Theo Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Người bào chữa theo quy định tại điều 72 BLTTHS năm 2015 là: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Những người nào được là người bào chữa? Theo quy định tại khoản 2 điều 72 BLTTHS năm 2015 thì người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý.
Mục lục bài viết
1. Người bào chữa là Luật sư:
Nghề luật sư có nguồn gốc từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại , đến ngày nay tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia trên thế giới mà có sự nhận thức khác nhau về về vai trò của luật sư. Nghề luật sư được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau và rất đa dạng. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về nghề luật sư nhưng đều có chung một quan điểm cho rằng, luật sư là một nghề trong xã hội là công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ công lý. Nghề luật sư rất chú ý đến vai trò cá nhân, uy tín nghề nghiệp và tính chất của nghề tự do trong tổ chức hành nghề luật sư . Theo quy định tại điều 2 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)”.
Luật sư là người bào chữa chuyên nghiệp, hoạt động hành nghề trong tổ chức hành nghề hoặc độc lập trong đoàn luật sư. Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa kể từ khi được cơ quan THTT vào sổ đăng ký bào chữa và thông báo về việc đăng ký bào chữa tới người bào chữa. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thông qua dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật ... . Trong những năm qua, sự tham gia của Luật sư trong các vụ án hình sự đã tăng đáng kể, khẳng định vai trò quan trọng của luật sư bào chữa trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội; góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho hội đồng xét xử có những phán quyết chính xác, bảo đảm được sự nghiêm minh, công bằng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Trong hoạt động tư pháp, nếu không có sự tham gia của luật sư thì sẽ khó xây dựng được một nền tư pháp dân chủ, minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các bên trong quá trình tố tụng. Đặc biệt, trong trường hợp việc xét xử xảy ra oan sai thì công lý sẽ bị tổn thương khó có thể bù đắp được. Do đó hoạt động của luật sư trong TTHS không những bảo vệ được quyền bào chữa mà còn có đóng góp lớn vào phần bảo vệ công lý, mà điều quan trọng là tạo được niềm tin của người dân vào công lý, công bằng, lẽ phải và củng cố niềm tin vào chế độ xã hội .
2. Trợ giúp viên pháp lý:
Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) là viên chức nhà nước, làm việc tại trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) của nhà nước, được chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ TGVPL theo đề nghị của giám đốc sở tư pháp, tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý .
Công tác TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách sẽ góp phần bảo đảm cho sự công bằng trong nhận thức và bình đẳng trong sử dụng pháp luật cho người thụ hưởng khi tham gia tố tụng hình sự. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Thuật ngữ Trợ giúp viên pháp lý được chính thức ghi nhận tại điều 19 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý trước tiên là công dân Việt Nam, thứ hai là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý như: (1) có phẩm chất đạo đức tốt, (2) có trình độ cử nhân luật trở lên, (3) đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư hoặc đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý, (4) có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý và (5) không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Nhìn chung, hoạt động bào chữa cho người bị can, bị cáo trong TTHS của TGVPL đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bắt giữ, bị can, bị cáo là người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo theo pháp luật về trợ giúp pháp lý từ năm 2015 – tháng 6/2020 trên địa bàn cả nước . Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 413.143 vụ việc trợ giúp pháp lý với 336.761 vụ việc tư vấn pháp luật, 64.741 vụ việc tham gia tố tụng, 1.786 vụ việc đại diện ngoài tố tụng và 9.855 vụ việc khác cho 413.143 đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có 93.582 người nghèo, 104.160 người dân tộc thiểu số, 50.891 người có công với cách mạng,...Dẫn báo cáo đánh giá công tác trợ giúp pháp lý của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015–2020 để minh họa cho những kết quả đạt được của TGVPL sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành, Hà Nội có thêm cơ sở, nguồn lực đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý. Nếu số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 là 567 vụ, thì năm 2019 là 612 vụ và 6 tháng đầu năm 2020 là 466 vụ. Tỷ lệ trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng tăng từ 50% lên 94,9% qua các năm. Thành phố Hà Nội cũng thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý tăng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng hóa về tội danh. Đánh giá đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Hà Nội cơ bản bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
3. Bào chữa viên nhân dân:
Bào chữa viên nhân dân (BCVND) là người được ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận cử để bào chữa cho thành viên của tổ chức mình trong trường hợp theo quy định của pháp luật.
