Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường tính mạng, sức khoẻ. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do hành vi của con người gây ra. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do hoạt động của tài sản gây ra.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Điều 584 BLDS 2015 quy định: “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe…thì phải bồi thường…”. Khái niệm về “người” trong trường hợp BTTH ngoài hợp đồng cần hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả các chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự nhất định. Và người gây ra thiệt hại có thể là bất kỳ chủ thể nào, có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác theo quy định của pháp luật; một khi phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng thì người gây ra thiệt hại có nghĩa vụ phải bồi thường.
Chế định BTTH ngoài hợp đồng của BLDS năm 2015 chỉ quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân mà không quy định về trách nhiệm bồi thường của các chủ thể khác như pháp nhân, cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác. Trong khi đó, các chủ thể khác vẫn luôn tham gia vào các quan hệ dân sự trong đời sống xã hội và có khả năng gây thiệt hại. Vì vậy, khi áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe trong một tranh chấp cụ thể liên quan đến những chủ thể khác, cần áp dụng những quy định pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan đến chủ thể có trách nhiệm bồi thường.
Mục lục bài viết
1. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do hành vi của con người gây ra:
Thiệt hại do con người gây ra có thể xuất phát từ chính những hành vi mà cá nhân thực hiện nhằm đáp ứng mong muốn, lợi ích của bản thân mình hoặc cũng có thể là những hành vi mang tính chất “đại diện” cho một chủ thể khác khi tham gia vào những quan hệ xã hội nhất định. Do vậy, một khi cá nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác trái luật gây thiệt hại sẽ làm phát sinh trách nhiệm BTTH đối với chính cá nhân đó, hoặc cho chủ thể mà cá nhân đó “đại diện” thực hiện hành vi.
– Đối với những hành vi của cá nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác xuất phát từ chính bản thân của cá nhân đó thì cá nhân gây ra thiệt hại có trách nhiệm BTTH. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, BLDS quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân. Điều 586 BLDS 2015 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”, quy định này xuất phát từ quy định “người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên…có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” tại Điều 20 BLDS 2015. Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên cha mẹ là người có trách nhiệm BTTH do con gái gây ra, cụ thể: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự khi gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện quản lý thì trường học, bệnh viện có trách nhiệm bồi thường khi có lỗi trong “thời gian quản lý”.
“Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chúng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”. Như vậy, người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để BTTH ngoài hợp đồng do người được giám hộ gây ra. Tuy nhiên, nếu họ chứng minh được việc không có lỗi trong việc giám hộ thì sẽ không phải dùng tài sản của mình để BTTH. Trong trường hợp này sẽ không có người BTTH bởi những người được giám hộ không có khả năng về năng lực hành vi để bồi thường nếu họ không có tài sản.
– Đối với những thiệt hại do nhiều người cùng gây ra, Điều 587 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải BTTH theo phần bằng nhau”.
Như vậy, trách nhiệm BTTH khi nhiều người cùng gây ra là trách nhiệm liên đới bồi thường của những người cùng gây ra thiệt hại. Cơ sở để xác định trách nhiệm liên đới bồi thường khi nhiều người gây ra thiệt hại là có hành vi “cùng gây thiệt hại” của những người gây thiệt hại. Xuất phát từ đặc điểm này, tính liên đới trong việc bồi thường được xác định. Tuy nhiên, khi xác định trách nhiệm bồi thường vẫn cần căn cứ vào mức độ lỗi để xác định mức bồi thường cho từng người.
Tham gia vào các quan hệ dân sự, bên cạnh cá nhân còn có những chủ thể khác như pháp nhân, cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác và trong quan hệ dân sự, các chủ thể này hoàn toàn có khả năng gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác. Đối với những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, mặc dù được thực hiện bởi các cá nhân những hành vi gây thiệt hại này mang tính chất được ủy quyền, nhân danh hoặc đại diện thì các chủ thể ủy quyền, được nhân danh, được đại diện phải có trách nhiệm BTTH do cá nhân gây ra. Vì vậy, “Pháp nhân phải BTTH do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”17 hoặc “Nhà nước có trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của
2. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do hoạt động của tài sản gây ra:
Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH”. So với quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng của BLDS 2005 thì BLDS 2015 đã bổ sung một căn cứ hoàn toàn mới đó là thiệt hại do “hoạt động của tài sản” gây ra; đây là một bổ sung quan trọng mang tính toàn diện về mặt căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt ngoài hợp đồng xảy ra trong thực tiễn. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng được áp dụng với cả chủ sở hữu và người chiếm dụng tài sản trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại. Đây là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp cụ thể như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do nguồn nguy hiểm cao độ, do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra. Một khi phát sinh thiệt hại cho người khác, chủ thể có trách nhiệm bồi thường được xác định là “chủ sở hữu, người chiếm hữu”.
