc biệt là việc “hợp lý hóa” quá trình thu giữ đồ vật, tài liệu hay chuyển hóa tài liệu trinh sát vào tài liệu điều tra vụ án. Thực tiễn quá trình thu thập chứng cứ thường được sử dụng 3 loại biên bản sau.
– Một là biên bản ghi nhận: Đây là loại biên bản ghi nhận, chuyển hóa, thu thập từ nguồn chứng cứ vô hình như lời khai, lời trình bày thành chứng cứ hữu hình có thể đọc được, nhìn được và ký xác nhận được (Biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, biên bản xác minh, biên bản làm việc).
– Hai là biên bản thực hiện: Đây là loại biên bản được ban hành để thể hiện một quá trình thu thập chứng cứ nào đó đã được thực hiện để thu thập chứng cứ, ví dụ như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét....
– Ba là biên bản thu giữ: Đây là loại biên bản thể hiện quá trình thu thập chứng cứ đã thu giữ những tài liệu, chứng cứ gì.
* Thủ tục ra văn bản áp dụng: Trong quá trình thu thập chứng cứ, có những hoạt động có thể thực hiện ngay như hỏi cung, lấy lời khai, lập biên bản xác minh ... cũng có những trường hợp BLTTHS yêu cầu phải có văn bản của người có thẩm quyền áp dụng mới được thực hiện như: Khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, trưng cầu giám định.... Những quy định về thủ tục này là để đảm bảo những hoạt động thu thập này không bị áp dụng tràn lan hoặc lợi dụng để sử dụng vào mục đích cá nhân của người trực tiếp thực hiện. Ngoài ra, có những trường hợp văn bản áp dụng đó phải được sự phê chuẩn bằng một văn bản khác của VKS. Ví dụ như Lệnh khám xét trừ trường hợp khám xét khẩn cấp...
* Các thủ tục đặc biệt: Ngoài những thủ tục cơ bản trên thường được áp dụng trong hầu hết các vụ án thì cũng có những thủ tục đặc biệt được áp dụng đối với các hoạt động thu thập đặc biệt như:
– Thủ tục điều tra tố tụng đặc biệt: Đây là hoạt động lần đầu tiên được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, theo đó để thu thập tài liệu, chứng cứ thì sau khi khởi tố vụ án người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Đây là những hoạt động có khả năng xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản của đối tượng bị áp dụng, tuy nhiên trước yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, pháp luật đã ghi nhận những quy định này và nó cũng chỉ có thể được sử dụng vào mục đích đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Thủ tục điều tra đối với pháp nhân: Pháp nhân là một chủ thể đặc biệt trong pháp luật Việt Nam, chủ thể này mới lần đầu được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, cụ thể chương XXIX BLTTHS 2015 quy định thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân. Do là những quy định mới nên nhìn chung luật cũng chưa quy định cụ thể, chi tiết các biện pháp thu thập chứng cứ đối với pháp nhân, hiện tại mới chỉ quy định biện pháp thu thập chứng cứ đó là lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hoạt động này phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ …
– Thủ tục với người dưới 18 tuổi. Đây là một thủ tục đặc biệt thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên là giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm của mình, tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, mục đích giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Muốn thu thập được chứng cứ thì phải có biện pháp thu thập chứng cứ hay nói cách khác phương pháp thu thập chứng cứ chính là cách thức được chủ thể thực hiện để nhằm thu thập được chứng cứ. Biện pháp thu thập chứng có thể chia làm hai loại trực tiếp và gián tiếp.
– Thu thập theo hình thức trực tiếp: Đây là những hoạt động mà người thu thập chứng cứ tự mình trực tiếp tiến hành các thao tác, cách thức để thu thập chứng cứ như: Khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, lấy lời khai, hỏi cung ... Các hoạt động này hướng tới việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trên cơ sở phải tuân thủ về trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định. Ngoài ra để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án được thuận lợi, cùng với việc trực tiếp áp dụng các biện pháp để thu thập chứng cứ, BLTTHS còn quy định các cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ phải cung cấp những vấn đề mình biết.
Đối với người bào chữa, việc gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa cũng là những hoạt động chủ động để có thể thu thập được chứng cứ.
– Thu thập theo hình thức bị động: Đây là phương pháp thu thập chứng cứ mà những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Hoạt động này ghi nhận quyền của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào trong việc đưa ra chứng cứ hoặc những vấn đề có liên quan để làm sáng tỏ vụ án.