Chồng trốn cấp dưỡng cho con khi nuôi con, vợ phải làm sao? Thủ tục khởi kiện tranh chấp đòi tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này. Có thể nói cấp dưỡng là quyền và cũng là nghĩa vụ của bố mẹ đối với con cái, do đó, trong trường hợp bố trốn tránh việc thực hiện cấp dưỡng cho con thì mẹ phải làm sao? Bài viết dưới đây sẽ giải quyết về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn:
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về việc cấp dưỡng
1.1 Về nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác (Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Cụ thể là:
– Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con (Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
– Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 111
– Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
– Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật Hôn nhân và gia đình. Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)
-Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
– Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình (Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
1.2. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng
Về mức cấp dưỡng: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Về phương thức cấp dưỡng: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trong trường hợp một người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhiều người thì người cấp dưỡng và những người được cấp dưỡng thỏa thuận với nhau về phương thức và mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 108 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người thì những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 109 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
2. Về hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Trốn tránh là việc tìm mọi lý do để thoái thác, lảng tránh, trì hoãn việc cấp dưỡng hoặc đưa tiền cấp dưỡng rất không đáng kể so với mức cấp dưỡng được ấn định trong quyết định của Tòa án. Hành vi từ chối thể hiện việc phủ nhận một cách công khai, rõ ràng, không lẫn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật…
Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Áp dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
…
5. Tranh chấp về cấp dưỡng”
Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 119 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm: Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; Người thân thích;Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;Hội liên hiệp phụ nữ.
Tòa án giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng là tòa cấp huyện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
Ngoài ra, Theo quy định của pháp luật, người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó:
– Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ khoản 4 Điều 23
“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”
– Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” như sau:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Do đó, nếu trong trường hơp bố không thực hiện nghĩa vụ cấ dưỡng cho con thì mẹ có thể làm đơn gửi lên Tòa án nơi bố cư trú, hoặc có thể làm đơn yêu cầu giải quyết lên Ủy ban nhân dân cấp các cấp hoặc cơ quan công an được xem xét và giải quyết về vấn về cấp dưỡng.