Pháp luật TTHS nước ta quy định hình thức để tổ chức xã hội và công dân tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự. Một trong những hình thức thể hiện sự tham gia của tổ chức xã hội và công dân là sự tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự của bào chữa viên nhân dân (BCVND). Chức danh BCVND ở nước ta ra đời trên cơ sở Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, từ năm 1989 đến nay, khi các đoàn luật sư được khôi phục lại thì hoạt động BCVND hầu như chấm dứt, chức danh BCVND chỉ “tồn tại trên phương diện pháp lý” .
Cách đây hơn 60 năm, tại Thông tư số 101/HCTP ngày 29–8–1957, Bộ trưởng bộ tư pháp gửi Ủy ban hành chính, các Tòa án nhân dân khu, thành phố tỉnh thực hiện quy định BCVND. Kế thừa quy định này tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLHS năm 1988, điểm c khoản 1 Điều 57 BLHS năm 2003 và điểm c khoản 2 Điều 72 BLHS năm 2015 đều có quy định về chức danh BCVND. Về điều kiện của Bào chữa viên được quy định tại khoản 3 Điều 12 BLTTHS năm 2015 là:
Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Căn cứ để BCVND tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa. Điểm c, khoản 2 điều 76, quy định: “Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”, theo quy định tại khoản 3, Điều 57 BLTTHS năm 2003 thì Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Và quy định tại khoản 4 điều 75 BLTTHS năm 2015, “Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền và trách nhiệm tự cử Bào chữa viên nhân dân tham gia TTHS để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình”.
Bào chữa viên nhân dân là một chủ thể tư pháp có tư cách của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn tố tụng hình sự ở Việt Nam chế định BCVND hầu như không có văn bản pháp quy nào quy định về thành lập, tổ chức, quản lý, phát triển đội ngũ này và việc xem xét thủ tục chứng nhận tư cách người bào chữa, các nguyên tắc, phạm vi hành nghề lại chưa được hướng dẫn và quy định chi tiết, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bào chữa viên nhân dân . Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi, “chế định bào chữa viên nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và nên chẳng cần xem xét lại và nên bỏ chế định bào chữa viên nhân dân là người bào chữa trong BLTTHS sửa đổi, bổ sung sắp tới” . Điều đó cũng phù hợp với xu thế phát triển khách quan của nghề luật sư và chủ trương cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.
4. Người đại diện của người bị buộc tội:
Người đại diện của người bị buộc tội là cá nhân cũng có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa trong trường hợp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi. Người đại diện của người bị buộc tội có thể là cha, mẹ, người giám hộ của họ. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho pháp nhân.
Người đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 tại điều 136 đại diện theo pháp luật của cá nhân là (1) cha, mẹ đối với con chưa thành niên; (2) người giám hộ đối với người được giám hộ; và của pháp nhân tại khoản điều 137 Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm “a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Người đại diện của người bị buộc tội đã được pháp luật tố tụng hình sự nước ta ghi nhận tư cách tham gia là người bào chữa từ rất sớm kể từ khi pháp điển hóa lần thứ nhất BLTTHS năm 1988”. Theo quy định tại điều 35 của Bộ luật này thì người bào chữa có thể là (b) người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo. Nếu so với lần pháp điển hóa năm 1988 của BLTTHS thì BLTTHS năm 2003 tiếp tục ghi nhận và mở rộng thêm người được hưởng lợi khi có người đại diện là người bị tạm giữ. Điểm b, khoản 1 Điều 56 quy định người bào chữa có thể là “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” và trong chương XXXII thủ tục tố tụng của người chưa thành niên quy định tại khoản 1 Điều 305 “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Trong các hoạt động tố tụng của cơ quan THTT đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 thì phải tuân theo khoản 3, điều 303 BLTTHS năm 2003 “Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam”.
Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT–VKSNDTC–TANDTC–BCA–BTP BLĐTB&XH của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành ngày 21/12/2018, có hiệu lực từ ngày 05/02/2019, về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Quy định tại Điều 3 của thông tư liên tịch này về người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135, 136 và 137 Bộ luật dân sự năm 2015 là Cha, Mẹ; Người giám hộ; Người do
Người bào chữa là người đại diện của người bị buộc tội được pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận trong BLTTHS thể hiện sự bảo đảm quyền bào chữa, quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế người đại diện của người bị buộc tội khi tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người mà họ đại diện còn rất nhiều hạn chế (1) chưa thực hiện hết các quyền của người bào chữa được pháp luật quy định thậm chí có người đại diện có kiến thức pháp luật hạn chế do điều kiện địa lý, trình độ văn hóa, vv...; (2) không biết hoặc không thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong hoạt động bào chữa mà chủ yếu dựa vào chứng cứ cơ quan điều tra thu thập; (3) không thực hiện quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án dẫn đến chất lượng bào chữa chưa cao.