Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quản lý bởi các chủ thể, bao gồm Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý quỹ và một số chủ thể khác, để đảm bảo quản lý quỹ một cách hiệu quả cũng như hỗ trợ NLĐ kịp thời vừa đảm bảo sự ổn định bền vững.
Quỹ BHXHBB được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ NLĐ trong một số trường hợp khó khăn, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do vậy, quỹ BHXHBB cần được quản lý một cách hiệu quả để vừa hỗ trợ NLĐ kịp thời vừa đảm bảo sự ổn định bền vững của quỹ. Trách nhiệm quản lý quỹ được pháp luật điều chỉnh tương đối cụ thể bao gồm Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý quỹ và một số chủ thể khác.
Mục lục bài viết
1. Cơ quan Bảo hiểm xã hội:
BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, ở trung ương là BHXH Việt Nam. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH tỉnh, thành phố (BHXH tỉnh) trực thuộc BHXH Việt Nam. Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố (BHXH huyện) trực thuộc BHXH tỉnh. Ngoài ra BHXH còn chịu sự quản lý Nhà nước của một số Bộ liên quan như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan BHXH được quy định cụ thể tại Nghị định 89/2020/NĐ–CP ngày 04/08/2020 bao gồm:
- Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.
- Xây dựng, trình Chính phủ, và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt.
- Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
- Quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT.
- Thanh tra, xử phạt hành chính, đảm bảo việc đóng BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện đúng pháp luật;
- Báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện các quỹ BHXH, BHYT, BHTN, và các báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của BHXH Việt Nam là sử dụng và đảm bảo mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý và sử dụng các quỹ BHXH đều phải tuân theo quy định của pháp luật; và có nghĩa vụ báo cáo định kỳ về tình hình các quỹ BHXH cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Một trong các mục tiêu quan trọng của quản lý và sử dụng các quỹ BHXH đó là phải đảm bảo cân đối thu – chi các quỹ BHXH để đảm bảo nguồn tài chính chi trả các chế độ BHXH, BHTN cho người hưởng và bù đắp một phần lạm phát cho người hưởng các chế độ BHXH thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng theo quy định. Để đảm bảo cân đối thu – chi các quỹ BHXH, ngoài việc chi trả các chế độ cho người hưởng, BHXH Việt Nam còn có trách nhiệm sử dụng quỹ BHXHBB để đầu tư hợp lý đảm bảo tăng trưởng quỹ, đảm | bảo nguồn kinh phí để chi trả các chế độ như hưu trí, tử tuất, TNLĐ, BNN cho NLĐ trong dài hạn. BHXH Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật và hoạt động đầu tư phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Chính phủ (mà đại diện là Bộ Tài chính) và Quốc hội để đảm bảo sự hợp lý, tính minh bạch.
2. Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội:
Hội đồng quản lý BHXH giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan đó là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định.
Hội đồng quản lý bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 05 năm.
Theo quy định tại Nghị định 89/2020/NĐ–CP, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý bao gồm:
- Xây dựng, phát triển, và giám sát thực hiện các kế hoạch phát triển BHXH, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của BHXH.
- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện thu chi các quỹ BHXH, BHTN, BHYT đúng mục đích, đúng pháp luật. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi việc sử dụng các quỹ BHXHBB được an toàn, phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và nền kinh tế.
- Thông qua dự toán hằng năm về thu, chi, mức chi phí các quỹ BHXH, BHTN, BHYT trước khi BHXH Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện các chế độ BHXH, BHTN, BHYT; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT trước khi BHXH Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền;
- Quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc;
- Thành viên của Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, ngành chịu trách nhiệm báo cáo về những nội dung liên quan với Bộ trưởng bộ, ngành đó;
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; chiến lược phát triển của ngành; kiện toàn hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam; cơ chế quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. ”
Như vậy, có thể thấy, Hội đồng quản lý BHXH có vai trò như một cầu nối giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan ban ngành liên quan nói riêng và với Chính phủ nói chung. Do tầm quan trọng của các quỹ BHXH đối với toàn xã hội mà BHXH Việt Nam phải chịu sự quản lý, giám sát của rất nhiều cơ quan ban ngành. Bên cạnh đó, do tính chất của BHXH là ảnh hưởng và chịu sự tác động mọi lĩnh vực của nền kinh tế, mọi khía cạnh của đời sống xã hội nên việc thành lập một cơ quan giám sát đối với các quỹ BHXH, mà các thành viên của nó đến từ các cơ quan ban ngành liên quan là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Hội đồng quản lý BHXH đảm bảo việc vận hành của BHXH Việt Nam được thông suốt, việc sử dụng các quỹ BHXH được thống nhất giữa các cơ quan ban ngành liên quan. Bên cạnh đó, hội đồng quản lý còn đảm bảo chính sách mới về BHXH được xây dựng, sửa đổi kịp thời, phù hợp với tình hình chung của toàn xã hội mà không gặp bất kỳ vướng mắc nào.
3. Các chủ thể khác giám sát việc sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội:
Khoản 4, Điều 8, Luật BHXH 2014 quy định: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội”.
Khoản 2, Điều 16, Luật BHXH 2014 quy định: “Định kỳ ba năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quỹ bảo hiểm xã hội được kiểm toán đột xuất”.
Khoản 13, Điều 23, Luật BHXH 2014 quy định về trách nhiệm của Cơ quan BHXH như sau: “Định kỳ 06 tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và hằng năm, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo Bộ Y tế về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế, báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế”.
Với đặc thù và tính quan trọng của mình, quỹ BHXHBB đòi hỏi rất nhiều cơ quan, ban ngành tham gia giám sát việc sử dụng quỹ BHXH. Theo đó, 06 tháng một lần, các cơ quan BHXH phải báo cáo thu chi cho các bộ ngành liên quan, cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Bên cạnh đó, các nguồn quỹ BHXHBB còn cần sự tham gia quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân các cấp tại địa phương. Kiểm toán nhà nước Việt Nam bắt buộc phải kiểm toán toàn bộ quỹ BHXHBB định kỳ 03 năm một lần, hoặc khi có yêu cầu đột xuất của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
Sự quan trọng của quỹ BHXHBB đối với hệ thống an sinh xã hội của toàn bộ đất nước đòi hỏi sự cẩn thận như vậy. Điều đó là không thừa. Có như vậy mới đảm bảo quỹ BHXHBB được vận hành trơn tru, tránh bị mất mát, hạn chế và kịp thời phát hiện để xử lý và khắc phục hậu quả đối với những hành vi trục lợi quỹ BHXHBB.