Hiện nay có quy định mới về đăng ký hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. Nhiều trường hợp có nhu cầu đăng ký thực hiện kinh doanh thắc mắc về chủ hộ kinh doanh là gì? Chủ hộ kinh doanh cá thể có được thành lập công ty không? Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Chủ hộ kinh doanh là gì?
Hộ kinh doanh là do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc trong hộ quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người có đủ điều kiện là đại diện cho nhóm hoặc hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài.
Hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh một cách thường xuyên, có quy mô nghề nghiệp ổn định thì mới cần phải đăng ký. Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh được quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các trường hợp này gồm:
– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
– Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Tuy nhiên nếu kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, những đối tượng nêu trên vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định.
Chủ hộ kinh doanh cá thể là một cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình đứng tên hộ kinh doanh cá thể”. Chủ hộ kinh doanh cá thể là người đại diện theo pháp luật, có quyền vô hạn đối với hộ kinh doanh của họ. Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
2. Đặc điểm Hộ kinh doanh cá thể trong pháp luật Việt Nam:
Hộ kinh doanh cá thể là một trong những hình thức kinh doanh đơn giản và phổ biến tại Việt Nam. Bởi lẽ đăng ký đơn giản, và áp dụng theo phương thức thuế khoán; quy mô gọn nhẹ, chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, phù hợp với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên Hộ kinh doanh cá thể vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và tiềm ẩn rủi ro khi kinh doanh như:
- Cá nhân đã thành lập và tham gia góp vốn
thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. - Cá nhân hoặc tất cả thành viên trong hộ phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ thuế, các khoản nợ.
- Mỗi cá nhân, chỉ được thành lập một hộ kinh doanh. Vì vậy khi đã có hộ kinh doanh, cá nhân và nhóm cá nhân không thể lập cửa hàng, địa điểm kinh doanh thứ hai là hộ kinh doanh nữa.
- Hạn chế về việc xuất hoá đơn cho khách hàng.
- Không được phép xuất khẩu, nhập khẩu.
- Nếu buôn bán lưu động, kinh doanh ngoài địa điểm kinh doanh phải thông báo cho cơ quan thuế, quản lý kinh doanh…
- Kinh doanh buôn bán phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nói đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất.
Chủ thể thành lập hộ kinh doanh theo Quy định tại Khoản 1 Điều 79 nghị định 01/2021/NĐ-CP là cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ.
Như vậy, chủ thể của hộ kinh doanh là cá nhân, một hộ gia đình, còn chủ thể của hộ kinh doanh cá thể chỉ là cá nhân.
Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động. Hộ kinh doanh chỉ được quyền kinh doanh một ngành, nghề như đã đăng ký và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.
Hộ kinh doanh do cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm, một hộ gia đình làm chủ, cùng nhau quản lý, phát triển mô hình và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Cá nhân hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình đăng ký hoạt động hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Như vậy, trong hộ kinh doanh cá thể thì cá nhân là chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
3. Chủ hộ kinh doanh cá thể có được thành lập công ty không?
- Về khái niệm công ty:
Theo Khoản 10 Điều 4 của
Như vậy, công ty là một loại hình doanh nghiệp. Nói đến doanh nghiệp là nói đến tập hợp những công ty có đặc điểm chung như: Doanh nghiệp Tư nhân, Doanh nghiệp Nhà nước,…; Công ty là một loại hình doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản: Là một pháp nhân; Tách biệt và là chủ thể pháp lý độc lập với chủ sở hữu; Trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu với công ty; Cổ phần hay phần vốn góp là chuyển nhượng được; Quản lý tập trung và thống nhất.
- Khi nào một cá nhân được coi là cá nhân thành lập công ty?
Hiện nay ở Việt Nam muốn thành lập công ty cần lựa chọn 1 trong 5 loại hình doanh nghiệp sau:
Công ty TNHH một thành viên: Do 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức làm chủ. Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Từ 2 – 50 cá nhân/tổ chức góp vốn thành lập công ty. Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.
- Công ty cổ phần: Là loại hình có tối thiểu từ 3 cổ đông trở lên. Không giới hạn tối đa số lượng cổ đông. Chịu trách nhiệm hữu hanh trong phạm vi cổ phần sở hữu.
- Doanh nghiệp tư nhân: Do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
Không có quy định nào về trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn hay nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mà chỉ cần các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp pháp luật cấm (như: đang thi hành án phạt tù, tâm thần..) thì đều có thể đứng ra thành lập công ty. (Ví dụ, anh A có hộ khẩu thường trú ở TP Hồ Chí Minh hoàn toàn được phép thành lập công ty có địa chỉ trụ sở tại TP Hà Nội). Với công ty có nhiều cổ đông thì tất cả các cổ đông chỉ cần đáp ứng các yêu cầu kể trên. (Ngoại trừ người đại diện pháp luật pháp đáp ứng thêm một số yêu cầu riêng).
- Chủ hộ kinh donah cá thể có được thành lập công ty không:
Trước khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực áp dụng, Nghị định 78/2015/NĐ – CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền góp vốn, thành lập doanh nghiệp như sau:
“Điều 67. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh
Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này.
Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
Theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/01/2021 nêu rõ:
“Điều 80. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh
1. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
Thay vì quyền được thành lập thì quy định mới đã chuyển đổi sang quy định “không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại”. Trừ những loại hình trên, hộ kinh doanh được phép thành lập góp vốn vào những loại hình khác bao gồm: Công ty TNHH, Công ty cổ phần.
Như vậy, chủ hộ kinh doanh cá thể là cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc một hộ kinh doanh hoặc làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh, trừ trường hợp các thành viên hợp danh còn lại có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, cá nhân này có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.