Xuất phát từ lý luận pháp luật dân sự về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản và nhằm thể hiện tính cụ thể, rõ ràng của pháp luật thì chế định BTTH ngoài hợp đồng đã xây dựng quy phạm pháp luật để điều chỉnh những thiệt hại phát sinh trong những trường hợp cụ thể. BLDS 2015 ghi nhận 04 trường hợp BTTH ngoài hợp đồng do hoạt động của tài sản có thể tác động đến tính mạng, sức khỏe của người khác, cụ thể: BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; BTTH do súc vật gây ra; BTTH do cây cối gây ra; BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Những nguồn nguy hiểm cao độ này luôn tạo ra mối nguy hiểm cho những người xung quanh mặc dù được áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung nhưng không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối khả năng gây thiệt hại. Điều 623 BLDS 2015 quy định:
“1…
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải BTTH.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH.”
Như vậy, chủ thể có trách nhiệm BTTH là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Về nguyên tắc, chủ thể sở hữu, chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm BTTH phát sinh ngay cả khi không có lỗi. Tuy nhiên, pháp luật đã loại trừ trách nhiệm bồi thường của chủ thể có trách nhiệm dựa trên yếu tố lỗi trong một số trường hợp cụ thể đã được trích dẫn nêu trên.
Trường hợp BTTH do súc vật gây ra được quy định tại Điều 603 BLDS 2015, cụ thể:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải BTTH do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải BTTH trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải BTTH; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới BTTH.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Có thể thấy, trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, việc suy đoán lỗi được áp dụng trong nhiều trường hợp cần thiết, trong đó có trường hợp BTTH do súc vật gây ra. Súc vật hoạt động theo bản năng và con người phải kiểm soát được hoạt động của chúng. Do đó, nếu súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật bị coi là có lỗi trong việc quản lý súc vật, chính vì vậy mà chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm BTTH do súc vật gây ra.
Trên thực tế có những trường hợp thiệt hại do súc vật gây ra là hậu quả bởi hành vi trái pháp luật của người thứ ba không phải là chủ sở hữu hay người bị thiệt hại. Trong những trường hợp này, trách nhiệm BTTH được xác định cho người có hành vi làm cho súc vật gây thiệt hại. Đối với những trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường.
Tựu chung lại, “có 02 nhóm đối tượng phải liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp để súc vật gây ra thiệt hại đó là người chiếm hữu, người sử dụng súc vật trái pháp luật và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái luật.
– Trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra được quy định tại Điều 604 BLDS 2015, theo đó: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải BTTH do cây cối gây ra”.
So với quy định của BLDS 2005 thì BLDS 2015 đã mở rộng đối tượng phải bồi thường do cây cối gây ra. Điều 626 BLDS 2005 chỉ quy định “chủ sở hữu” phải BTTH thì BLDS 2015 xác định trách nhiệm BTTH có thể phát sinh đối với cả “người chiếm hữu, người được giao quản lý”; bên cạnh đó là việc thay thế khái niệm “cây cối đổ, gãy” bằng khái niệm “thiệt hại do cây cối gây ra”. Sự thay đổi về việc xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường và sự kiện pháp lý phát sinh trách nhiệm bồi thường của BLDS 2015 là một thay đổi mang tính chất tích cực nhằm bao quát các tình huống có thể phát sinh trên thực tế, xây dựng căn cứ pháp lý cho hoạt động áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng.
– Trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra được quy định tại Điều 605 BLDS 2015, cụ thể: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”
Về mặt chủ thể có trách nhiệm BTTH do nhà của, công trình xây dựng gây ra theo quy định của BLDS 2015 đã có sự bổ sung so với BLDS 2005 khi xác định trách nhiệm bồi thường của cả “người thi công có lỗi” trong trường hợp để nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại.
Tóm lại, qua lý luận tổng quát và đi sâu vào việc phân tích cụ thể vấn đề chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do hoạt động của tài sản gây ra, có thể thấy được quy định của pháp luật dân sự 2015 về vấn đề này là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn khách quan của đời sống xã hội, xây dựng được hành lang pháp lý tổng quát trong việc điều chỉnh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng.